24/12/2017 06:58 GMT+7

Tướng lĩnh thời bình - Kỳ cuối: Làm tướng phải 'biết' và 'quyết'

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ông là vị tướng đã kinh qua hai cuộc chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc. Người ta nói ông là vị tướng liêm khiết, là người hiểu biết sâu rộng và rất quyết liệt với cái sai.

Tướng lĩnh thời bình - Kỳ cuối: Làm tướng phải biết và quyết - Ảnh 1.

Tướng Khoa (thứ tư từ phải, hàng trên) cùng đoàn công tác Việt - Lào trong một lần làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào - Ảnh tư liệu

Hi sinh lợi ích của dân tộc bằng những lợi ích cá nhân, địa phương là tội ác với đất nước

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa

Trung đoàn trưởng 30 tuổi

Về hưu tháng 10-2016, trung tướng Nguyễn Kim Khoa (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội khóa 13) vui với cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên trong căn nhà nhỏ sau con dốc ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Về hưu gần hai năm, ông vẫn ở ngôi nhà giản dị xây từ 31 năm trước.

19 tuổi, gác lại dự định thi vào Trường Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Kim Khoa nhập ngũ ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (tháng 4-1974). Đến đầu năm 1979, khi gần tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, ông một lần nữa ra chiến trường. Ở mặt trận Vị Xuyên, nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất, trong một lần đi trinh sát để xây dựng phương án chiến đấu, ông bị thương. Mấy tháng sau khi cuộc chiến kết thúc, ông về thi tốt nghiệp và là một trong số ít học viên ra trường với hàm trung úy.

Năm 1985, đại úy Khoa được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng khi mới 30 tuổi. Bốn năm sau, ông được điều về Quân khu 2 với cương vị phó tham mưu trưởng sư đoàn 326, hàm thiếu tá. Năm 2004 là phó tư lệnh Quân khu 2, được phong hàm thiếu tướng. Năm 2007 là sĩ quan biệt phái qua làm phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội khóa 12. Năm 2011 là chủ nhiệm ủy ban khóa 13. Năm 2013, thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa được phong hàm trung tướng.

Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của mình, tướng Khoa nói rằng giai đoạn thử thách nhất không phải là những cuộc chiến mà là khi được phân công đảm nhận nhiệm vụ C (năm 2005): giúp nước bạn Lào xây dựng cụm bản phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh ở cả hai khu vực biên giới sáu tỉnh Bắc Lào. Ở sáu tỉnh Bắc Lào những năm đó, hoạt động của phỉ rất phức tạp, chuyên phục kích và tấn công gây rối loạn vùng biên giới.

Khi được phân công, biết đây là nhiệm vụ gian nan và nhiều thử thách, tướng Khoa vừa làm vừa đề xuất với Bộ Quốc phòng các phương án phù hợp với tình hình Bắc Lào. "Sau hơn một năm kiên trì và quyết liệt, tình hình an ninh dần ổn định. Khoảng hai năm sau, bạn đã xây dựng được cơ sở chính trị, thành lập được các đoàn kinh tế quốc phòng. Năm 2007 thì tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay khu Bắc Lào và khu biên giới Việt - Lào phát triển rất tốt" - tướng Khoa nhớ lại.

Tướng lĩnh thời bình - Kỳ cuối: Làm tướng phải biết và quyết - Ảnh 3.

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa - Ảnh: MY LĂNG

Hiểu cái giá của hòa bình

Năm 2007, thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa là sĩ quan biệt phái qua làm phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội khóa 12. Ở cương vị mới này, ông vẫn thể hiện khí chất của một vị tướng thời bình, đứng ở tâm thế một người lính nói tiếng nói của người dân khi bước vào nghị trường.

Ở nghị trường, tướng Khoa là người có nhiều phát biểu thẳng thắn, không ngại đụng chạm. Với vai trò trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội khóa 12, khi khảo sát, kiểm tra ở khu vực biên giới Tây Nguyên, ông đã phát hiện một số tỉnh giao đất, giao rừng cho người nước ngoài thuê không phù hợp với thế trận quốc phòng an ninh trên địa bàn. Có nơi đã giao đất, có nơi đã ký nhưng chưa giao đất, có tỉnh đã giao hàng chục nghìn hecta.

Sau kiến nghị của Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, điều chỉnh và chấm dứt việc cho người nước ngoài thuê rừng ở các khu vực nhạy cảm. "Làm kinh tế mà phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia là không thể chấp nhận được với bất cứ lý do gì. Không thể đặt lợi ích nào khác vượt lên trên lợi ích quốc gia. Chúng tôi hiểu dân tộc mình đã phải trả giá rất lớn cho tự do, hòa bình, biết giá trị nào cần phải giữ. Hi sinh lợi ích của dân tộc bằng những lợi ích cá nhân, địa phương là tội ác với đất nước" - ông nói.

Ủy ban Quốc phòng và an ninh cũng thực hiện một cuộc giám sát lớn giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là cuộc giám sát kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nam và Tây Nam Bộ. "Khi kết thúc cuộc giám sát này, chúng tôi đã kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có xây dựng thế trận quốc phòng an ninh trên các địa bàn chiến lược về trước mắt và lâu dài, đặc biệt là khu vực biên giới, trong đó có biên giới Tây Nam và biên giới trên biển" - tướng Khoa cho biết.

Tướng lĩnh thời bình - Kỳ cuối: Làm tướng phải biết và quyết - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội Nguyễn Kim Khoa (phải) tiếp đại sứ Cuba Herminio Lopez Diaz tháng 12-2014 - Ảnh: ĐÌNH NAM

Ông cũng đã nhiều lần kiến nghị xây dựng các đoàn kinh tế quốc phòng trên biển để làm chỗ dựa cho ngư dân. "Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển là nhiệm vụ rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Bờ mạnh thì biển mới yên. Hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn, việc quản lý bảo vệ và phát triển kinh tế biển còn nhiều bất cập. Muốn làm được, chúng ta phải giải quyết những nhiệm vụ trước mắt và phải có chiến lược lâu dài. Vấn đề là phải có con người tốt, có tầm nhìn và quyết tâm làm" - tướng Khoa khẳng định.

Ông Lê Việt Trường, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội khóa 13, nhận xét: "Anh Nguyễn Kim Khoa là con người hội đủ hai chữ: biết và quyết. Kiến thức của anh rất sâu rộng về lĩnh vực quốc phòng an ninh và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong công việc, anh là người rất trách nhiệm. Chương trình nào đã được ủy ban thông qua, khó khăn đến đâu anh cũng quyết tâm thực hiện bằng được".

Hệ thống pháp luật quốc phòng

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội khóa 13 trong việc xây dựng hệ thống pháp luật quốc phòng như Luật giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội Việt Nam, Luật công an nhân dân, Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi, Luật phòng chống khủng bố, Luật quốc phòng an ninh, Luật căn cước công dân... và đặc biệt là Luật biển. Ông nói: "Chúng ta làm được Luật biển là quyết tâm rất lớn. Trong tất cả các luật, đây là luật thách thức nhất vì đó là cơ sở chính trị, pháp lý để chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền của chúng ta trên biển".

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên