Israel và nguồn tài trợ "khủng" từ Mỹ
Theo trang Axios, trong nhiều thập kỷ qua, Israel đã phần nào khẳng định được vị thế của mình là một trong những nhà sản xuất vũ khí sở hữu công nghệ tiên tiến và đáng gờm nhất nhì khu vực Trung Đông.
Với ngân sách hằng năm chi tiêu cho lĩnh vực quân sự hơn 23 tỉ USD, cùng với khả năng tiếp cận một số khí tài quân sự tiên tiến nhất của Mỹ, Israel đã chứng minh cho thế giới thấy khả năng kiểm soát vùng trời và phần lớn vùng biển xung quanh mình.
Thậm chí con số 23 tỉ USD còn vượt qua mức tổng chi tiêu quân sự của Ai Cập, Iran, Lebanon và Jordan cộng lại.
Trong đó Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Israel, với khoản viện trợ lên đến 130 tỉ USD tính đến năm 2023. Hầu hết hỗ trợ của Washington dành cho Israel đều nằm dưới hình thức tài trợ vũ khí. Hơn 80% vũ khí nhập khẩu của Israel đều đến từ Mỹ từ năm 1950 đến năm 2020.
Tính đến cuối năm 2023, lực lượng Israel có khoảng 169.500 quân nhân tại ngũ và khoảng 465.000 binh sĩ phục vụ trong các đơn vị dự bị.
Kể từ khi tổ chức Hồi giáo người Palestine Hamas tấn công vào Dải Gaza hôm 7-10-2023, hơn 300.000 quân dự bị khác đã được triệu tập vào quân ngũ của Israel.
Đến nay Israel vẫn được giới quan sát phỏng đoán đang sở hữu hàng chục đầu đạn hạt nhân, mặc dù Israel chưa bao giờ thừa nhận việc sở hữu loại vũ khí này. Ngoài ra, Israel còn sở hữu loạt máy bay không người lái (drone), máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu ngầm, pháo binh cực kỳ tinh vi.
Kể từ năm 2011, Israel dần phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) trị giá hàng tỉ USD, để đánh chặn và tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn sử dụng công nghệ radar.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) còn sở hữu rất nhiều xe bọc thép, xe tăng, tên lửa, máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu chiến và drone. Riêng kho vũ khí xe tăng của Israel đã lên đến khoảng 2.200 chiếc.
Iran tự cung tự cấp vũ khí
Theo đánh giá thường niên của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (IISS), Lực lượng Vũ trang Iran là một trong số những lực lượng lớn mạnh nhất ở khu vực Trung Đông, với ít nhất 580.000 quân nhân tại ngũ, 200.000 dự bị.
Lực lượng Vũ trang Iran được phân thành hai nhánh là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và quân đội truyền thống. Mỗi nhánh đều có lực lượng mặt đất, không quân và hải quân hoạt động riêng biệt.
Trong đó Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo chủ yếu chịu trách nhiệm quản lý an ninh biên giới Iran. Đặc biệt, lực lượng này điều hành Lực lượng Quds - một đơn vị tinh nhuệ phụ trách trang bị vũ khí, huấn luyện quân sự, hỗ trợ mạng lưới dân quân ủy quyền trên khắp khu vực Trung Đông.
Các lực lượng dân quân thuộc Quds gồm tổ chức Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, các nhóm dân quân ở Syria và Iraq, tổ chức Hamas người Palestine ở Dải Gaza.
Mặc dù lực lượng ủy quyền không được tính là một phần chính thức của Lực lượng Vũ trang Iran nhưng giới phân tích nhận định các nhóm, tổ chức dân quân này luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, thể hiện tinh thần trung thành cao độ, hết lòng hỗ trợ Iran khi xảy ra xung đột.
Về vũ khí, trong suốt nhiều thập kỷ, chiến lược quân sự của Iran chủ yếu tập trung vào tôn chỉ răn đe quân sự, đề cao phát triển tên lửa tầm xa, drone và hệ thống phòng không, theo báo New York Times.
Ông Afshon Ostovar, phó giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại Viện sau đại học Hải quân Iran, cho biết Iran sở hữu một trong những kho tên lửa đạn đạo và drone lớn nhất Trung Đông.
Tên lửa đạo đạo của Iran có tầm bắn lên đến 2.000km và có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Trung Đông, bao gồm cả Israel.
Do gánh chịu nhiều lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nên phần lớn vũ khí của Iran đều do tự nước này sản xuất. Một số khí tài khác như tàu ngầm được nhập khẩu từ Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận