Theo đó, tỉnh này yêu cầu các cơ quan, đơn vị không dùng nước uống đóng chai sử dụng một lần trong công sở và trong các hội họp, chuyển đổi sang sử dụng các bình nước thể tích lớn, hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu dễ phân hủy.
Không sử dụng túi nilông, khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị và tại các hội họp.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính không thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, nilông sử dụng một lần, khó phân hủy.
Ai đã từng đến châu Âu, Mỹ, Nhật và ngay cả các nước quanh ta như Thái Lan, Singapore... hẳn đều biết ở đó nước uống hầu như được đóng trong chai thủy tinh. Họ hạn chế, đi đến dừng hẳn việc sử dụng bao bì nhựa dùng một lần, bởi vì sau khi chai nước uống xong thì nó là rác.
Số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết, lượng rác thải nhựa thải ra mỗi năm đủ bao quanh Trái đất 4 lần.
Hiệp hội Thống kê hoàng gia Anh cho hay 90,5% lượng rác thải nhựa toàn cầu hiện nay chưa từng được tái chế. Nghĩa là có đến 5,7 tỉ tấn rác thải nhựa đang ngập ngụa xung quanh chúng ta suốt hơn 60 năm kể từ khi loại bao bì này được sản xuất hàng loạt.
Phần lớn số rác thải này đang trôi nổi trên các sông suối, đại dương, trong lòng đất... và đang tồn tại trên Trái đất như một món nợ của con người.
Các nhà khoa học rung chuông cảnh báo: nếu không thay đổi thói quen, đến năm 2050 con người sẽ phải sống chung với 12 tỉ tấn rác thải nhựa.
Lời cảnh báo đó cũng đã được người Việt nhìn thấy. Những năm qua, phong trào "Nói không với bao bì nhựa, túi nilông" đã lan tỏa trong xã hội, với những khu du lịch không bao bì nilông, siêu thị chỉ dùng lá chuối, túi cói để gói hàng, quán cà phê chỉ dùng ống hút bằng vật liệu thiên nhiên... Nhưng, hành vi sống xanh đó vẫn chưa phát triển thành một trào lưu mạnh mẽ trong cả xã hội.
Những quy định hạn chế sử dụng bao bì nhựa thời gian qua cũng đã có một số đơn vị thực hiện, nhưng rồi cũng chỉ dừng lại như một phong trào nhất thời, mang tính chất vận động, không có biện pháp chế tài và không có giải pháp thay thế.
Hi vọng với cách làm của Huế sẽ tạo ra một sự thay đổi cho cuộc chiến với rác, nhất là với thứ rác thải nhựa, tưởng như quá gian nan vì đụng vào lợi ích của không ít người. Một cuộc chiến không biết bao giờ mới chấm dứt, nhưng cần phải bắt đầu bằng những việc làm cụ thể và giải pháp khả thi như thế.
Người Việt đang thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, theo Trung tâm tư vấn phát triển bền vững Đà Nẵng.
90,5% số rác nhựa đó không được tái chế, nó sẽ đi đâu? Nó vẫn ở quanh quẩn chúng ta.
Và sự sống của chúng ta không chỉ chứa trong loại bao bì nhựa, mà còn bị đầu độc mỗi ngày bởi thứ rác độc hại đó.
Vì lẽ đó, nếu không tuyên chiến với rác nhựa, bằng những hành động cụ thể như chính quyền Thừa Thiên - Huế thì tương lai của chúng ta không chỉ sống trong nhựa, mà còn chết ngập trong rác nhựa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận