Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Văn Đình Tráng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết đây là nội dung trong nghiên cứu cấp bộ đã được Bộ Y tế phê duyệt, nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu trong sử dụng huyết tương của người bệnh COVID-19 đã phục hồi để truyền, điều trị cho bệnh nhân thể trung bình, nặng và nghiêm trọng.
Mục tiêu của nghiên cứu là sử dụng huyết tương để cứu bệnh nhân nặng thoát được tử vong, ngăn chặn các ca trung bình, nặng tiến triển nặng hơn. Theo TS Tráng, hiện chưa có phương thức đặc trị hiệu quả đối với bệnh COVID-19, kể cả các thuốc kháng virus sử dụng nhiều gần đây.
Theo đó, nghiên cứu có kế hoạch tuyển chọn 5 người bệnh đã khỏi và tình nguyện hiến tặng huyết tương. Những người hiến tặng 18-65 tuổi, có đủ tiêu chuẩn về tuổi, sức khỏe, sàng lọc an toàn bệnh nhân, đã xuất viện 14 ngày, xét nghiệm cận lâm sàng âm tính với COVID-19, có kháng thể miễn dịch và không mắc các bệnh truyền nhiễm.
Cho đến nay đã có 2 người tình nguyện hiến tặng huyết tương đủ các tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu. Nghiên cứu vẫn đang kêu gọi và chọn thêm 3 người đủ điều kiện.
Nghiên cứu sẽ sử dụng huyết tương được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 18 tuổi trở lên, truyền và điều trị cho người bệnh.
Ông Tráng cho biết đã có Trung Quốc và một số nghiên cứu ở châu Âu sử dụng huyết tương điều trị cho người bệnh và có một số kết quả ban đầu. Y văn thế giới cũng ghi nhận từng có việc sử dụng huyết tương điều trị cho người bệnh cúm, SARS và một số căn bệnh tương tự khác.
Tại Việt Nam, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới cập nhật lần 4 lần đầu tiên cho phép sử dụng huyết tương người bệnh đã bình phục để điều trị cho người đang nhiễm bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận