TTCT - Khám phá những quán rượu nổi tiếng của Hà Nội một thời, nơi hội tụ những văn nghệ sĩ đặc biệt một thời. Chả hiểu vì lẽ gì mà sau thời mở cửa (1986) các quán rượu chứng nhân ấy lặng lẽ mất dần. Tranh: LÊ THIẾT CƯƠNGNhững người uống ấy chỉ thời ấy mới có...Ông kể trong một buổi chiều nhá nhem, mỗi tửu khách tôi, hiếm khi quán vắng. Mọi người quen gọi ông Thực nhưng tên trong chứng minh thư là Lê Văn Sung. Ông chính là một trong khoảng hai chục ngàn "lính thợ" bị đưa sang Pháp hồi 1939 và mãi đến tận năm 1952 mới được về. Trong thời gian làm thợ ở nhà máy quân khí, Thực được ông đội trưởng để mắt vì thấy ông chăm chỉ, nhanh nhẹn. Ông đội cho Thực về nhà, làm ngoài giờ, phụ giúp vợ ông mở một quán nhỏ kiểu Gourmet gần nhà máy…Bữa đó, ông Thực phá lệ, "chủ quán rượu thì không uống rượu cùng khách". Sau 3 chén hoa hồng bằng mặt ông kể, ông cũng được bà chủ để mắt, được bà chủ truyền cho vài bí kíp nấu đồ ăn Tây sau khi đồng ý "léng phéng" với bà chủ. Quán rượu của Mơ si ơ (1) Thực cuối dốc Bà Triệu. Gọi là quán nhưng chỉ là một phòng nhỏ trong ngõ, cũng là lối đi ra sân sau của mấy hộ gia đình phía ngoài.Các quán rượu hồi ấy đều do tửu khách đặt tên chứ quán vốn không có tên, cũng chả biển hiệu gì. Những cái tên ngẫu hứng, gọi mãi thì thành tên. Quán Tiên Điền vì quán ở góc Nguyễn Du - Quang Trung. Quán O, vì chủ quán là một chị gốc Huế, quán Xiếc vì gần rạp Xiếc, quán Dao kẻ vạch vì… sẽ nói sau. Quán Thực, nhiều đồ mồi, mồi ngon vì ông chủ có quá khứ phụ bếp bên Tây nhưng lũ sinh viên chúng tôi làm gì có tiền mà gọi mồi. 10 cữ thì đến 9 là uống xếch (2), có Thực mới vực được học hành…Thế nhưng như số phận an bài, ngẫu nhiên, ở tận cùng của đường hầm vẫn có ánh sáng. Cháu của ông Thực chuyên nghề tráng bánh phở. Mồi của chúng tôi chủ yếu là bánh phở chấm muối. Hóa đơn luôn là rượu quốc lủi 1 chai, bánh phở 2 lạng, 1 bao Trường Sơn. Khoảng sân giữa hắt vào quán một thứ ánh sáng mờ ảo, tối mịt ông Thực mới chịu bật một ngọn đèn có cái chao bằng sắt tráng men, nguồn sáng vàng khè lờ mờ ấy do điện yếu soi chả rõ mặt người. Nhận ra nhau cũng chỉ vì loanh quanh khách uống vẫn ngần ấy mặt. Hai cái bàn trong góc là "khách VIP", vì phía ngoài là lối đi chung của cả xóm nên mỗi khi người ra người vào các tửu đồ phải co lại. Hình ảnh mấy khách rượu, gầy gò, râu ria cứ thỉnh thoảng lại loay hoay ai cầm chén người ấy co rúm lại, nép vào nhau để nhường lối cho mọi người đi lại, cũng đẹp nhưng tủi quá.Chả cần rê déc vê (3) nhưng bàn VIP luôn là chỗ của hai cụ Hoàng Trung Thông và Trọng Hứa. 2 "mét" ngồi trong bóng tối, chả nói gì, uống chậm, mà có nói thì cũng tiếng Tây pha tiếng ta, lầm rầm thôi. Chắc lại chuyện chữ nghĩa, chứ còn biết nói chuyện gì. Họ lững thững đến rồi tối mịt lại lững thững về, nhà Trọng Hứa ngay Tuệ Tĩnh, gần đó. Ông là em của họa sĩ Linh Chi, một họa sĩ hiếm hoi không rượu. Nhà văn Trọng Hứa ở cùng gia đình anh, ông không lập gia đình. Ông là biên tập viên của Nhà xuất bản Tác phẩm mới, lương lậu chả đủ… uống, ông gia công thêm thuốc lá cuốn. Thỉnh thoảng tôi thấy ông trả ông Thực bịch thuốc lá trừ vào tiền rượu. Nhà thơ Hoàng Trung Thông "di cư" nhiều quán, cả đời uống của ông mới chắt ra được một câu thượng thừa về uống rượu, uống mà không uống. "Bạn uống rượu lòng ta không thể chán"Ngợi ca bạn, bạn rượu, tri kỷ, tri âm phải là bạn rượu. Nhớ lần đi Hải Phòng uống ở quán 26 Trần Quang Khải cùng Đào Trọng Khánh, Nguyễn Thụy Kha, Trung Dân, Trịnh Tú… Đào Trọng tiên sinh hạ một câu nồng nàn về rượu và bảo: "Có lẽ kiếp trước chúng ta phải tử tế thế nào thì giờ mới được ngồi cùng nhau uống chai rượu ngon thế này".Tất nhiên, xuân thu nhị kỳ, ông Thực vẫn bán được mồi cho lũ chúng tôi. Nhìn ông ân cần, rón rén từ động tác mở tủ lạnh, nâng niu con dao, cái thớt, thái, xếp lát xúc xích, ngẩu pín lên đĩa vẫn thấy được dáng hình Thực bồi bàn hồi ở Pháp. Sau năm 75, những cán bộ đi Sài Gòn công tác về thường mang theo tủ lạnh, máy nghe nhạc cũ… Cái tủ Sanyo này cũng là của một tửu đồ uống chịu, gán cho ông Thực để cấn nợ. Tủ cũ, kêu to, không làm đá được nhưng vẫn mát. Cái chân tủ bằng sắt đã mọt nên cái tủ luôn ở thế tháp nghiêng Piza và quanh năm cần mẫn, rả rích "giọt giọt tháng năm rơi" từ cánh tủ nhỏ xuống nền nhà.Chả hiểu sao cái ánh sáng mờ ảo, cái sàn nhà luôn ẩm ướt, cái mùi chua chua của gạo ngâm để làm bánh phở... lại rất tửu quán, rất "Thủy hử", rất liêu trai.Có một quán nữa mà chúng tôi cũng hay lui tới, ngay trong ngõ Tạm Thương, vẫn rượu gạo, giá cả vẫn thế, chật chội thế, bàn nhỏ, ghế nhỏ, đóng bằng gỗ thùng tận dụng. Đặc biệt có lẽ là ông già chủ quán. Dân rượu quen miệng gọi là quán Ông già. Thời Pháp thuộc ông làm nghề đánh giầy ngồi ngay cửa khách sạn của một chủ Tây ở đầu ngõ, có mặt tiền là số nhà 38 Hàng Bông. Sau 1954, khách sạn đóng cửa, ông mở quán rượu tại nhà, tạm thôi, chờ thời trong lúc tìm việc. Năm này qua năm khác, việc thì chả có, nghề đánh giầy cũng không có đất dụng võ vì đời sống mới, nhân dân đi dép chứ không đi giầy như thời Tây. Nghiệp bán rượu của ông già khởi đầu chả đâu ra đâu, rất "vớ vẩn" thế đấy. Đúng là "thành sự tại thiên". Bán rượu thì bán, cứ lao động là vinh quang. Ông già luôn ngồi đúng góc ấy, dựa lưng vào tường, một tay tỳ lên cái hòm gỗ, mắt nhìn ra ngõ Tạm Thương. Vật trang trí duy nhất của quán là đôi giầy đen bóng của ông treo trên tường. Đôi giầy mà ông chủ khách sạn tặng với lời dặn "giầy mồi đấy".Những hôm ế ẩm, ông già vẫn mang đôi giầy xuống đánh, ngứa nghề thôi chứ giờ thì còn mồi miếc gì, mà cũng có bụi bặm đâu? Không chỉ là nhớ nghề, đôi giầy treo trên tường là tấm huy chương cảm ơn quá khứ. Trang trí nội thất bằng chiêu này thì các designer đời mới có lẽ cũng chào thua.Ngũ tinh quán hồi ấy không thể không nhắc tới quán Tiên Điền, nickname của cụ Nguyễn Du vì quán nằm ở góc Quang Trung cắt Nguyễn Du. Góc vuông này vốn là một biệt thự 2 tầng kiểu kiến trúc Pháp pha thêm nhiều yếu tố trang trí Á Đông. Một phong cách kiến trúc phổ biến thời Đông Dương. Hòa bình lập lại, biệt thự của một gia đình thành tập thể của hơn 10 hộ. Chuyện này là hoàn cảnh điển hình cho số phận của các biệt thự Pháp tại Hà Nội.Quán Tiên Điền như cái lều vịt, dựng tạm bợ ở ngoài vườn quay ra phố Nguyễn Du. Bọn sinh viên các trường nghệ thuật hay ngồi đây, mỗi đứa vài chén với một đĩa đậu nướng chấm muối hạt cũng qua được đời sinh viên. Khách già thì phải kể đến "đôi mông vàng" - họa sĩ Nguyễn Bích, ông ngồi một mình, một chén, trầm ngâm, không lạc rang, không đậu nướng dù vẫn rủng rỉnh tiền nhuận bút vẽ truyện tranh cho Nhà xuất bản Kim Đồng, ông là cộng tác viên ruột của nhà Kim Đồng mà. Những truyện tranh và minh họa của ông đã là tác phẩm như: "Sát Thát" (1971), "Góc sân và khoảng trời" (1973). Lặng lẽ đến, đúng cái ghế ấy, Nguyễn Bích đối ẩm với… hồ Thuyền Quang và diện bích bà chủ quán xinh đẹp. Nguyễn Bích ngồi Tiên Điền còn vì lẽ nữa, nhà ông ở ngay phố Liên Trì, vài bước ra đến nơi rồi khật khưỡng về cũng tiện.Nhưng không chỉ có khách gần, khách xa đáng kể phải có Chu Hoạch, ông thường đi một nhóm cùng mấy nhà thơ trẻ. Chu Hoạch thơ hay, vẽ đẹp. Ông vừa uống vừa ký họa chân dung mấy bạn thơ, nét vẽ khoáng hoạt, bút máy trên giấy, một nét ăn ngay. À! còn Tô Hoài nữa, chiều chiều cụ đạp xe từ cơ quan trên phố Hàng Buồm về, tạt vào Tiên Điền làm đôi chén trước khi dắt xe về ăn cơm với vợ, nhà cụ ngay ngõ Đoàn Nhữ Hài gần đó.Nhạc sĩ Văn Cao và họa sĩ Nguyễn Sáng (Ảnh: Nhiếp ảnh gia HÀ TƯỜNG)Nguyễn Thụy Kha lần đầu tiên gặp Văn Cao do Đặng Đình Hưng giới thiệu là ở Tiên Điền. "Đấy là một chiều buốt lạnh, xám sẫm như ùa ra từ bức tranh "Những người ăn khoai" của Van Gogh. Tôi và Trần Vũ Mai đến quán Tiên Điền trước. Lát sau, Đặng Đình Hưng xuất hiện. Một lúc nữa, một ông già nhỏ thó, tóc cước, râu cước bước vào. Nghe ông Hưng giới thiệu. Tôi mới biết đấy là Văn Cao. Văn Cao ôm lấy tôi và nói: "Tao ôm những giọt mưa đồng hành của tao". Tôi vừa cảm động, vừa bối rối bởi tình cảm của Văn Cao dành cho tôi, như Đặng Đình Hưng đã dành từ trước rồi. Đặng Đình Hưng chính là chìa khóa để mở tung cánh cửa văn nghệ một thời để tôi có thể bước vào chiêm nghiệm và đồng cảm. Chiều hôm ấy, chúng tôi uống khá say. Văn Cao cứ nhấp từng ngụm, chậm rãi. Ông ít nói và đôi khi vuốt râu" (Trang 443, Đặng Đình Hưng một bến lạ)Quán / hàng xóm không thể không kể đến Quán Xiếc. Nhà họa sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu, nhà thơ Trần Dần ở Vũ Lợi, nhà thơ Đặng Đình Hưng ngay Nguyễn Thượng Hiền, các ông cùng là hàng xóm với một quán rượu quen, quán Xiếc vì quán đối diện cổng rạp xiếc. Nhà thơ Đặng Đình Hưng tuần nào cũng đạp xe về quê, làng Thụy Hương gần chùa Trăm Gian cất rượu, bán lại cho "bà Xiếc", lãi quy thành rượu để uống với bạn bè. Ngoài các thầy còn các các thi sĩ tửu đồ trẻ hơn như Phan Đan, Đào Trọng Khánh… xoay vần tháng năm chỉ loanh quanh chuyện trò văn nghệ, thi thoảng đọc cho nhau nghe vài ba câu thơ lẻ.Cả bữa rượu chỉ có thơ làm mồiỞ phố Huế có Quán 101 cũng rất hàng xóm, gần Đoàn Chèo Hà Nội, chiều ngang quán hẹp, chỉ chừng thước rưỡi dài như toa tầu điện. Mấy kép sau đêm diễn chưa tẩy trang hết râu hùm hàm én mày ngài vẫn tranh thủ ghé vào "bồi dưỡng" cho lại sức. Tối nào cũng phải làm vua, mệt phết. Vở chèo Phẩm Tiết chuyển thể từ truyện của Nguyễn Huy Thiệp, sáng đèn cả vài tháng liền. Kép vào vai Gia Long khi say đã lời ra câu hạ màn một: "Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện".Lưu Quang Vũ, nhà ngay đấy, nhà chật, quán 101 là phòng khách, thường tụ với đám Đào Trọng Khánh và Hải béo. Cụ Khánh kể, Hải mê thơ, cả bữa rượu chỉ có thơ làm mồi, hết Vũ đến Khánh đọc, Hải béo mỗi việc nghe thơ và trả tiền rượu. Hải thích Vũ đọc thơ của Vũ, còn Khánh thì đọc cổ thi, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bát Quát, Lý Bạch gì cũng được. Chứ thơ Khánh hơi quá đô của Hải, kiểu như: "Xưa quăng lưới theo đàn cá lạ / Nay cá đã trôi rồi lưới rách lua tua / Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô…" thì Hải không thích. Chủ quán này trước làm ở Sở điện, ngày 8 tiếng thì 7 tiếng leo cột điện, chán, xin hưu non về nhà mở quán. Ghế của quán là cái lõi gỗ cuộn dây điện. Tuần cuối cùng leo cột của chủ rượu là mắc dây cho phố Lý Thái Tổ, nên các lõi gỗ có dòng chữ viết tắt để đánh dấu LTT mà ông ta hay đùa đọc chệch đi là leo từ từ.Một quán nữa có tiếng trong giang hồ là quán Dao (tên ông chủ), ông có cái nick là Dao kẻ vạch. Dân rượu nhất trí cao với nhau một câu slogan: Uống rượu chịu bao giờ cũng ngon. Chủ quán Dao cũng ok nhưng vẫn kế toán đâu ra đấy, mỗi vạch là một đồng, 4 vạch thành hình vuông là 4 đồng, thêm 2 gạch chéo là 6 đồng, ví dụ vậy.Từ trái qua phải: Họa sĩ Dương Bích Liên, nhà thơ Đặng Đình Hưng, nhà thơ Trần Dần và họa sĩ Nguyễn Sáng, trong một cuộc rượu tại nhà ông Hưng C4 GIảng Võ. (Ảnh: Nhiếp ảnh gia HÀ TƯỜNG)Quán Dao kẻ vạch ngay phố Hàng Đũa và Sinh Từ, Nguyễn Sáng thì ở 65 Nguyễn Thái Học, đi bộ vài bước, vừa gần vừa được chịu. Nhất cữ lưỡng tiện. Sổ của Dao có hẳn "một chương" dành riêng cho đại họa sĩ. Bức sơn mài Vũ trụ bị ông Bổng Hàng Buồm ép giá sao đó mà Sáng vẫn đành bán vì "hoàn cảnh". Nghe nói một nửa "vũ trụ" là để trả nợ cho Kẻ vạch. Lệ của Nguyễn Sáng là cứ khoảng 3 ô vuông thì trả một lần. Bữa ấy khi gọi thanh toán, Dao chìa sổ ra, Sáng có ý thắc mắc, có lẽ Dao "tính nhầm" thêm 2 vạch. Dao giải thích về cái bao thuốc lá Sông Cầu hôm nảo hôm nào… Ở bàn bên, Xanh Thí, một cao bồi già phố cổ, gọi Dao cho 2 bao ba số (555), Xanh Thí mời Nguyễn Sáng 1 bao, 1 bao ném lại bàn…Quán trà xu thời đó bao giờ cũng bán rượu trắng, chân nhà A1 - Giảng Võ có một quán nước chuyên bán rượu cho cụ Đặng Đình Hưng xách về và cũng là quán rượu riêng của cụ uống với đám thi sĩ trẻ Thụy Kha, Trần Vũ Mai, họa sĩ Tấn Cứ… Cụ Hưng ngoài uống ở nhà thì "trì tục" mỗi quán này. Tất nhiên cụ uống theo cách của cụ, độc nhất vô nhị "Anh lui vào một quán không nhìn thấy, mà từ quán nhìn thấy các dòng đi-xe-ngoài-những cái rổ rá-mớ rau-như thể một phông động. Thú, cực thú! Có lúc mải ngắm và nếm (nếm là đích) anh quên khuấy một cái chén trên tay. Nếm cả một cái chợ không dễ… (Trích Ô Mai - Đặng Đình Hưng). Nguyễn Thụy Kha bình: "Vẫn là những quán bình dân quen thuộc mà ông "một ngày hai lần, anh ra quán. Uống và nhìn. Nhìn người. Anh ngồi dài, tắm vào cái số đông di động ở quán. Cùng ngần ấy cảm giác - lạc thú. Cái ầm ầm ở quán, anh ầm ầm vỗ theo" thì chỉ với hai động từ "tắm" và "vỗ theo", Đặng Đình Hưng đã gợi cho ta những gì nhàm chán, tẻ nhạt của kiếp người phải "ăn dần thời gian sống" một cách vô vị đến thế."Lan man mãi về những quán rượu số má một thời. Chả hiểu vì lẽ gì mà sau thời mở cửa (1986) các quán rượu chứng nhân ấy lặng lẽ mất dần. Đem câu hỏi khó này sang nhà tản văn gia Nguyễn Việt Hà, ngõ hầu ông ấy cho được câu trả lời chăng. Vì lẽ Việt Hà cùng thời với tôi, cùng là tửu đồ và cùng thời với mấy tửu điếm vang bóng một thời ấy. Cạn ly đầu xong, Hà bảo: Những người uống ấy chỉ thời ấy mới có, thời thế tạo anh hùng, gu người tạo ra gu quán. Họ không còn thì những cái quán rượu đó hết cờ cũng là lẽ thường. -----------------------------(1) Monsieur, ông/ngài.(2) Uống xếch là cách người Việt một thời dùng để chỉ việc uống rượu chỉ có rượu, không có đồ nhắm (mồi) đi kèm. Từ "xếch" xuất phát từ tiếng Pháp, sec có nghĩa là uống rượu nguyên chất.(2) Réserve, đặt chỗ trước. Tags: Uống rượuDương Bích LiênVăn CaoNguyễn Huy ThiệpQuán rượu
Trực tiếp: Hà Nội bắn pháo hoa kết hợp hỏa thuật chào mừng ngày thống nhất đất nước 22/04/2025 Tối 22-4, Hà Nội bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và hỏa thuật tại khu vực đường đua F1 phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xem quân đội Campuchia và Lào diễu binh trên đường Lê Duẩn, TP.HCM NAM TRẦN 22/04/2025 Buổi hợp luyện tối 22-4 có điểm đặc biệt khi có sự tham gia diễu binh của khối chiến sĩ Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào diễu binh.
Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị Bộ Công an xem xét vụ Quyền Linh 'bị cắt ghép quảng cáo sữa giả' ĐẬU DUNG 22/04/2025 Ngày 22-4, Hội Điện ảnh Việt Nam có văn bản gửi Bộ Công an 'đề nghị xem xét, có biện pháp xử lý những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật nêu trong đơn thư' của nghệ sĩ Quyền Linh.
Bộ Công an công bố danh sách 84 sản phẩm sữa đã thu giữ trong đường dây sản xuất sữa giả DANH TRỌNG 22/04/2025 Bộ Công an công bố danh sách 84 sản phẩm sữa đã thu giữ trong vụ án liên quan đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group.