Góc của Huyền
"Tương lai trong tay bạn"
TTO - Mới đây, một phóng viên trẻ nêu lại vấn đề về cuộc sống của VĐV sau thi đấu và đặt câu hỏi với tôi: “Có phải VĐV nào khi nghỉ rồi cũng có cuộc sống bấp bênh? Nguyên nhân do đâu?”.
Phóng to |
Thanh Huyền (giữa) với các bạn đồng môn trẻ trong lớp báo chí K07 - Ảnh: L.N. |
Tôi xin kể lại câu chuyện của mình, vì câu chuyện ấy cũng giống câu chuyện của nhiều VĐV đã, đang và sẽ trải qua. Hi vọng sẽ có sự gợi ý cho câu trả lời.
Tôi đến với xe đạp từ khi 16 tuổi, năm 1993. Khi đó bố tôi là kỹ sư cơ khí đã nghỉ mất sức, ông sửa xe máy ở nhà. Ở Hà Nội nhưng cũng như nhiều gia đình khác trong thời kỳ ấy, ông chỉ mong kiếm cơm cho ba đứa con đủ ăn. Học hành là gánh nặng.
Tôi đến với thể thao và thấy đó là con đường giúp tôi thỏa niềm ao ước được đi khắp nơi, mở mang tầm mắt. Tôi tiết kiệm tiền lương (lúc đó là tiền ăn) để sau này có đủ tiền học đại học. Với đại đa số người dân phía Bắc, học hành là cách duy nhất để có một tương lai ổn định.
Có người hỏi tôi: “Có đam mê không?”. Tất nhiên, tôi vốn thích thể thao. Nhưng với tôi, đam mê ảnh hưởng không đáng kể trong quyết định đến với xe đạp. Tôi đến với xe đạp vì những điều xe đạp mang lại. Đó là động cơ để tôi luôn cố gắng thực hiện tốt nhất công việc của mình. Từ đó, tôi tìm thấy niềm vui, thấy được năng lực và nhiều thứ khác mà chỉ có cuộc đời thể thao mới có.
Vào tập, có thể nói tôi cũng như mọi người được Nhà nước “lo” cho mọi thứ: từ ăn, ở, điều kiện tập luyện… Do tập cả sáng lẫn chiều nên cả đội đều chuyển sang hệ bổ túc tại Trường VHTT Hà Nội. HLV của chúng tôi luôn nhắc nhở chúng tôi ý thức học là việc vô cùng quan trọng song song với tập luyện.
Dù phải học bổ túc thì đó cũng không phải là vấn đề khi vẫn có thể vào đại học bình thường. Chúng tôi chỉ có hai nhiệm vụ chính: tập xong khoảng 5g chiều là chúng tôi đạp xe đến trường, rất chăm chỉ. Có đợt đi tập huấn hay thi đấu vài tháng, khi về chúng tôi ôn lại những bài đã học với sự giúp đỡ của cô giáo.
Vậy là tôi đã tốt nghiệp trung học và tiếp tục học hệ tại chức Đại học Thương mại. Trong đội tôi, ai có chí học hành đều lựa chọn cho mình một trường đại học, tùy theo điều kiện riêng. Có người nghỉ tập để theo đuổi học vấn, có người vừa học vừa tập để có tiền theo học.
Có thể nói ở giai đoạn này, tôi hoàn toàn hài lòng với sự lựa chọn của mình. Tôi đạt được mục đích mình đặt ra khi tôi 20 tuổi, trước cả lần đầu giành được tấm huy chương vàng SEA Games.
Có một nhà báo lớn tuổi nói với tôi: “Không người nào có thể quyết định tương lai của bạn”. Bản chất thể thao vốn vô cùng khắc nghiệt, luôn đòi hỏi “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn”. Khi bạn tụt lại phía sau, bạn sẽ bị thải loại.
Là người trong cuộc, chúng tôi thấy vì VĐV quá nhiều nên không thể trông chờ cơ hội được bố trí là HLV hay một công việc nào đó trong ngành.
Tiền lương, tiền công hay tiền thưởng sẽ không bao giờ đủ cho tương lai. Bởi vì dù có muốn hơn nữa thì đến nay mọi khoản tiền hầu như trông chờ vào kinh phí của ngành thể thao, mà kinh phí ấy lại phụ thuộc ngân sách nhà nước. Trong khi đó, công tác xã hội hóa thể thao - tìm nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ, hoạt động quảng cáo - lại không phải chuyên môn của các nhà quản lý thể thao.
Vậy thì cơ hội cho tương lai nằm ở chỗ nào? Không chỉ tôi mà tất cả những ai đã trải qua cuộc đời thể thao đều thấy nó nằm ở sự chuẩn bị, ở chỗ phải tích lũy kiến thức, kỹ năng ngay trong thời gian là VĐV. Điều này lại đòi hỏi tự ý thức và quyết tâm của mỗi người.
Nhắc đến Trương Hoàng Mỹ Linh, lớp VĐV thời của tôi ai cũng biết chị là “nữ hoàng tốc độ” của Việt Nam suốt từ năm 1984 đến 1995. Bấy nhiêu năm vô địch là biết bao công phu tập luyện, nhưng cả trong những đợt tập huấn ở Quảng Châu (Trung Quốc), không có máy tính nối mạng như bây giờ, chị vẫn hằng ngày học chương trình ngoại ngữ bằng tài liệu từ bạn bè, người nhà chuyển qua. Hết bốn năm, chị thi đậu đại học như bao sinh viên khác.
Nhờ luôn ý thức và nỗ lực học tập, tách khỏi thể thao là chị đã kịp nắm bắt những cơ hội công việc tốt cho mình. Tương lai đã rộng mở với người luôn làm việc nghiêm túc như chị.
Tôi còn nhớ hai bài báo rất hay nói về hai VĐV nổi tiếng: cô S.Patcharee - cựu đội trưởng bóng chuyền nữ Thái Lan. Một lần sang Việt Nam thi đấu cô bị chấn thương, ở trong khách sạn, cô vẫn học chương trình quản trị doanh nghiệp của một trường đại học bằng laptop mang theo.
Người thứ hai là tay vợt hạng 12 thế giới Li Jia Wei (Singapore), trên khán đài của nhà thi đấu, cũng như Patcharee, cô mở máy tính ra học. Cả hai danh thủ này đều có chung câu trả lời phóng viên: không học thì khi nghỉ thi đấu không thể làm gì cả.
Đến với thể thao, bạn đương nhiên đã chấp nhận đánh đổi nhiều thứ. Kết quả của cuộc đánh đổi ấy tốt hay xấu trước hết là do bạn quyết định.
NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận