28/06/2016 09:07 GMT+7

Tương lai hai màu của EU

HOÀNG THẮNG (Từ Pháp)
HOÀNG THẮNG (Từ Pháp)

TTO - Có thể nói rằng lý do mấu chốt khiến nhiều người dân Anh quyết định ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) không chỉ là gánh nặng tài chính và những sức ép to lớn từ làn sóng di cư. 

Chủ quyền và quyền tự quyết là lý do được xem sâu xa hơn cả. Viễn cảnh nước Anh thoát khỏi các kìm nén bởi các cơ quan EU từ Brussels được nhìn nhận theo ba nghĩa.

Một là nước Anh có thể chủ động trong việc kiểm soát quá trình hoạch định chính sách quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh EU và các tổ chức của liên minh này đang lao đao trước những khủng hoảng dồn dập từ năm 2009.

Hai là sẽ không còn chuyện người Anh phải chấp nhận một quá trình áp đặt “phi dân chủ” từ những quan chức EU ở Brussels, những chính trị gia mà không phải do người Anh trực tiếp bỏ phiếu bầu nên.

Thứ ba, những người Anh bản địa tin vào vị thế đặc biệt của mình, kể cả bắt nguồn từ lịch sử lẫn từ văn hóa, sẽ dễ dàng hình dung về câu chuyện xem EU là một “đế chế bên ngoài”, thế lực đã lấy đi bản sắc văn hóa của nước Anh. Vì thế, ra khỏi EU chính là bảo vệ bản sắc.

Ba ý nghĩa này có thể sẽ trở thành những quan điểm chính của các xu hướng “ly khai EU” trong tương lai gần. Những đảng chính trị theo chiêu bài “nghi ngờ châu Âu” cũng sẽ sử dụng cuộc trưng cầu ý dân như là một phần chiến dịch tranh cử của họ.

Lãnh đạo của Đảng Tự do dân tộc ở Áo gần đây phát biểu rằng Áo nên được “cai trị thông qua trưng cầu ý dân” như Thụy Sĩ.

Đảng Mặt trận dân tộc Pháp đã hứa sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên trong EU nếu đảng cực hữu này thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.

Phong trào “Năm sao” của Ý cũng cho biết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên trong khu vực đồng euro nếu được bầu chọn.

Xu hướng mị dân hoặc dùng các vấn đề EU làm chiêu bài tranh cử giúp các đảng này làm “mềm” hơn hình ảnh của họ, vốn bị xem là cực đoan hay thiên về cánh hữu.

Quan trọng hơn, vì những cuộc trưng cầu ý dân có vẻ ít đe dọa và dân chủ hơn so với những lời hứa của hành động đơn phương hay các tuyên bố gây sốc, nó sẽ giúp nhiều đảng phái hay lực lượng chính trị cực hữu xây dựng lực lượng để trở thành người chơi quan trọng trong chính trị dòng chính các quốc gia.

Trong ngắn hạn, EU có thể tạm thời yên tâm đôi chút khi chỉ có một số ít nước thành viên EU có cơ chế cho phép công dân tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu ở Anh với chiến thắng sít sao của phe ủng hộ việc rời EU cho thấy “sức mạnh ràng buộc” của các cuộc trưng cầu ý dân.

Và nó có thể khơi mào cho những ý định khác trong tương lai.

Rõ ràng EU đang có hai màu tương lai. Các phong trào đòi “ly khai EU” không đến từ các thể chế dân chủ mang tính ràng buộc, mà chủ yếu từ lòng dân đang sôi sục trước những vấn đề nóng chưa được giải quyết.

Đây vừa là màu hồng cơ hội cho các cải cách lẫn thay đổi về các cơ chế quản trị và thúc đẩy dân chủ nội khối của liên minh này, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ cho các xu hướng cực đoan và mị dân lên ngôi.

Xu hướng sau là một gam màu xám mà EU và từng nước thành viên cần quan ngại không kém so với một kịch bản đổ vỡ chung của cả khối.

HOÀNG THẮNG (Từ Pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên