28/06/2018 12:45 GMT+7

Tuyển Đức: hội chứng V-League và lỗi từ... Pep Guardiola

HUY THỌ
HUY THỌ

TTO - Kể từ ngày mê tuyển Đức hồi năm 1974 đến giờ, World Cup 2018 là lần đầu tiên tôi thấy một tuyển Đức lạ lùng như thế. Có quá nhiều câu hỏi đặt ra về một tuyển Đức bạc nhược tại giải đấu này.

Tuyển Đức: hội chứng V-League và lỗi từ... Pep Guardiola - Ảnh 1.

Cứ đi bộ kiểu này thì còn lâu mới xuyên thủng được mành lưới của một đối thủ lì đòn như Hàn Quốc

Cho đi bộ về Berlin!

Trong bóng đá hiện đại, di chuyển là chìa khóa dẫn đến thành công. Anh phải di chuyển thật nhiều thì mới khuấy đảo, làm rối được hệ thống phòng ngự của đối phương; đồng thời giúp cho đồng đội đang có bóng có được nhiều địa chỉ để chuyền bóng.

Năm 2014, Đức là đội bóng có thống kể di chuyển nhiều nhất. Nhờ đó, họ tấn công rất đa dạng và đó là nguyên nhân lớn nhất để giúp tuyển Đức đăng quang.

Còn tại Nga năm nay? Các cầu thủ Đức lười di chuyển đến mức không ai hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Trong đó, tệ nhất là ở trận đấu cuối gặp Hàn Quốc. Khi mà đã có thông tin Thụy Điển ghi bàn vào lưới Mexico khiến Đức rơi xuống vị trí thứ ba trong bảng, lẽ ra họ phải tăng tốc để tấn công.

Nhưng không, những lần lên bóng bằng những bước chạy lúp xúp, rồi tìm không ra đồng đội ở phía trên để chuyền, thế là bóng cứ đan qua đan lại theo chiều ngang của sân. Với lối đá đó, không thể nào làm cho hàng phòng ngự Hàn Quốc phải rối ren. Mà không rối ren thì không thể có bàn thắng.

Sau khi kết thúc trận đấu bằng thất bại 0-2 trước Hàn Quốc, ông Vũ Công Lập nói với tôi rằng: "Một người Đức đã đề xuất rằng nên cho các tuyển thủ đi bộ từ Nga về Berlin, vì có vẻ họ rất thích đi bộ!".

Vấn đề thể lực hay vấn đề cái đầu

Nhiều người bảo rằng ông Loew đã sai lầm khi sử dụng những cầu thủ già nua như Oziel, Khedira, Mueller, Kroos, Hummel… tại Nga 2018.

Tôi chỉ đồng ý một nửa với ý kiến này. Nếu là một người thật sự mạnh mẽ, táo bạo, Loew phải mạnh dạn loại Khedira, Oziel, Muller ngay trong danh sách đến Nga. Đơn giản bởi phong độ của họ đã đi xuống từ Euro 2016 và rất mờ nhạt trong màu áo CLB đang chơi.

Nếu không đủ cứng rắn làm điều đó từ sớm, chí ít cũng phải cương quyết thực hiện một cách quyết liệt sau trận thua Mexico. Ở trận gặp Thụy Điển, thấy ông cho Oziel và Khedira ngồi dự bị là tưởng đã sửa chữa được sai lầm. Nào ngờ đến trận gặp Hàn Quốc lại đi vào vết xe đổ.

Bộ ba này thật ra không quá già. Trong đó, người lớn tuổi nhất là Khedira cũng chỉ bằng Rummenigger năm 1986, đó là 31 tuổi. Nhưng, cứ nhớ lại Rummenigger năm 1986 mà xem, lão tướng này khi vào sân cũng hừng hực khí thế chứ không đi bộ trên sân như Khedira, Oziel!

Giá mà Loew chỉ giữ lại Hummel, Kroos để trụ ở tuyến phòng ngự với tuyến giữa mà thôi, tôi nghĩ đội Đức đã không phải xách vali về sớm như thế.

Trước khi đến Nga, Klinsmann trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã bày tỏ sự lo ngại về đội Đức là họ thiếu khát vọng.

Nếu điều Klinsmann nói  là đúng thì Đức bây giờ đã không còn là Đức của ngày xưa, Đức của truyền thống. Tại sao họ không khát khao trở thành đội thứ ba bảo vệ được chức vô địch World Cup? Tại sao họ không chiến đấu để xứng danh là đại diện cho một quốc gia là đầu tàu của châu Âu? Chỉ cần trả lời hai câu hỏi đó, người Đức vẫn là người Đức.

Cũng có người đã nêu ra một vấn đề thế này: những cầu thủ nhập cư đã làm cho Đức nhạt nhòa bản sắc.

Đó cũng có thể là vấn đề đáng suy nghĩ vì ai cũng biết mỗi một dân tộc có một bản sắc riêng của mình. Nói đến Đức, ngay lập tức phải nghĩ đến tinh thần thép, đến lòng tự hào (thậm chí như là tự tôn) dân tộc, đến lý trí. Những điều đó tạo nên bản sắc Đức - một thứ bản sắc mà các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng đó là sự đúc kết từ văn hóa ngàn đời, đến độ ăn vào máu và trở thành gen đặc trưng. Những Oziel, Khedera, Boateng…chưa thể trở thành người Đức thật thụ!?

Lỗi từ… Pep Guardiola!

Ô hay, Pep liên quan gì đến đội tuyển Đức mà lôi ông ấy vào đây?

Tôi thì nghĩ có thể có đấy, và dĩ nhiên cũng chỉ là một giả thiết đặt ra để thử lý giải cho sự bạc nhược kỳ lạ của tuyển Đức.

Này nhé, ai theo dõi bóng đá Đức sâu sắc hẳn đều hiểu rằng CLB Bayern Munich có một vị trí vô cùng đặc biệt trong làng bóng Đức. Đến độ có thể nói tuyển Đức là Bayern Munich, Bayern Munich là tuyển Đức!

Khi ban lãnh đạo Bayern Munich mời Pep về dẫn dắt đội này, ai cũng thấy CLB này đã chuyển sang chơi thứ bóng đá tiki-taka "made in Pep Guardiola". Và lối chơi này cũng đã thể hiện ở tuyển Đức năm 2014 một cách rất đậm nét.

Sau khi Pep rời B.M, đội bóng này hiện nay đâu còn gì của Tiki-taka. Và trong cái giai đoạn từ bỏ một cái cũ vừa mới có để chuyển sang trở lại một cái mới đã có từ xưa, B.M trong mùa bóng đá vừa qua chơi khá nhạt nhòa. Và y như thế, tuyển Đức cũng cùng căn bệnh?

Tuyển Đức: hội chứng V-League và lỗi từ... Pep Guardiola - Ảnh 2.

Neuer đã không thể truyền cho các đồng đội tinh thần mạnh mẽ như người tiền nhiệm Philipp Lahm đã làm - Ảnh: REUTERS

Cầu thủ nắm 3 chân ghế HLV!

Tất cả những gì tôi trình bày ở trên đều chỉ là giả thiết đặt ra sau quá trình theo dõi tuyển Đức, chứ không thể nào dám đoan chắc là đúng. Bởi, một người Việt rành rẽ bóng đá Đức như ông Vũ Công Lập, mà cũng đã phải nói chỉ có các tuyển thủ Đức mới biết đích xác chuyện gì đang xảy ra với họ!

Cuối cùng, với những gì mà tuyển Đức đã thể hiện ở World Cup 2018, với tư duy của một người Việt gắn với sản phẩm V-League, tôi còn có một giả thiết khác: 12 năm ngồi ghế HLV trưởng đội tuyển Đức là quá dài với Loew. Giờ đây, ông không còn gì mới nữa, bắt đầu lẩm cẩm rồi.

Vậy mà hợp đồng của Loew với Liên đoàn Bóng đá Đức kéo dài đến 2020! Nếu tuyển Đức nghiến răng mà đá, chắc họ cũng lết vào được bán kết. Và có rụng ở bán kết thì khó mà bứng Loew đi được. Thế nên, các cầu thủ đã "đình công" để lật đổ Loew!?

Nó y như ở V-League, bốn chân ghế của HLV thì cầu thủ nắm đến 3 vậy mà.

Xin nhắc lại một lần nữa rằng tất cả chỉ đều là giả thiết chỉ để nhằm thử lý giải cho một tuyển Đức quá lạ kỳ!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên