Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn và một em bé ở Trường Sa - Ảnh: NVCC
Tinh thần sẵn sàng chiến đấu phải cực kỳ cao mới cướp được thời gian vàng, cứu sống được bệnh nhân
Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG SƠN
Cuộc phỏng vấn thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn (giám đốc Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM) của chúng tôi diễn ra lúc 18h. Trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, vị tướng quân y mở lần lượt hai bài hát mới được ông phổ nhạc để thư giãn...
Từ giấc mơ "quần thể y tế 175"
Trong cảm nhận từ những đồng chí, đồng nghiệp và bạn bè của ông, vị tướng ấy là người có tầm nhìn xa, rất quyết liệt trong công việc và rất có tâm với người bệnh, đặc biệt là những người dân và chiến sĩ ở nơi đầu sóng ngọn gió như quần đảo Trường Sa...
Dấu ấn đầu tiên của thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn khi ông lên làm giám đốc Bệnh viện 175 là kiên quyết giữ lại 10ha đất của bệnh viện đã được đàm phán trong một dự án đổi đất lấy hạ tầng.
Ông cho rằng việc đổi 10ha đất có thể xây được một bệnh viện mới nhưng để phát triển Bệnh viện 175 lên tầm chiến lược trong tương lai, Bệnh viện 175 phải là một tổ hợp y tế lớn mới đáp ứng được yêu cầu của y học hiện đại, phát triển chuyên môn kỹ thuật và nâng chất lượng phục vụ người bệnh.
Chính vì vậy, ông đã quyết tâm thuyết phục và được lãnh đạo Bộ Quốc phòng ủng hộ việc giữ lại đất.
Bằng tất cả sự nỗ lực và cả tầm nhìn của mình, được sự ủng hộ của cấp trên, hai dự án Viện chấn thương chỉnh hình 500 giường và Bệnh viện đa khoa 1.000 giường được khởi công xây dựng cùng Viện Ung bướu 300 giường là những khởi đầu cho việc hình thành dần một quần thể y tế ở 175.
"Khi Viện chấn thương chỉnh hình đi vào hoạt động, đây sẽ là trung tâm cấp cứu của một thành phố lớn với dịch vụ cấp cứu đường bộ, đường sông, đường không, không chỉ chia lửa cho công tác cấp cứu của thành phố mà còn sẵn sàng chi viện cho các tỉnh phía đông bắc TP.HCM.
Bệnh viện 175 có lợi thế lớn là nằm trong phễu bay (cất hạ cánh). Vậy tại sao trực thăng cấp cứu từ Trường Sa cứ phải bay về Tân Sơn Nhất mà không bay ngay đến Bệnh viện 175? Giấc mơ đó của tôi sắp thành hiện thực. Khi khánh thành bệnh viện mới sẽ có những chuyến bay đầu tiên" - thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Đó cũng là giấc mơ mà ông đã ấp ủ hơn 20 năm qua.
Theo thiếu tướng Sơn, bệnh nhân chính là người thầy của bác sĩ vì họ không những trả tiền cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn dạy cho thầy thuốc những bài học, kiến thức về y học bằng chính bệnh lý của mình.
Từ quan điểm này, ông đã kiên quyết diệt trừ nạn "phong bì" trong Bệnh viện 175. Nhờ các quyết sách của ông, chất lượng điều trị và chất lượng phục vụ được cải thiện tốt hơn, người bệnh tin yêu hơn nên đã đến đông hơn.
Hiện trung bình một ngày 175 có 2.000 - 2.500 bệnh nhân ngoại trú và 1.300 bệnh nhân nội trú.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chúc mừng một bệnh nhân bị nhồi máu não được Bệnh viện 175 đưa về từ đảo và cứu sống - Ảnh: NVCC
Đến giấc mơ "thành phố trên biển"
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn bảo ông mơ ước một ngày nào đó Trường Sa sẽ trở thành một thành phố trên biển của ngư dân Việt Nam để họ vào đó sửa chữa máy móc, nạp xăng dầu, tiếp nước ngọt, ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi, du lịch.
Và đó không chỉ là điểm đến cho người Việt mà cho tất cả tàu thuyền quốc tế có nhu cầu...
"Như vậy thì dịch vụ y tế phải là số 1" - ông nói.
Trước đây khoảng 10 năm, tướng Sơn đã quyết liệt đề xuất sử dụng hệ thống y khoa trực tuyến telemedicine trong khám chữa bệnh cho quân dân ở Trường Sa. Việc sử dụng hệ thống này đã làm thay đổi căn bản chất lượng chẩn đoán và điều trị cho quân và dân ở Trường Sa.
Nhờ hệ thống này, hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ đưa ra một chẩn đoán chính xác nhất, từ đó lựa chọn một chỉ định điều trị đúng đắn nhất cho người bệnh. Các bác sĩ trên đảo cũng cảm thấy vững tâm hơn khi biết sau lưng mình luôn có các thầy hỗ trợ. Và cuối cùng là người bệnh sẽ được chăm sóc một cách tốt nhất, không thua kém gì đất liền.
"Điều hạnh phúc nhất, tự hào nhất trong 10 năm nay là chúng tôi không có bệnh nhân nào tử vong trên đảo. Chỉ cần một người bệnh tử vong sẽ làm mất niềm tin ghê gớm" - ông nói.
Chính ông là người đề xuất việc đưa máy bay ra Trường Sa cấp cứu ngư dân, cán bộ chiến sĩ. Trong những năm qua, hàng chục bệnh nhân đã được cứu sống nhờ sự cứu hộ kịp thời của trực thăng và thủy phi cơ.
Ông nói: "Người ngư dân ngoài biển phó mặc số mệnh cho biển cả. Việc có một trung tâm y tế ngoài biển khơi và trong trường hợp khẩn cấp có máy bay ra hỗ trợ cấp cứu sẽ tạo cho họ niềm tin để yên tâm làm ăn, bám biển".
Ông từng có hai quyết định sáng suốt khi để một sĩ quan cao cấp bị viêm ruột thừa mổ ngay ngoài đảo mà không vận chuyển về đất liền và điều trực thăng đưa ngay một ngư dân bị áp xe trung thất vào đất liền cấp cứu!
Ông giải thích: "Đã chẩn đoán áp xe trung thất là coi như đã nhận bản án tử hình, vượt quá khả năng điều trị của đảo, cần phải đủ điều kiện phẫu thuật sớm mới có thể cứu được người bệnh.
Còn với trường hợp vị sĩ quan kia, hội chẩn qua hệ thống telemedicine, tôi đã biết rõ tình trạng bệnh lý của ông và nằm trong sự kiểm soát về chuyên môn của các bác sĩ trên đảo với chỉ đạo từ bệnh viện.
Ca mổ phải tiến hành rất nhanh nên tôi nghĩ ông ấy nếu biết chuyện cũng đồng ý với quyết định đó".
Không chỉ là bác sĩ
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn (giữa) hòa ca cùng sáu giọng ca vàng một thời (toàn nghệ sĩ nhân dân và ưu tú là Trần Hiếu, Quang Thọ, Quang Huy, Thanh Vinh, Dương Minh Đức, Mạnh Trung) trong đêm nhạc của ông -Ảnh: HỒ LÊ
Là một người yêu âm nhạc, tướng Sơn đã viết rất nhiều ca khúc, đặc biệt là những ca khúc viết về Trường Sa. Được bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ, việc bán đĩa nhạc của ông đã thu về được gần 3 tỉ đồng.
Toàn bộ số tiền đó ông dùng để mua trang thiết bị cho Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa và trợ cấp học bổng cho hai học sinh được sinh ra ở Trường Sa.
****************
Kỳ tới: Người của biển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận