TTCT - Theo xu hướng phát triển bền vững, tre vượt qua nhiều vật liệu truyền thống trở thành ứng cử viên sáng giá cho các đổi mới sáng tạo xanh. Tre là loại cây hiếm hoi có một ngày kỷ niệm toàn cầu - ngày Tre thế giới 18-9. Cây tre, ít nhất ở là ở Trung Quốc và Ấn Độ, còn vinh dự có hẳn một đề án quốc gia riêng để khai thác và đầu tư sao cho xứng tầm và hiệu quả trong một thế giới chú trọng phát triển xanh và bền vững. Ngày Tre thế giới là sáng kiến được Tổ chức Tre thế giới (WBO) khởi xướng năm 2009 nhằm phổ biến những lợi ích đáng kinh ngạc của cây tre, một loại cây dùng được từ rễ đến ngọn.Tre xanh xanh tự bao giờTre có mặt ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và một số nơi ở Bắc Mỹ, là loại cây lớn nhanh, có thể trưởng thành trong 3-5 năm. Tre mọc tự nhiên, nếu được trồng thì hầu như không phải bón phân, phun thuốc mà vẫn lớn nhanh như thổi. Cây tre thân gầy guộc, lá mong manh nhưng lại chịu được nắng mưa dãi dầu và hầu như không bị bất kỳ loại sâu bệnh nào tấn công. Khi tre nên lũy nên thành, nó có giá trị sinh thái như bảo tồn nước, ngăn ngừa rò rỉ nước và xói mòn đất, làm sạch không khí, giá trị sử dụng rất phong phú và đa dạng.Hơn 1 tỉ người trên thế giới sống trong những ngôi nhà tre. Theo UNESCO, 70ha tre cho sản lượng đủ dựng được 1.000 căn nhà. Nhà tre càng phổ biến thì những cánh rừng càng yên tâm mà làm lá phổi xanh cho Trái đất. Ở Ấn Độ, Trung Quốc, tre được dùng để gia cố cầu, đường, làm giàn giáo. Người Trung Quốc sử dụng một loại tre đen, còn gọi là tre tím, mọc tự nhiên ở tỉnh Hồ Nam để chữa bệnh thận, bệnh hoa liễu, thậm chí bệnh ung thư. Người Indonesia dùng tre để chữa bệnh về xương.Vào tay các nghệ sĩ và những người yêu cái đẹp, tre thành phụ kiện - vòng tay, vòng cổ, nhẫn, trang sức hay thành đồ mỹ nghệ, thành tranh, lên sàn diễn thời trang. Tre được dùng trong xây dựng, nội thất, làm ống hút, dao nĩa, muỗng... thay thế bộ đồ ăn dùng một lần bằng nhựa. Măng có thể chế biến thành nhiều món khoái khẩu được nhiều người yêu thích.Phòng làm việc “toàn tre”. Ảnh: Tân Hoa xãTheo xu hướng phát triển bền vững, tre vượt qua nhiều vật liệu truyền thống trở thành ứng cử viên sáng giá cho các đổi mới sáng tạo xanh. Trong xây dựng, tre được xem như "thép xanh" của thế kỷ 21. Với độ bền cao và tốc độ phát triển vượt trội cây gỗ, nhiều công ty đang dùng tre để thiết kế nhà ở và công trình thân thiện với môi trường.Không phải là những lán, trại tạm bợ, nhà tre hiện đại đã trở thành những công trình điểm nhấn, những ngôi nhà thật sự ấn tượng. Khu sinh hoạt cộng đồng và phòng tập thể dục bằng tre mang tên the Arc tại ngôi trường Xanh ở Bali là điển hình của một công trình đẹp về thiết kế, độc đáo về kiến trúc và thân thiện với môi trường. Mỗi vòm tre của công trình dài 19m, tổng diện tích 726m2, minh chứng rằng chúng ta có thể sử dụng vật liệu truyền thống cho những công trình xanh quy mô lớn mang tính nghệ thuật.Đại trà hơn, Công ty Bamboo Living trụ sở ở đảo Hawaii đang rất phát đạt với mô hình nhà tre lắp ráp. Với khẩu hiệu "Xanh, bền, đẹp", công ty đang bán nhà tre tiền chế theo các diện tích khác nhau với giá từ vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn USD."Kính" tre, vải sợi tre…Ngày nay, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đang tìm cách để tre thành vật liệu mới, có giá trị gia tăng cao hơn. Một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Lâm nghiệp và Công nghệ Trung Nam (CSUFT), Trung Quốc đang nghiên cứu để biến tre thành trong suốt - như thủy tinh để làm vật liệu xây dựng. Tre trong suốt (tạm gọi kính tre) có thể sẽ là vật liệu thay thế kính đầy tiềm năng, trang ZME Science đưa tin hồi tháng 3.Kính được dùng trong ngành xây dựng từ lâu. Năm 2020, nhu cầu về kính trên toàn cầu là 130 triệu tấn. Kính có ưu điểm quan trọng là trong suốt, dễ sản xuất từ nguyên liệu thô sẵn có, nhưng hạn chế là giòn, dễ vỡ và quá trình sản xuất vẫn đang tạo lượng phát thải CO2 đáng kể.Trong nỗ lực đi tìm vật liệu mới, khoa học đã có thể xử lý gỗ thành trong suốt để thay thế kính, kỳ vọng ứng dụng trong sản xuất màn hình siêu bền cho điện thoại thông minh, các thiết bị chiếu sáng dịu nhẹ, các thiết bị phát sáng hay cửa sổ đổi màu. Hạn chế của gỗ trong suốt là dễ cháy do có hàm lượng polyme cao và gỗ cũng ngày càng khan hiếm trong một thế giới mà mảng xanh tự nhiên đang trở nên quý giá. Tre thì sao? So với gỗ, tre vượt trội về khả năng lớn nhanh và tạo ra sinh khối lớn. Sản lượng trên một đơn vị diện tích trồng tre gấp bốn lần so với gỗ sồi. Tre có thành phần hóa học tương tự gỗ. Cấu trúc của nó có độ xốp và thấm cao, phù hợp để tạo ra các vật liệu composite trong suốt.Nhóm nghiên cứu CSUFT đã sử dụng kỹ thuật tẩm chân không để truyền natri silicat vô cơ vào cấu trúc tre nhằm loại bỏ xenluloza, sau đó là xử lý kỵ nước nhằm tăng khả năng chống cháy và các đặc tính cơ học cho tre trong suốt. Kính tre do nhóm nghiên cứu CSUFT phát triển có khả năng chống cháy cao: thời gian bắt lửa là 116 giây, tổng lượng nhiệt tỏa ra, lượng khói thải và nồng độ CO2 cực đại đều thấp. Kính tre có độ bền cơ học cao, khả năng uốn cong và kéo cao. Các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai tre trong suốt sẽ được sản xuất với quy mô lớn để thay kính chống cháy và tạo ra các thiết bị quang học thân thiện với môi trường.Quy trình từ tre xử lý thành xơ, kéo thành sợi rồi dệt thành vảiTre còn đang được ứng dụng để thay thế bông vải. Trong tương lai, loại cây trăm đốt này có thể là người bạn tốt mới của ngành dệt. Vải sợi tre bền bỉ, thoáng khí, có độ hút ẩm tốt… và đang được dùng làm chăn (mền), khăn tắm bán trên thị trường.Hiện tại ở Ấn Độ, trong khuôn khổ Sáng kiến Sứ mệnh tre quốc gia (NBM), chính quyền đã chọn tre để đầu tư nhằm tạo ra giá trị gia tăng và phát triển chuỗi sản phẩm, tập trung vào vải sợi tre. Tính đến năm 2021, Ấn Độ đã phê duyệt hỗ trợ cho 11 đơn vị sản xuất và chế biến công nghiệp nhằm tạo ra vải và đồ mỹ nghệ từ tre.Các dự án biến tre thành sợi và vải thuộc NBM đang nhận được hỗ trợ từ chính phủ trong phát triển dịch vụ hậu cần và hoạt động mua bán tre nguyên liệu tại chợ truyền thống ở nông thôn hoặc chợ tre. Sợi tre là giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho sợi truyền thống trong ngành dệt may. Sợi tre có đặc tính vừa mềm mại vừa thoáng khí nên ngày càng trở nên phổ biến trong sản xuất quần áo và hàng dệt gia dụng.Thách thức của việc biến tre thành sợi là phương pháp sản xuất chưa thân thiện với môi trường. Theo Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Ấn Độ, việc trồng tre thân thiện với môi trường, nhưng quá trình tạo ra sợi từ tre đòi hỏi phải xử lý hóa học với các chất làm mềm, thuốc nhuộm, thuốc tẩy… và các quy trình hoàn thiện khác vẫn gây hại cho môi trường. Nếu khắc phục được vấn đề, ngành công nghiệp sợi và vải từ tre sẽ phát triển mạnh mẽ và giúp ngành dệt may "xanh" hơn. Và các ngành khác muốn khai thác tre cũng thế. Trung Quốc cũng là cường quốc trong việc tối đa hóa giá trị của cây tre từ rễ đến ngọn. Tháng 11-2023, Chính phủ Trung Quốc, hợp tác với Tổ chức Mây tre quốc tế, đặt ra kế hoạch hành động toàn cầu để tre thay thế nhựa (2023-2030). Tháng 12 cùng năm, Trung Quốc thông qua kế hoạch hành động ba năm nhằm đẩy nhanh quá trình đưa "tre thay nhựa". Kế hoạch đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng: đến năm 2025 sẽ tạo ra một hệ sinh thái công nghệ xoay quanh cây tre, chế biến sâu sản phẩm từ tre và mở rộng thị trường để tạo ra các sản phẩm từ tre thay thế nhựa.Trung Quốc rất dồi dào về tre, trúc với 837 loài, tổng diện tích khoảng 7,56 triệu ha, và tổng sản lượng hằng năm khoảng 150 triệu tấn. Theo Cục Lâm nghiệp và đồng cỏ quốc gia, ngành công nghiệp liên quan đến cây tre nhộn nhịp ở 20 tỉnh, trong đó các trung tâm lớn là Phúc Kiến, Giang Tây và An Huy do tập trung khoảng 90% tổng diện tích trồng tre của cả nước.Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp chế biến tre, giá trị sản lượng của ngành công nghiệp tre đã tăng từ 82 tỉ nhân dân tệ (11,26 triệu USD) vào năm 2010 lên 415,3 tỉ nhân dân tệ năm 2022, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trên 30%. Dự kiến, tổng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp tre Trung Quốc sẽ vượt quá 1.000 tỉ nhân dân tệ năm 2035.Việc ứng dụng tre để thay thế nhựa ở Trung Quốc đang rất phổ biến. Rất nhiều khách sạn đã chuyển sang dùng lược tre, bàn chải đánh răng tre. Các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút tre, ly, bình giữ nhiệt, bộ đồ ăn… đang rất thịnh hành. Wang Yixiang, giáo sư của Đại học Nông lâm Chiết Giang, thẳn thắn đánh giá: quy mô công nghiệp của tre với tư cách là ngành công nghiệp mới nổi thay thế nhựa hiện vẫn nhỏ, sản lượng thấp, chi phí cao và ít yếu tố công nghệ và máy móc tương đối lạc hậu."Để tre thành vật liệu thay thế nhựa phải khai phá được những giá trị gia tăng cao hơn của tre bằng tiến bộ công nghệ" - ông nói với Tân Hoa xã. Điều này không phải là hoàn toàn bất khả thi. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Phát triển bền vữngMôi trườngHệ sinh tháiViêt Nam xanhCây tre
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối 5-11 (giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu tại hàng loạt bang miền đông Mỹ đã mở cửa để các cử tri bầu người lèo lái nước Mỹ trong 4 năm tới.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.