Lễ an vị có sự tham gia của nhiều chức sắc quan trọng từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cùng hàng ngàn tăng, ni, Phật tử đến từ khắp cả nước.
Theo ban tổ chức, đây là bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được tạo nên từ khối đá quý từng làm say lòng những nhà buôn ngọc trên thế giới, một khối ngọc hoàn hảo gần như không có vết nứt.
Ngọc bích phỉ thúy được giới thiệu là loại ngọc tự nhiên quý giá được khai thác chủ yếu ở vùng mỏ Myanmar - quốc gia có mỏ ngọc bích phỉ thúy lớn nhất thế giới (chiếm hơn 90%).
Nó được gọi là phỉ thúy vì trong một viên ngọc có cả màu xanh lá cây và màu đỏ, có độ trong suốt như kính, với ánh sáng mê hoặc.
Năm 2009, cố nghệ nhân Đào Trọng Cường đã đưa thành công khối ngọc bích phỉ thúy tuyệt mỹ nặng 35 tấn, được khai thác từ mỏ ngọc lớn nhất tại Myanmar, về nước.
Được biết, khối ngọc này đã có chặng đường ly kỳ, khó khăn trong suốt ba năm mới về đến Việt Nam.
Và cũng phải mất hơn chục năm thì tâm nguyện tạo tác tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông từ ngọc phỉ thúy của cố nghệ nhân Đào Trọng Cường mới được hoàn thành.
Bức tượng có kích thước bằng với phiên bản của tượng Phật hoàng trong tháp tổ.
Theo ban tổ chức, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông quý giá không chỉ bởi giá trị của ngọc bích phỉ thúy mà còn bởi sự trau chuốt, công phu của những nghệ nhân điêu luyện, cùng tấm lòng biết ơn của các Phật tử đối với công lao vô lượng của Phật hoàng.
Cùng với lễ an vị bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, đêm 12-12, lễ cúng Phật, thỉnh Tổ và nhiễu Bảo tháp Phật hoàng tại chùa Hoa Yên thuộc danh thắng Yên Tử cũng được tổ chức đúng vào giờ Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn 715 năm trước.
Sáng 13-12, đại lễ tưởng niệm 715 năm đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2023) sẽ được tổ chức long trọng tại Cung Trúc Lâm Yên Tử đúng dịp khánh thành cung này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận