Trong bản tuyên bố, hai bên chân thành, cụ thể, chi tiết và không tránh né các vấn đề còn tồn đọng giữa hai bên từ cán cân thương mại mất cân bằng cũng như bất đồng trên Biển Đông.
6 phương hướng hợp tác chính
1. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước, hay có niềm tin chiến lược vào nhau, được coi là hòn đá tảng để hai nước có thể dựa trên và xây dựng các chính sách hợp tác thiết thực trong lĩnh vực khác.
Ngoài ra, một thuận lợi cho mối quan hệ song phương Việt - Trung chính là có thêm ngoại giao kênh đảng mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới không thể thiết lập với Trung Quốc.
Đây cũng là một lĩnh vực hợp tác truyền thống của hai nước, một điểm sáng trong quan hệ song phương. Bản tuyên bố chung nhấn mạnh cần phải "phát huy đầy đủ vai trò đặc biệt" của kênh ngoại giao này.
2. Việt Nam và Trung Quốc đồng ý thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn. Phương hướng này gồm hai khía cạnh cơ bản: quốc phòng và an ninh.
Đối với quốc phòng, hai bên tăng cường giao lưu cấp cao giữa quân đội hai nước, phát huy tốt vai trò của các kênh như giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, đối thoại chiến lược quốc phòng và đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng, cũng như triển khai hiệu quả "Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025" giữa bộ quốc phòng hai nước.
Còn về mảng an ninh, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý tăng cường trao đổi cấp cao giữa các cơ quan thực thi pháp luật hai nước; phát huy tốt vai trò của các cơ chế hội nghị cấp bộ trưởng về phòng chống tội phạm, đối thoại an ninh chiến lược; và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
3. Hợp tác thực chất sâu sắc hơn. Đây là một lĩnh vực khá rộng, bao quát từ lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đầu tư ngành nghề, thương mại, nông nghiệp cho đến tài chính tiền tệ. Đây cũng chính là lĩnh vực mà hai bên đã đạt được nhiều thành tựu trong 15 năm qua kể từ sau khi ký kết Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008).
Tuy nhiên, chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đồng ý rằng vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng cường các cơ chế hợp tác, thúc đẩy đầu tư, mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa của nhau, chia sẻ kinh nghiệm quản lý cũng như bảo đảm an ninh lương thực và phát triển xanh.
4. Cần có nền tảng xã hội vững chắc hơn. Nền tảng xã hội chính là nhân dân hai nước, hai đảng và hai chính phủ cần phải có nhiều hoạt động thúc đẩy giao lưu và tăng cường sự hiểu biết, gắn bó lẫn nhau giữa hai bên.
Đây cũng chính là phương hướng khá "căn cơ", đẩy mạnh hợp tác giao lưu trong cả ba kênh: đảng, nhà nước và nhân dân.
5. Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn. Hai bên nhất trí kiên trì phát huy chủ nghĩa đa phương, tăng cường phối hợp và hợp tác đa phương, cùng nhau bảo vệ hệ thống quốc tế lấy Liên Hiệp Quốc làm hạt nhân và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.
Việt Nam và Trung Quốc cũng đồng ý ủng hộ quan điểm của nhau ở các diễn đàn đa phương trên cơ sở phù hợp. Chính phủ Việt Nam cũng tuyên bố hoan nghênh quan điểm xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại mà phía Trung Quốc đưa ra nhằm thúc đẩy những giá trị chung về hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do cũng như ba sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc như Sáng kiến an ninh toàn cầu, Sáng kiến phát triển toàn cầu và Sáng kiến văn minh toàn cầu.
6. Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Việt Nam và Trung Quốc đồng ý kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tăng cường cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc và các nhóm công tác trực thuộc; tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Cơ sở cho giai đoạn hợp tác mới
Có thể nói bản tuyên bố chung ngày 13-12 là một văn bản chính trị quan trọng, đánh dấu sự tiến triển vượt bậc trong quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc kể từ khi bình thường hóa quan hệ từ năm 1991 cho đến nay.
Về mặt ngôn ngữ, hai bên thể hiện quan điểm tích cực thông qua các động từ biểu thị tính tích cực cũng như chủ động được sử dụng rất nhiều lần trong bản tuyên bố chung như "nhất trí", "thúc đẩy", "tăng cường", "hoan nghênh", "ủng hộ", "khuyến khích", "phát huy". Điều này thể hiện hai bên có sự thống nhất cao trong quan điểm, tạo tiền đề cho sự hợp tác song phương Việt - Trung trong thời gian tới.
Ngoài ra, một trong những từ được lặp lại nhiều nhất trong bản tuyên bố chung chính là từ "hơn", trong ý nghĩa so sánh so với trước đây. Điều này biểu thị cam kết của hai bên cùng đưa mối quan hệ đã lên một tầm cao mới với các lĩnh vực hợp tác khác nhau trong thời gian tới.
Về mặt cấu trúc, bản tuyên bố chung đi từ việc nhắc lại mối quan hệ truyền thống "vừa là đồng chí vừa là anh em" và cần phải thúc đẩy niềm tin giữa hai bên cho đến phần cuối cùng là cam kết kiểm soát và giải quyết các bất đồng tốt hơn.
Do đó nhìn về mặt logic, bản tuyên bố chung đi từ vấn đề mang tính nền tảng và chiến lược cho mối quan hệ song phương cho đến vấn đề cuối cùng mang tính khúc mắc giữa hai nước.
Có thể nói bản tuyên bố chung đã đặt cơ sở nền tảng chính trị cho hai nước bước vào giai đoạn mới, bắt đầu từ sự tin cậy chính trị giữa hai bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận