Xưởng sản xuất gỗ dán ở Việt Nam - Nguồn: Bộ Công thương
Trước tình trạng tăng phi mã của một số mặt hàng, Bộ Công thương đã ban hành quy định khẩn để chặn hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với mặt hàng gỗ dán sang Hoa Kỳ, tránh nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế.
Trong số 25 mặt hàng bị Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đưa vào danh mục cảnh báo sớm về nguy cơ lẩn tránh thuế và gian lận thương mại công bố hồi đầu tháng 10-2019, gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng là mặt hàng được xếp đầu tiên. Mặt hàng này cũng nằm trong diện cảnh báo cao nhất (mức 4).
Từ tháng 12-2016, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến tháng 12-2017, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp cho sản phẩm này của Trung Quốc là 183,36%, còn mức thuế chống trợ cấp là từ 22,98% đến 194,90%.
Cảnh báo sớm
Số liệu của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho thấy năm 2018, lượng gỗ dán xuất khẩu tới Hoa Kỳ đạt 320.000m3, tăng gấp 5 lần so với năm 2017. Nguyên nhân tăng là do nhiều nhà máy mới được xây dựng và một số nhà máy mở rộng công suất thiết kế.
Trong khi đó, số liệu của Hoa Kỳ cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này với mặt hàng gỗ dán là 198 triệu USD, tăng 78,2%.
Đến nay, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ VN và đang áp dụng biện pháp sơ bộ. Mức thuế mà Hoa Kỳ áp cho VN với mặt hàng này hiện nay là 8%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho hay cùng với hệ thống cảnh báo sớm, Bộ Công thương đã phối hợp với cơ quan hải quan giám sát, phân luồng giám sát chặt chẽ hơn với những mặt hàng trong danh mục cảnh báo sớm. Đồng thời, Bộ Công thương cũng gửi thông tin tới Bộ Kế hoạch và đầu tư để gửi thông tin tới các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ số lượng và tình hình đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực này.
"Như với mặt hàng gỗ dán, Bộ Công thương đã phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức các hoạt động kiểm tra và có hiện tượng có địa phương bán khống nguyên liệu cho doanh nghiệp, hoặc kiểm tra nhưng doanh nghiệp đóng cửa" - đại diện cục này cho hay.
Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết các dự án FDI mới trong ngành gỗ đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là các tháng đầu năm 2019. Dẫn chứng là trong 5 tháng đầu năm, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018.
Tổng số vốn đầu FDI đầu tư trong 5 tháng 2019 lớn gấp gần 1,2 lần tổng số vốn đầu tư của cả năm 2018. Trung Quốc dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào ngành gỗ, tiếp đến là Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong và Nhật Bản.
Đầu tư của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2019 chủ yếu tập trung vào mảng chế biến gỗ (16 dự án, chiếm tỉ lệ 60%). Trên 50,07 triệu USD từ các dự án FDI mới của Trung Quốc đã được đăng ký trong 5 tháng đầu 2019, cao hơn gần 1,7 lần vốn đăng ký của các dự án FDI Trung Quốc cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, quy mô vốn đầu tư trên mỗi dự án chỉ là 2,1 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với con số 4,2 triệu USD - là quy mô mỗi dự án trong cùng kỳ năm trước.
317 kiện hàng với trọng lượng khoảng 7.200kg gồm gối, mền, nệm cao su trong container 40 feet nhập từ Trung Quốc đã bị phát hiện gắn nhãn mác “Made in Vietnam” tại cảng Cát Lái, Q.2, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Có vấn đề, phải vào "luồng đỏ"
Cùng với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu triển khai chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ mặt hàng gỗ dán. Cơ quan hải quan đưa 4 doanh nghiệp vào danh sách luồng đỏ để tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu gỗ.
Cơ quan này rà soát kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, cho thấy trong 9 công ty thực hiện xuất khẩu có 6 công ty tăng đột biến.
Qua xác minh, nhiều vấn đề nổi lên như doanh nghiệp sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, doanh nghiệp sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là giả; hiện tượng chuyển tải đơn hàng từ các nước sang Việt Nam để lẩn tránh thuế khi xuất khẩu... gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của Việt Nam.
Trước tình hình này, Bộ Công thương đã ban hành thông tư số 22/2019 quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ với mặt hàng gỗ dán từ ngày 27-12-2019.
Theo đó, thông tư này quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 đối với các thương nhân; các cơ quan, tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng này.
Ông Mai Xuân Thành (phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan):
Hợp tác để bảo vệ doanh nghiệp chân chính
Hội thảo này mở cơ hội hợp tác hiệu quả hơn cho các bộ Tài chính, Công thương..., đặc biệt là cơ hội hợp tác với các cơ quan hải quan của các nước trong việc đấu tranh ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Vì sự phát triển bền vững, lợi ích của doanh nghiệp VN và các đối tác thương mại, VN luôn nỗ lực để bảo vệ nền sản xuất của VN, bảo vệ những doanh nghiệp chân chính. Vì qua việc đấu tranh chống gian lận, sẽ gạt bỏ được những doanh nghiệp gian lận, làm ăn phi pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận