Bình luận viên Ngô Quang Tùng phân tích với Tuổi Trẻ Online:
Bảng D kết thúc với kết quả bất ngờ. Tuy nhiên, nó được nhìn theo nhiều chiều khác nhau, có cái không tích cực và có cái rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn như chiến thắng 3-2 của Áo trước Hà Lan là một bất ngờ thú vị.
Highlights trận Áo thắng Hà Lan 3-2, đoạt ngôi đầu bảng D Euro 2024 - Nguồn: TV360.VN
Tuyển Áo là bất ngờ thú vị
Thứ nhất là tuyển Áo luôn chủ động trong thế trận của mình. Nó thể hiện trong tình thế mà nếu thắng thì họ sẽ đạt kết quả rất tích cực về mặt tinh thần lẫn vị trí của bảng đấu. Và thực tế trên sân đã diễn ra như vậy.
Cho dù lối chơi vẫn còn có những điểm chưa thật sự kín kẽ, nhưng Áo chơi cơ động ở tuyến trên để giành chiến thắng. Kết quả giúp họ giành ngôi nhất bảng D với 6 điểm sau 3 trận, vượt qua cả hai ông lớn Pháp và Hà Lan.
Lượt trận cuối cũng đặt ra cho chúng ta một cách quan sát khác nhau. Đó là dấu hỏi rất lớn cho các HLV Didier Deschamps (Pháp) và Ronald Koeman (Hà Lan) trong việc sử dụng và sắp xếp con người.
Chiến thắng của Áo trước Hà Lan cho thấy HLV Ralf Rangnick sử dụng con người rất hay. Đáng chú ý là trận nào ông ấy cũng thay đổi cầu thủ, và đổi ở vị trí rất ít khi thay.
Như sau trận thua Pháp 0-1, HLV Ralf Rangnick đã thay cả 2 trung vệ ở đội hình xuất phát trận Ba Lan để có chiến thắng 3-1.
Và đến trận cuối với Hà Lan, ông ấy lại thay phân nửa đội hình. Trong đó có Baumgartner - tiền đạo ghi bàn ở trận Ba Lan cũng được cho nghỉ. Chân sút thay thế Romano Schmid cũng lập tức ghi bàn.
Trong khi đó, hai HLV Didier Deschamps và Ronald Koeman chỉ thay đổi đội hình xuất phát ở trận cuối cùng. Và những thay đổi đó đều không mang lại hiệu quả.
Hàng công Pháp không có tiền đạo Griezmann lập tức chơi lắt nhắt. Hàng công này thiếu tính tổ chức cao và thiếu điểm nhấn về khả năng chuyền bóng.
Hà Lan thay gần nguyên trục ở cánh phải và bị thua đúng ở khu vực đó. HLV Ronald Koeman lập tức sửa sai ngay trong hiệp 1 bằng cách thay Joey Veerman bằng Xavi Simons (phút 35).
Nhưng nhìn tổng thể, Hà Lan ở trận gặp Áo luôn phải đi sửa lỗ rò của mình. Và khi thua quả thứ 3 ở phút 80 thì không còn thời gian để sửa.
Hàng thủ Hà Lan chơi quá mơ ngủ, thiếu sự chặt chẽ. Đặc biệt là sự tập trung. Trung vệ Van Dijk đẳng cấp như thế nhưng lại đứng sai vị trí, để Sabitzer phá bẫy việt vị ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 cho Áo.
Pháp chạm đáy của sự thất vọng
Tuy nhiên, Pháp mới là đội gây thất vọng nhiều nhất. Ứng viên nặng ký cho chức vô địch chỉ tự mình ghi được có 1 bàn trong 3 trận, bàn thắng lại đến từ quả 11m ở trận hòa Ba Lan. Bàn còn lại ghi được là từ pha đá phản lưới nhà của Áo ở trận mở màn.
Một đội bóng dày dặn kinh nghiệm như Pháp, khi thắng một bàn rồi thì phải biết đá thế nào để kiểm soát thế trận. Nhưng họ lại để Ba Lan, đội bóng không còn mục tiêu sau khi đã bị loại sớm, ghi bàn gỡ hòa.
Kết quả này khiến Pháp không có được ngôi đầu bảng D và rơi vào nhánh đấu "tử thần". Nơi có sự góp mặt của chủ nhà Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tại vòng 16 đội, Pháp sẽ chạm trán đội nhì bảng E. Và nếu đi tiếp họ có thể sẽ phải chạm trán Bồ Đào Nha.
Ngoài ra, Pháp cũng khiến người ta cảm thấy khả năng dẫn dắt của HLV Didier Deschamps đang đi vào vòng luẩn quẩn. Có cảm giác đến trận Ba Lan mang tính quyết định vị trí nhất bảng để chọn đối thủ mà ông ấy vẫn muốn thử đội hình hay chiến thuật.
Hà Lan và Pháp: Vì sao nên nỗi?
Yếu tố điều hành, chuẩn bị và điều chỉnh của HLV Ronald Koeman là không tầm thường. Tất cả phương án của Hà Lan nhìn chung là đều có lý.
Kể cả trường hợp của Donyell Malen - người "đốt lưới" nhà ở trận Áo, khi là giải pháp mang nét tích cực trên hàng công. Những sự thay đổi người của HLV Ronald Koeman đều đúng và mang lại hiệu quả. Nhưng phải nhìn nhận là Hà Lan đã gặp phải một đối thủ Áo chơi quá hay ở Euro 2024.
Còn với Pháp, đó là một sự chuẩn bị không thật sự mạch lạc và kỹ càng. HLV Didier Deschamps không có đủ phương án chiến thuật lẫn tinh thần để kiểm soát hết trận đấu. Các vai trò của các trụ cột ở tuyển Pháp cũng không được thể hiện đầy đủ và đồng nhất.
Pháp là ứng viên vô địch nhưng thể hiện cực kỳ mong manh. Pháp đá như thế rất khó để bứt phá. Một đội bóng tưởng đều và mạnh như thế, sẵn sàng bùng nổ ở các vị trí mà chỉ mới có được 2 bàn thắng sau 3 trận. Tỉ lệ thành công và một hiệu suất ghi bàn quá thấp.
Nếu trận đầu tiên thắng Áo 1-0 nhờ bàn đá phản còn có thể chấp nhận được, thậm chí hòa Hà Lan 0-0 cũng là điều khó tránh. Nhưng mà trận cuối hòa Ba Lan 1-1 là rất khó chấp nhận.
Dấu ấn HLV Ralf Rangnick
Với những gì thể hiện, Áo không phải gây bất ngờ quá lớn. Nhưng đây là đội bóng thật sự thú vị.
Nó chứng minh một điều rằng ở châu Âu, các HLV được đánh giá cao về khả năng và làm việc khoa học. Nếu cho họ thời gian và môi trường tốt thì họ hoàn toàn có thể tạo nên sản phẩm tiêu chuẩn.
Trước khi đến với đội tuyển Áo, HLV Ralf Rangnick dường như bị "sa lầy" ở CLB Manchester United. Nhưng khi về Áo, với thời gian đủ dài và đội bóng phù hợp, nhà cầm quân người Đức này đã kiên nhẫn xây dựng một lối chơi phù hợp và có nhiều giải pháp khác nhau.
Việc tuyển Áo đánh bại Hà Lan để dẫn đầu bảng D, đẩy Pháp xuống nhì bảng là một minh chứng rõ nét cho tài cầm quân của HLV Ralf Rangnick. Áo sẽ rất đáng xem ở vòng 16 đội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận