Phóng to |
Billy Preston với mái tóc xù đặc trưng |
Joyce Moore, nhà quản lý lâu năm của Preston cho biết ông ra đi vào thứ ba 6-6. Những năm cuối đời, Preston bị bệnh tật dày vò: đau thận kinh niên và phải sống với một quả thận ghép vào 2002. Tháng 11 năm ngoái, sau trận hôn mê vì nhiễm trùng tim, sức khỏe của Preston tuột dốc thảm hại.
Nghe With You I’m Born Again - Billy Preston và Syreeta Wright
Nghe Outta Space - Billy Preston
Billy Preston - nghệ sĩ của nhiều nghệ sĩ
Ấn tượng bề ngoài của Preston là mái tóc xoăn tít thò lò của dân da đen và nụ cười nhe cặp răng cửa bị hở. Mỗi khi lên sân khấu, bộ dạng khá khôi hài ấy chẳng còn ý nghĩa nữa, vượt lên trên hết là ngón đàn điệu nghệ.
Preston chính là nghệ sĩ đằng sau tiếng đàn organ và làm phảng phất một nét nhạc gospel vào các bản kinh điển như Get Back của Beatles hay Can’t You Hear Me Knocking? của Rolling Stones.
Sự tan rã của Beatles không làm gián đoạn sự nghiệp âm nhạc của ông. Billy Preston trong tư cách một nghệ sĩ solo đã lẫy lừng suốt thập niên 1970, thắng giải Grammy chơi nhạc xuất sắc 1973 với Outta Space và ra mắt nhiều bài hit như Will It Go ‘Round In Circles, Nothing From Nothing, With You I’m Born Again - bản nhạc trữ tình song ca với Syreeta Wright không thể thiếu trong các đám cưới - và You Are So Beautiful quen thuộc với tiếng hát Joe Cocker.
Phóng to |
Album Everybody Likes Some Kind of Music bộc lộ tính thiên tài của Billy Preston trong nhiều thể loại nhạc |
Gần đây, Billy Preston là tay đàn đắc lực của Neil Diamond trong album 12 Songs. Năm ngoái Preston cũng xuất hiện trong cuộc thi American Idol để ủng hộ tinh thần cho những tài năng âm nhạc triển vọng của Mỹ.
Billy Preston - “Beatle thứ năm”
Trước khi giao hảo với Beatles, Billy từng có một thời gian dài chơi nhạc với huyền thoại khiếm thị Ray Charles và Little Richard. Chính Richard đã giới thiệu Billy với Beatles trong buổi trình diễn ở Hamburg và họ đã bắt đầu cộng tác 1969.
Trong đồ án Let It Be - bao gồm cuốn phim và album cùng tên tưởng chừng như không thể thực hiện vì các thành viên Beatles đã bắt đầu nảy sinh xích mích - ca khúc Get Back chính thức ghi tên chung The Beatles và Billy Preston, cũng là lần duy nhất Tứ Quái chia sẻ hào quang với nghệ sĩ khác trong một đĩa đơn.
John Lennon từng có nhã ý mới Billy tham gia vào ban nhạc, thế nhưng ý tưởng này đã không được các thành viên còn lại tán đồng, nhất là người bạn thân George Harrison, người đã khuyên Preston tốt hơn nên đứng ngoài, trong vai trò khách mời, vì nội bộ nhóm đang lủng củng.
Mặc dầu Preston không hàn gắn được những bất hòa của Beatles, nhưng ông đã đóng góp phần solo mang âm hưởng nhạc blues và đầy sinh khí vào Get Back, ca khúc được trình diễn trên sân thượng một căn hộ, lần trình diễn sống cuối cùng của nhóm.
Xem video clip Get Back, “buổi trình diễn trên mái nhà” (rooftop concert) huyền thoại của Beatles và để ý người ngồi sau cây organ chính là Billy Preston: www.bolt.com/GARUSO/video/1175250?cn=TAGS_Rock_PAGE1
Phóng to |
Billy Preston cùng George Harrison trong cuộc gặp giữa tổng thống Gerald Rudolph Ford và Beatles tại Nhà Trắng |
Tay bass của Beatles, George Harrison có mối quan hệ thắm thiết với Billy Preston. Harrison đã mời Billy tham gia vào dự án từ thiện The Concert for Bangladesh qui tụ đông đảo các ngôi sao, trong đó album cùng tên đoạt giải Grammy 1972. Khi Harrison qua đời 2001 vì bệnh ung thư, Preston đã hát tri ân anh trong chương trình Concert for George.
Tưởng nhớ Billy
Ngoài Beatles, The Rolling Stones cũng rất nể trọng tài năng của Billy Preston. Preston từng được mời lưu diễn và cộng tác rất nhiều với Rolling Stones trong các album kinh điển như Sticky Fingers và Exile on Main Street và Bridges to Babylon.
Phóng to |
Bonnie Rait và Billy Preston trình diễn tri ân Ray Charles tại Grammy lần 47 |
Ca sĩ Natalie Cole, con gái của vua nhạc trữ tình Nat King Cole, rất ngưỡng một Preston: "Với tôi, anh là nghệ sĩ keyboard yêu thích nhất mọi thời”.
Nghệ sĩ nhạc gospel Andrae Crouch, một người bạn, người cộng tác âm nhạc với Preston 40 năm qua, cho biết Preston có một sở trường cảm nhận dòng nhạc khá đặc biệt: “Nếu tôi nảy ra một ý tưởng âm nhạc, anh ấy sẽ chỉ tôi cách phát triển nó thích hợp với thể loại nào. Anh là tay đàn keyboard cừ nhất thế giới. Ngón tay anh lướt trên phím đàn, như thể một nghệ sĩ khẩu cầm đặt cây harmonica trong miệng, luôn kiểm soát chặt chẽ được từng nốt nhạc”.
Thập niên 1990 là những năm tuột dốc của Preston, sự nghiệp âm nhạc bị trì trệ vì ông sa vào con đường nghiện ngập. Nhiều vụ kiện pháp đình dẫn tới con đường tù tội cho Preston. Ông từng nói: “Nhà tù là bài học lớn nhất đối với tôi, để tôi thức tỉnh và từ bỏ những cám dỗ quanh mình. Hãy chọn một đường đời có vị ngọt cũng như vị đắng. Tôi tin rằng những trải nghiệm đó sẽ giúp tôi thêm đứng vững và không có gì xô ngã tôi lần nữa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận