21/12/2017 16:00 GMT+7

Tướng lĩnh Việt thời bình - Kỳ 4: Vị tướng trên không gian mạng

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Năm năm làm chủ nhiệm chính trị Quân khu 7, tướng Nguyễn Gia Hòa để lại nhiều dấu ấn. Đặc biệt ông là người biết nhiều ngoại ngữ nhất Quân khu 7 và giỏi về kỹ thuật, chiến thuật cũng như tổ chức đấu tranh trên không gian mạng.

Tướng lĩnh Việt thời bình - Kỳ 4: Vị tướng trên không gian mạng - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa chúc mừng thanh niên lên đường nhập ngũ - Ảnh: THẾ HIỂN

Cả cuộc đời này khi ba tôi nằm xuống, tôi vẫn không quên một chữ mà ông dạy, đó là “đàng hoàng”. Sống phải sống đàng hoàng và chết cũng phải chết đàng hoàng. Đàng hoàng chính là chuẩn mực trong ứng xử

Thiếu tướng NGUYỄN GIA HÒA

Trung tướng Phạm Văn Dỹ (chính ủy Quân khu 7) cho biết: "Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa, chủ nhiệm chính trị Quân khu 7, là người biết nhiều ngoại ngữ nhất Quân khu 7 hiện giờ. Anh ấy rất giỏi về kỹ thuật, chiến thuật và tổ chức đấu tranh trên không gian mạng".

"Trận địa mới, đối tượng mới"

Năm năm làm chủ nhiệm chính trị Quân khu 7, tướng Nguyễn Gia Hòa để lại nhiều dấu ấn. Đặc biệt, tướng Hòa được biết đến như một người có ý tưởng táo bạo và hành động quyết liệt trong cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, chống các luận điệu xuyên tạc trên Internet trong những năm gần đây.

Ông nói: "Bây giờ chiến trường chống diễn biến hòa bình chủ yếu ở trên mạng chứ không nằm ngoài thực địa. Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái trên Internet bây giờ là một trận địa mới, phương thức mới. Mạng xã hội sẽ phát triển đến mức chi phối hết, tác động mạnh đến cuộc sống, tâm tư, suy nghĩ con người".

Những năm trước đó, việc chống luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng chỉ được nói chung chung chứ không có đối tượng cụ thể. Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa cho rằng không gian mạng chính là trận địa tác chiến mới; các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính là đối tượng tác chiến mới. 

Mục tiêu của cuộc chiến này là đấu với luận điệu chứ không đấu với con người A, B nào đó. Nhiệm vụ của nhóm tác chiến là phải dùng cái tích cực để lấn át những cái tiêu cực trên mạng.

Tướng Hòa thành lập trong toàn quân khu hàng chục nhóm kết nối với nhau. Mỗi nhóm có mấy chục ngàn thành viên. Có nhóm lớn lên tới hàng trăm ngàn người tham gia là đoàn viên, công nhân, dân quân, sĩ quan... 

Mỗi tỉnh thành, địa phương, đơn vị đều có trang Facebook giới thiệu về vẻ đẹp của truyền thống, du lịch, đất đai, con người của địa phương, đơn vị mình. 

Chúng ta lấy cái đẹp để dẹp những cái xấu. Họ nói sai, xuyên tạc thì mình phản bác lại chứ không cãi vã, miệt thị cá nhân" - ông nói.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ không ngần ngại ủng hộ ý tưởng và tầm nhìn của tướng Hòa. Nhưng quả thật, là người khởi xướng hình thức đấu tranh mới trên không gian mạng, ông đối mặt với rất nhiều thách thức. 

Thử thách lớn nhất là phải phá vỡ được quan điểm, lối nghĩ quá cũ của những cộng sự.

Ông nói: "Nghe tới mạng là họ giật mình gạt ra. Anh em trong cơ quan nhiều người không ủng hộ. Trước đó đã có ai tổ chức các nhóm đấu tranh trên mạng đâu. 

Sau thời gian kiên trì và quyết tâm tổ chức thực hiện, chúng tôi đã có phương thức tiến công hiệu quả, mang lại nhiều thay đổi về nhận thức, tư tưởng ngay trong nội bộ mình. 

Nhờ vậy, những người lính trưởng thành, vững vàng và bản lĩnh hơn. Họ tham gia như một công dân tích cực để dần tạo ra một mạng xã hội lành mạnh".

Trong quý 2-2018, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức rút kinh nghiệm về cách đấu tranh trên mạng xã hội của Quân khu 7 để rút ra bài học cần thiết áp dụng trong tương lai.

Tướng lĩnh Việt thời bình - Kỳ 4: Vị tướng trên không gian mạng - Ảnh 3.

Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa (trái) kiểm tra văn kiện công tác Đảng, công tác chính trị lữ đoàn 26 - Ảnh: THẾ HIỂN

Con đường binh nghiệp

Sinh ra ở một làng chài tại Campuchia. Lớn lên trong rừng. 11 tuổi thoát ly. 13 tuổi đi bộ ba tháng 14 ngày vượt Trường Sơn ra Bắc. 19 tuổi, tham gia chiến tranh biên giới đánh Pol Pot. Có những lúc nhận lệnh biết chắc là sẽ chết nhưng vẫn không thoái thác nhiệm vụ. 

Nếu nhìn xuyên suốt toàn bộ cuộc đời binh nghiệp của thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa, người ta khó hình dung ông là con một cán bộ cấp cao của Đảng. 

Với vị trí và uy tín của ba mình (ông Nguyễn Gia Đằng, nguyên phó bí thư thường trực Đảng bộ Việt kiều Campuchia, nguyên phó Ban đối ngoại Trung ương Cục miền Nam, nguyên trưởng Ban phụ trách Việt kiều Campuchia), ông không cần lăn lộn sống chết ngoài chiến trường mà có thể chọn con đường khác êm đềm hơn.

Nguyễn Gia Hòa trở thành liên lạc viên cho ba mẹ từ lúc còn rất nhỏ, mới 10 tuổi. Năm 1969 lúc 11 tuổi, anh thoát ly. Mẹ ra Bắc trị bệnh. Ba công tác ở chiến trường khác. Không có ba mẹ bên cạnh, cậu bé 11 tuổi phải tự lập, chạy bom đạn, pháo và đối mặt với chết chóc. 

Năm 1977 đang học lớp 11, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Nguyễn Gia Hòa đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Anh trở thành lính của tiểu đoàn 6 (trung đoàn 174, sư đoàn 5, Quân khu 7). 

Lúc đó ông Nguyễn Gia Đằng là trưởng Ban phụ trách bộ phận K thuộc Ban Việt kiều trung ương. Trước quyết tâm và sự khẳng khái của con trai, ông không can thiệp để con mình ở lại.

Gần 40 năm trôi qua, ông vẫn không quên những ký ức thời bom đạn trong cuộc chiến chống Khmer Đỏ. Cuối năm 1978, trung đội trưởng Nguyễn Gia Hòa bị thương rất nặng. 

Máy bay cấp cứu đưa anh về Bệnh viện 175. Anh thuộc nhóm mất sức chiến đấu, phẫu thuật bụng, đi an dưỡng rồi ra quân. Nhưng lúc đó bộ đội tình nguyện Việt Nam chuẩn bị đánh lên giải phóng Phnom Penh, cần người giỏi tiếng Campuchia. Anh được quân đội tìm đến. 

Vậy là từ chỗ đang chuẩn bị làm chính sách ra quân, số phận buộc Nguyễn Gia Hòa một lần nữa quay lại với quân đội. Anh gắn bó với Quân khu 7 từ đó đến giờ.

12 năm ông đeo hàm đại tá, ở một vị trí là chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Nhìn anh em cấp dưới lên ngang rồi lên trên chỉ huy mình, ông vẫn vững vàng, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc. 

Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa chiêm nghiệm: "Cuộc đời con người như cái lò xo. Muốn có lực người ta phải nén xuống. Người nén nhiều thì bật cao. Người nén ít, bật thấp. Có khi bị nén lâu quá mỏi dần, đến khi bật chốt ra là hết nhảy. 

Có khi bị gãy luôn trong quá trình nén. Dù trong hoàn cảnh nào, khi được giao việc thì khó khăn đến đâu cũng phải bền chí, tự mình truyền lửa luyện lò xo thì khi cần mới bật cao hơn, đi xa hơn".

Quyết tâm chống dốt ngoại ngữ

Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa được Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng đánh giá cao vì những nỗ lực và sáng tạo phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả cho người lính.

Phương pháp ông đề xuất không phải học để lấy bằng cấp, chỉ cần giao tiếp, phiên dịch được và truyền lửa, truyền niềm tin để quân nhân vượt qua sự e ngại khi học ngoại ngữ.

"Quân đội đang trầy trật với ngoại ngữ - ông thẳng thắn nói - Cả đất nước mình cũng đang trầy trật với ngoại ngữ. Nhiều thanh niên dốt ngoại ngữ, rất sợ học. Học ngoại ngữ để làm việc, nâng cao vị thế người sĩ quan khi gặp bạn bè quốc tế. Không biết tiếng Anh thì làm sao đối ngoại?".

____________________________

Kỳ tới: Tướng lĩnh yêu âm nhạc

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên