16/10/2011 04:01 GMT+7

"Tút" dung nhan mỹ nữ sơn cước!

TIẾN ĐẠT
TIẾN ĐẠT

TT - Có cơ may đến những đồi núi nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), Bà Nà (Đà Nẵng), phát hiện người Pháp thời đô hộ nước ta có tầm nhìn và óc thẩm mỹ nghỉ dưỡng tuyệt vời! Vùng đất họ chọn có không gian thoáng đãng, khí hậu mát mẻ, đời sống văn hóa bản địa phong phú.

mi9KkZbN.jpgPhóng to
Khách quốc tế chụp hình lưu niệm cùng các em gái vùng cao Sa Pa - Ảnh: T.Đ.

Ở Sa Pa, theo thống kê từng có 300 biệt thự lớn nhỏ do người Pháp xây dựng. Với Đà Lạt chắc chắn số biệt thự này nhiều hơn. Tam Đảo và Bà Nà cũng từng hiện diện những ngôi biệt thự kiểu Pháp phù hợp không gian. Tiếc, qua thời gian, kiến trúc độc đáo không còn hoặc biến dạng, thay vào đó là khuôn mặt tân thời khen không được mà nếu chê thì...

Rồi đây Đà Lạt sẽ ra sao nếu mất thêm đồi thông, thiếu hơi lạnh? Sa Pa có còn lưu luyến du khách bốn phương nếu thiếu mây la đà thị trấn, bản Cát Cát, Mã Tra, Tả Thìn, Tả Van, những thửa ruộng bậc thang vàng óng vào mùa thu nơi thung lũng Mường Hoa, Ngòi Dum, và nhất là vắng bóng bà con đồng bào Mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó tại những phiên chợ, lễ hội, cung đường du khách đi qua?

Mười năm nay, cứ cách khoảng hai năm tôi quay lại Sa Pa, chuyến gần nhất vào tháng 9 năm nay. Cũng như bao du khách, tôi thích Sa Pa vì xứ sở mát lạnh quanh năm có sự pha trộn nhiều sắc màu văn hóa đồng bào vùng cao, đặc biệt là sự giao lưu tự nhiên, gần gũi giữa người dân và du khách.

Mới hôm rồi trà dư tửu hậu với anh bạn làm trong ngành du lịch Lào Cai, cập nhật được lượng khách đến Sa Pa giai đoạn 2006-2010 tăng 15,5%/năm; trong số 450.268 lượt khách du lịch đến năm 2010 thì khách quốc tế tròm trèm 80.000 lượt. Nếu nhìn tổng doanh thu cả năm 2010 là 325 tỉ đồng thì không bằng doanh thu... một khách sạn năm sao tại TP.HCM hoặc Hà Nội. Tất nhiên, so sánh như thế là khập khiễng. Nhưng đối chiếu mới thấy điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng khu vực phía Bắc (còn gọi là Đà Lạt của phía Bắc) mà hiệu quả kinh tế mang lại không như kỳ vọng sẽ làm chúng ta ngạc nhiên.

Buổi tối trước ngày về, lang thang khu nhà thờ đá, tôi muốn tìm lại gánh hàng của bà cụ người Dao Đỏ ngồi nướng bắp, khoai lang, trứng gà trong các lần trước từng ghé với nhóm bạn ngồi tận hưởng đặc sản dễ thương Sa Pa trong màn sương huyền ảo, nhưng nay không còn! Nhìn quanh cũng không thấy ai bày bán những món ăn nho nhỏ từng ăn sâu vào cảm xúc du khách.

Buổi sáng cùng ngày, ngồi quán cà phê gần chợ, thêm ngạc nhiên khi phát hiện tần suất màu sắc người vùng cao thưa dần. Hỏi ra mới biết thời gian gần đây nhằm chấn chỉnh môi trường du lịch, chính quyền địa phương thí điểm hạn chế và quyết đi đến nói “không” với hàng rong, đeo bám du khách; khuyến cáo du khách không cho tiền người dân, chỉ mua hàng, ăn uống tại những nơi được cấp phép kinh doanh...

Mục đích, mục tiêu của chính quyền xem ra rõ ràng, thể hiện tính quyết tâm cao. Thật ra các biện pháp này không mới, đã được các nước có ngành du lịch tiên tiến áp dụng từ lâu, và tại Đà Nẵng, Hội An bước đầu triển khai hiệu quả.

Lặng lẽ chia tay Sa Pa ngay khoảnh khắc mây sa dày đặc phố núi, tôi phát hiện mình bắt đầu phân tâm khi nghĩ về quyết sách tạo diện mạo mới cho “mỹ nữ sơn cước” của giới chức địa phương. Đặc thù như Sa Pa, chắc chắn không thể áp nguyên công nghệ đã thành công tại các trung tâm đô thị. Hi vọng đã có sự cân nhắc kỹ để tìm ra sự hài hòa giữa các lợi ích với bản sắc văn hóa, đời sống dân sinh của những chủ thể đã tạo nên sắc màu và linh hồn cho thương hiệu Sa Pa thơ mộng.

Thực tế, không ít quy hoạch tại một số địa phương chủ thể chính đã bị bỏ ngoài cuộc chơi. Kết cục, người dân trở thành “khách” ngay trên đất cha ông họ, còn du khách mất cơ hội tương tác cùng dân bản địa để chuyến trải nghiệm thêm trọn vẹn.

TIẾN ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên