Công trình nhà ở tiết kiệm năng lượng với điều kiện thông gió và ánh sáng tự nhiên do T3 Architecture Asia xây dựng ở TP.HCM - Ảnh: T3 Architecture Asia |
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các hệ thống sưởi ấm và làm mát chiếm đến 40% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng máy điều hòa vẫn ngày càng tăng, đặc biệt là tại các nước châu Á có khí hậu nóng ẩm.
IEA dự đoán đến năm 2050, nhu cầu máy điều hòa ở châu Á sẽ chiếm 80% của toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, công ty T3 Architecture Asia có văn phòng ở cả Pháp và Việt Nam chuyên về kiến trúc “sinh khí hậu”, cung cấp các thiết kế dựa trên nghiên cứu tác động của điều kiện khí hậu lên con người, tuyên bố rằng họ có thể khiến chiếc máy lạnh ngốn điện trở nên “thừa thãi”, theo đài CNN của Mỹ.
Chỉ bằng cách khai thác các yếu tố địa hình, khí hậu, thảm thực vật cũng như xác định hướng nhà, họ có thể tạo lập được một môi trường khí hậu trong nhà dễ chịu.
Ông Charles Gallavardin, giám đốc T3 Architecture Asia, bắt đầu nghiên cứu kiến trúc sinh khí hậu từ năm 2005.
Trong một dự án hợp tác với Ngân hàng thế giới (WB), ông cũng đã xây dựng một công trình nhà ở tại TP.HCM dành cho 350 hộ gia đình mà không cần đến máy điều hòa.
Công trình nhà ở tiết kiệm năng lượng với điều kiện thông gió và ánh sáng tự nhiên do T3 Architecture Asia xây dựng ở TP.HCM - Ảnh: T3 Architecture Asia |
“Ta không cần phải chi tiền cho việc điều hòa không khí, thậm chí là ở những nơi có khí hậu nóng như TP.HCM, miễn là công trình được thiết kế hợp lý”, ông Gallavardin khẳng định với CNN.
“Thiết kế hợp lý” ở đây có nghĩa là có hành lang ngoài trời, mái che thông gió, được xây dựng bằng vật liệu sợi thủy tinh cách nhiệt và các vật liệu tự nhiên, nhằm bảo đảm điều kiện thông gió và ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà.
Ngôi nhà được thiết kế với mái che thông gió tự nhiên - Ảnh: T3 Architecture Asia |
Gallavardin giải thích rằng một tòa T3 sinh khí hậu điển hình thường có nhiệt độ thấp hơn bên ngoài khoảng 5 độ C.
Văn phòng T3 Architecture Asia ở TP.HCM cũng được xây dựng theo lối kiến trúc tận dụng điều kiện tự nhiên - Ảnh: T3 Architecture Asia |
Tại một số nước châu Á khác, các công ty kiến trúc cũng bắt đầu nghiên cứu giải pháp xây dựng tiết kiệm năng lượng này.
Năm ngoái, công ty Andyrahman Architect ở Indonesia nổi tiếng với công trình Biophilic Boarding House được ca ngợi vì những bức tường được có lỗ thông khí giúp giữ mát ngôi nhà trong điều kiện nhiệt đới ở Surabaya, thành phố cảng đông đúc của tỉnh Đông Java.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, công ty Perkins & Will của Mỹ cũng áp dụng giải pháp sinh khí hậu cho Bảo tàng quốc gia Thượng Hải, vừa đáp ứng tiêu chí điều hòa không khí để bảo quản khu vực trưng bày, vừa có cửa sổ và giếng trời tự động thông gió cho các khu vực khác.
Bảo tàng này tiết kiệm được 15% năng lượng tiêu thụ so với một bảo tàng tiêu chuẩn.
Bảo tàng quốc gia Thượng Hải do Perkins & Will thiết kế |
Tuy nhiên, ông Gallavardin nhận định nhìn chung châu Á vẫn còn chậm trễ trong việc áp dụng các giải pháp thân thiện môi trường.
“Điều mà tôi thấy ở châu Á, thậm chí tại những nơi giàu có như Hong Kong và Singapore, là họ thích thể hiện rằng mình thân thiện với môi trường. Họ trồng cây ở mặt ngoài các tòa nhà, thêm vào các tấm pin mặt trời, rồi gọi đó là tòa nhà xanh”, ông phân tích. “Nhưng tìm hiểu kỹ mới biết là không ‘xanh’ như vậy, thậm chí đôi khi còn ngược lại. Chúng ta sẽ thấy được nhiều tòa nhà thực sự tiết kiệm năng lượng ở châu Á trong tương lai, nhưng vẫn còn chậm lắm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận