Triển lãm chia sẻ 25 bức tranh trừu tượng ẩn chứa nhiều câu chuyện về Tầng không hiện hữu qua góc nhìn đầy cảm xúc của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân, đang trưng bày từ nay đến hết 30-12 tại Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, quận 3, TP.HCM).
Vẻ đẹp hiện hữu ngay đời sống thường ngày
Với họa sĩ Nguyễn Thành Nhân, Tầng không hiện hữu là ước mơ từ 20 năm trước. Một giấc mơ anh đã đeo đuổi, chinh phục và được trải nghiệm ở nhiều cung bậc diệu kỳ.
Gần 15 năm miệt mài làm việc, nhiệt tình tham gia các triển lãm nghệ thuật, từng đoạt nhiều giải thưởng với các tác phẩm lẻ, trưng bày triển lãm nhóm "Giờ thứ 9" cùng đồng nghiệp... mãi đến hiện tại Nhân mới ra mắt triển lãm cá nhân đầu tay của riêng mình.
Vì vậy, đây không chỉ là dấu mốc đặc biệt mà còn là thành quả hạnh phúc khi Nhân tìm được mạch cảm hứng xuyên suốt để hoàn thành một bộ tác phẩm thể hiện hết cảm xúc, nội lực và kinh nghiệm mà anh không ngừng trau dồi bằng cả đam mê suốt 20 năm qua.
Mang cái tên khá trừu tượng, nhưng Tầng không hiện hữu với Nhân không hề cao siêu hay khó hiểu, mà là những cảm xúc gần gũi đến từ những câu chuyện dung dị thường ngày.
Đó là những phút riêng tư lạ lùng mỗi khi anh đi dọc hành lang bảo tàng, đắm mình vào dòng chảy mỹ thuật của những bậc thầy hội họa, cảm nhận sự cống hiến, năng lượng, tình yêu họ gửi vào tác phẩm và lấy đó làm cảm hứng để không ngừng học hỏi cho riêng mình.
Đó là những trải nghiệm quý sau bao năm làm bảo quản, phục chế. Nhìn vào những dấu vết để lại trên tác phẩm, anh cảm được bao thăng trầm và dòng chảy vĩ đại của thời gian.
Mang theo góc nhìn trân trọng từng khoảnh khắc đó, Nhân nhìn đời và thấy đâu cũng đẹp. Mọi cảnh vật thường ngày đều ẩn chứa những Tầng không hiện hữu muôn vẻ muôn màu. Anh đi qua, bắt gặp, đứng lại, quan sát, chạm vào, nhìn sâu vào trong và khám phá chúng.
Dưới những lớp vôi vữa, những mảng hình tường loang lỗ, những cánh cửa sắt han rỉ, những lỗ thông gió hay ô cửa sổ cũ… Nhân tìm thấy cả kho tàng thông điệp sống động bên trong.
Chúng lặng lẽ hiện diện, như là chi tiết chấm phá trong tổng thể tác phẩm lớn của những công trình, là chứng nhân lặng lẽ của đời sống con người năng động.
Rồi chúng im lìm mất đi, nhưng vẫn để lại dấu ấn trong tâm trí những ai từng dừng lại ngắm nghía, "bắt" được tần số và cảm được năng lượng vi tế từ vẻ đẹp của sự hiện hữu - có đó rồi mất đó.
Tất cả khoảnh khắc rung động đó được Nhân cẩn thận chiêm ngắm, cảm nhận bằng đa giác quan, chuyển thể thành những câu chuyện và gửi gắm vào tác phẩm để chia sẻ với mọi người.
Nhân mong có thể đưa mọi người cùng đi và dừng lại để chiêm nghiệm, tự do tưởng tượng và mở cánh cửa để chạm đến "tầng không hiện hữu" của riêng mỗi người, để cảm nhận năng lượng tích cực và thêm yêu cuộc sống xung quanh.
Những bức tranh 'xin được đặt tên'
Với Tầng không hiện hữu, Nguyễn Thành Nhân còn hạnh phúc vì được vẽ một cách thoải mái, tự do.
Nơi gác xép với giai điệu piano yêu thích, anh thả mình theo sự dẫn dắt của mạch năng lượng dồi dào và dòng cảm xúc tuôn chảy, tạo nên những bức tranh mang nhịp điệu bay bổng, sống động, tự nhiên.
Theo họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt, loạt tác phẩm này mang dấu ấn thời gian và có chiều hướng đương đại, hướng người xem đi vào thế giới tưởng tượng của họ trong chiều thời gian và thế giới mà Nguyễn Thành Nhân tạo ra.
Với kỹ thuật sơn dầu đào tạo từ trường lớp, lần này Nhân đã biết tiết chế, buông lơi và nhấn nhá hiệu quả, tạo nên một triển lãm mang thông điệp gợi mở trên nền tảng hội họa.
Vẫn có bút pháp, màu sắc, bố cục, nhưng ý niệm dẫn dắt bên trong càng hay và thú vị hơn.
Không gian triển lãm cũng là trải nghiệm thú vị cho người xem. Từ lầu ba Tầng không hiện hữu, có thể ngắm công trình kiến trúc cũ hơn 50 năm tuổi với thiết kế độc lạ, nơi cộng hưởng nhiều cảm xúc cho quá trình sáng tác của họa sĩ.
Ở đây, cuộc sống như chậm lại giữa phố thị ồn ào, thảng hoặc có tiếng gà gáy đánh thức giác quan, bên cạnh có nhiều người đeo kính che một mắt ngồi chờ được mổ miễn phí hằng tuần... thông điệp về sự hiện hữu của vẻ đẹp, sự tích cực và yêu đời càng thêm rung động.
Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1979 tại TP.HCM. Học cao đẳng thiết kế đồ họa rồi tiếp tục học sơn dầu tại Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, sau khi tốt nghiệp năm 2010, Nhân gắn bó với công việc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Anh thường tận dụng giờ nghỉ trưa để về xưởng vẽ ở một gác xép gần bảo tàng và đắm chìm vào tầng không hiện hữu với những chiêm nghiệm của riêng mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận