Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin - Ảnh: RIA NOVOSTI |
Kết thúc chuyến thăm, hai bên ra tuyên bố chung về tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Tuổi Trẻ xin lược trích tuyên bố chung này và đặt tít trong bài.
Quan hệ Việt - Nga: hợp tác điện hạt nhân, khai thác dầu khí
Lãnh đạo hai nước khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
Hai bên nhấn mạnh các bộ, ngành có thẩm quyền của hai nước cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết nhiệm vụ nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỉ USD vào năm 2020.
Hai bên nhấn mạnh tính chiến lược của hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, trước hết là việc xây dựng tại Việt Nam Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Ninh Thuận 1 bằng công nghệ tiên tiến nhất, bảo đảm an toàn tối đa và hiệu quả kinh tế cao.
Hai bên quyết định tăng cường hợp tác, mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, được xác định bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Hai bên nêu bật tầm quan trọng đặc biệt của hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự cũng như trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Đây là lĩnh vực hợp tác không nhằm chống lại bất cứ ai, dựa trên sự tin cậy cao, được thực hiện theo đúng các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới nói chung.
Các vấn đề quốc tế và khu vực
Hai bên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước và nhận thấy sự gần gũi hoặc tương đồng lập trường của Việt Nam và Nga trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Hai bên bày tỏ hài lòng về mức độ phối hợp hành động cao trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, trong đó có cả các vấn đề như các biện pháp bảo đảm minh bạch và củng cố lòng tin trong vũ trụ, an ninh thông tin quốc tế, an ninh giao thông đường bộ, khẳng định sẵn sàng tiếp tục ủng hộ nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các cơ quan điều hành của các tổ chức này.
Việt Nam và Nga cho rằng an ninh quốc tế là không chia tách và toàn diện, xuất phát từ việc an ninh của một quốc gia không thể được bảo đảm bằng an ninh của các quốc gia khác, bao gồm cả việc mở rộng các liên minh chính trị - quân sự toàn cầu và khu vực.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới tất cả các hình thức và biểu hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế vững chắc.
Phía Nga bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc chuẩn bị và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Hai bên tin tưởng rằng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau là những nhân tố nền tảng cho sự phát triển bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với vai trò là một trong những cực của trật tự thế giới đa cực đang hình thành.
Hai bên nhấn mạnh các tranh chấp biên giới, lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á - Thái Bình Dương cần được các bên liên quan giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực.
Việt Nam và Nga ủng hộ việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại biển Đông (COC).
Phía Nga khẳng định sẵn sàng hỗ trợ mọi mặt cho Việt Nam khi Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận