12/07/2019 09:56 GMT+7

Tướng Mỹ: Quân đội Trung Quốc học lóm để 'bắt chước' quân đội Mỹ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Đại tướng Mark Milley cảnh báo quân đội Trung Quốc đã học được rất nhiều bài học từ các cuộc chiến có quân đội Mỹ và sẽ trở thành mối đe dọa thường trực với Mỹ ít nhất 100 năm nữa.

Tướng Mỹ: Quân đội Trung Quốc học lóm để bắt chước quân đội Mỹ - Ảnh 1.

Đại tướng Mark Milley - Ảnh: AFP

"Người Trung Quốc đã học nhiều bài của quân đội Mỹ. Họ theo sát chúng ta ở cuộc chiến vùng Vịnh lần một và lần hai. Họ xem khả năng chiến đấu của chúng ta theo nhiều cách và cũng bằng nhiều cách khác nhau, họ đã bắt chước chúng ta, áp dụng hàng loạt học thuyết và cách thức tổ chức quân đội", tướng Milley khẳng định.

Các nhận định được vị tướng Mỹ đưa ra trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 11-7. Ông Milley là người được Tổng thống Donald Trump đề cử cho vị trí chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân thay cho tướng Joseph Dunford.

Lý thuyết về mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc đã chiếm ưu thế, trở thành ưu tiên hàng đầu trong các chiến lược quốc phòng được công bố dưới thời Tổng thống Trump, thay thế cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang đầu tư cao hơn vào khả năng quân sự để thách thức sự thống trị của Mỹ sau Thế chiến II, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Trung Quốc đang phát triển quân đội của họ cực kỳ nhanh, từ không quân, hải quân đến lục quân và vũ trụ, trên cả không gian mạng - Ông Milley nêu thực trạng - Mỹ không thể để mất lợi thế đang có so với các nước khác, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến Trung Quốc".

"Có một điều tôi muốn nói rõ thế này.: Trung Quốc không phải là kẻ thù của nước Mỹ. Họ là đối thủ của Mỹ", tướng Milley tỏ ra dịu giọng trong cuộc điều trần.

Tướng Mỹ: Quân đội Trung Quốc học lóm để bắt chước quân đội Mỹ - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc là một phiên bản nâng cấp của DF-21 về tầm bắn. DF-21 được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" ở Trung Quốc - Ảnh: CSIS

Theo trang National Interest của Mỹ, trước sự xuất hiện của các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ trên Biển Đông, Trung Quốc đã bắt đầu chuyển các hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 vào sâu trong đất liền.

Hồi tháng 1 năm nay, sau vụ một tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đã gửi thông điệp cảnh báo đến Washington bằng việc bắn tên lửa DF-26 từ một căn cứ sâu trong vùng Nội Mông.

Về lý thuyết, các tên lửa phòng không SM-6 của Hải quân Mỹ có thể đánh chặn những tên lửa DF-26 ngay từ giai đoạn lấy độ cao (giai đoạn II). Việc Trung Quốc dời các căn cứ DF-26 vào sâu trong lục địa cho thấy họ nhận thức được điểm yếu này.

Đặc điểm của tất cả tên lửa đạn đạo là có quỹ đạo bay hình sin và lấy độ cao tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn kilomet rồi mới đâm xuống mục tiêu theo phương gần như thẳng đứng với tốc độ cực lớn. Nếu đặt tên lửa gần bờ biển, chúng có thể bị tên lửa Mỹ bắn hạ ngay từ lúc đang lấy độ cao.

Dời sâu vào bên trong lục địa sẽ đảm bảo khả năng "sống sót" cao hơn của tên lửa, đồng nghĩa Mỹ sẽ chỉ có cơ hội bắn hạ các đầu đạn của DF-26 vào giai đoạn cuối. Lúc này với tốc độ cực lớn và nhiều đầu đạn thật giả lẫn lộn, cơ hội thành công của vũ khí Mỹ sẽ giảm đáng kể.

Tướng Mỹ: Google đang giúp quân đội Trung Quốc

TTO - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford khẳng định quân đội Trung Quốc đang gián tiếp hưởng lợi từ những công việc mà Google tiến hành tại Trung Quốc.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên