TTCT - Dữ liệu của Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ cho thấy số lượng người lao động Mỹ là thành viên công đoàn đã giảm liên tục ít ra là từ đầu thế kỷ 21 tới nay. Năm 2018 là năm tỉ lệ thành viên công đoàn trong lực lượng lao động Mỹ thấp kỷ lục, chỉ 10,5%, so với hơn 20% vào đầu những năm 1980, theo Hãng tin CBS. Nếu chỉ tính các doanh nghiệp tư nhân, thì con số còn thấp hơn nữa: chỉ 6,4%. Cuộc vận động Tranh đấu vì 15 đôla đã bám chặt vào các chính sách lương cơ bản mới ở một quy mô lớn hơn, chứ không chỉ là sự thương lượng với chủ lao động. Ảnh: The AtlanticCó những lý do lịch sử dẫn tới sự suy giảm, như việc thông qua đạo luật chống công đoàn Taft-Hartley sau Thế chiến II và thất bại của các công đoàn trong việc chiêu mộ thành viên ở miền Nam Hoa Kỳ. Nền chính trị kiểu Mỹ cũng có vai trò quan trọng. Ở Đức chẳng hạn, Tổng liên đoàn Lao động Đức (DGB) là một tổ chức phi đảng phái, không bị nhìn nhận là địch thủ chính trị với các đảng có xu hướng bảo thủ, bảo vệ giới chủ trong nước. Nhưng ở Mỹ, “Đảng Cộng hòa giờ đây coi công đoàn là địch thủ chính trị, và điều đó đồng nghĩa khi nắm quyền, họ sẽ tìm mọi cách để làm suy yếu các công đoàn” - giáo sư kinh tế học Richard Freeman của Đại học Harvard nói với psmag.com.Ở Mỹ cũng không có đảng chính trị nào đại diện cho giới lao động lâu bền và nhất quán, như kiểu Đảng Lao động ở Anh hay Đảng Xã hội dân chủ Đức. Văn hóa Mỹ coi trọng tự do cá nhân và tự do kinh doanh, ngần ngại trước mọi nỗ lực quản lý của nhà nước, cũng cần được nhắc tới.Đấu tranh phi truyền thốngTuy nhiên, với thời hiện đại, tổn thất lớn nhất với các công đoàn lao động ở Mỹ là những thay đổi đảo lộn đã diễn ra với nền kinh tế và sản xuất toàn cầu trong giai đoạn nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.Các công nghệ và chuỗi sản xuất mới khiến nhiều công ty ở các nước phát triển có thể sản xuất hàng hóa với chi phí thấp hơn nhiều ở những nhà máy cách xa quê nhà của họ. Điều đó khiến có ít công nhân hơn làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo - cũng thường là lĩnh vực công đoàn hóa mạnh nhất.Những lực tác động này giải thích cho sự suy yếu cả về lượng và chất của các công đoàn ở Mỹ. Đó cũng là vấn đề Steven Greenhouse, nhà báo lĩnh vực lao động và việc làm đã viết 19 năm cho tờ The New York Times, đề cập trong cuốn sách mới của ông, Beaten Down, Worked Up: The Past, Present, and Future of American Labor (tạm dịch: Bị áp bức, thất vọng: Quá khứ, hiện tại, và tương lai của người lao động Mỹ).Greenhouse là người ủng hộ phong trào lao động và công đoàn, nhưng cũng là một người thực tế. Ông hiểu tình hình đã thay đổi với các công đoàn và người lao động. Đó là lý do khiến phần có lẽ đáng đọc nhất trong cuốn sách của ông nói về những cuộc đấu tranh phi truyền thống, mà ông cho rằng “báo hiệu một con đường hi vọng mới cho người lao động”.Trong những vụ thành công nhất, người lao động thực sự tạo ra thay đổi bằng con đường đấu tranh khác hẳn trước kia. Có thể kể ra cuộc vận động Tranh đấu vì 15 đôla, một phong trào lao động bắt đầu từ các nhân viên cửa hàng thức ăn nhanh ở thành phố New York vào năm 2012, rồi nhanh chóng lan ra toàn quốc.Cuộc đấu tranh cho thấy người lao động không cần một công đoàn để đòi mức lương tốt hơn. Họ thậm chí còn không cần chủ lao động phải ngồi xuống thương lượng. Lúc đầu, các nhân viên của McDonald’s đã thử con đường truyền thống: Họ gặp gỡ những lãnh đạo của Công đoàn quốc tế công nhân ngành dịch vụ (SEIU) và nói muốn lập công đoàn ở McDonald’s.Lúc đó nhân viên của chuỗi cửa hàng vào loại lớn nhất thế giới này đang kiếm được 7,25 đôla một giờ và mục tiêu của họ là nâng mức đó lên 15 đôla, cùng một số phúc lợi khác. Họ tổ chức biểu tình và tuần hành một ngày với sự tham dự của 200 người ở thành phố New York. Đến tháng 12-2012, đình công của nhân viên McDonald’s đã diễn ra ở hơn 100 thành phố khắp nước Mỹ.Tuy nhiên, McDonald’s vẫn từ chối thương lượng hay công nhận công đoàn của các nhân viên. Cuộc đấu tranh tưởng chừng bế tắc thì vào năm 2014, thành phố Seattle thông qua mức lương tối thiểu 15 đôla, trong một cuộc chiến về lương tối thiểu lớn hơn.Phong trào Tranh đấu vì 15 đôla bỗng nhìn thấy một con đường mới: Không gây áp lực với McDonald’s nữa; họ chuyển sang đấu tranh với chính quyền, ở từng thành phố một, bắt tay với các công đoàn, cộng đồng, người nhập cư, các nhóm cấp tiến, qua các phương tiện mạng xã hội, báo chí địa phương, và cả phát tờ rơi. Greenhouse nhấn mạnh rằng lúc này, họ không còn chiến đấu một mình.Danh sách các thành phố lớn với quyền tự trị rộng rãi ở Mỹ thông qua mức lương tối thiểu tương đương 15 đôla một giờ ngày càng nhiều lên: Chicago, Los Angeles, San Francisco, Minneapolis, phần lớn bang New York, rồi California, Massachusetts, New Jersey...Cho tới cuối cùng, các nhân viên của McDonald’s vẫn không thể tổ chức công đoàn của họ, nhưng họ vẫn chiến thắng, một chiến thắng thậm chí còn vang dội hơn. Greenhouse dẫn lời chủ tịch SEIU Mary Kay Henry nói phong trào Tranh đấu vì 15 đôla đã giúp nâng lương, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho 22 triệu người lao động Mỹ, không chỉ trong ngành thức ăn nhanh.Không bao giờ hành động một mìnhTừ câu chuyện đó, một góc dễ thấy khác của các tổ chức lao động tập thể hiện đại là họ không còn sự xa xỉ có thể tự mình làm hết mọi chuyện nữa. Một ví dụ là Liên minh Kinh tế mới Los Angeles (LAANE), một tổ chức công đoàn non trẻ được thành lập từ đầu những năm 1990 với cương lĩnh không bao giờ hành động một mình.LAANE đã buộc được giới đầu tư bất động sản trả mức lương “đủ sống” cho người lao động và không chống lại việc họ gia nhập công đoàn. Thắng lợi này có được nhờ sự hợp tác với những tổ chức khác: người lao động ngoài LAANE, các lãnh đạo cộng đồng, chính trị gia địa phương, học trò và người đã về hưu.Ngạc nhiên lớn nhất của phong trào lao động Mỹ những năm gần đây có lẽ là cuộc đình công của giáo viên năm 2018. Phong trào bắt đầu ở West Virginia, nơi giáo viên nổi giận vì việc tăng phí bảo hiểm y tế liên tục khiến mức lương đã eo hẹp của họ càng ít ỏi hơn.Luật của bang West Virginia không cho phép giáo viên thương lượng tập thể hay đình công, nhưng họ vẫn vận động qua mạng xã hội và quyết định đình công bất hợp pháp, đòi tăng lương 5%. Họ đã chiến thắng sau chín ngày đình công - và tạo cảm hứng cho các giáo viên đang phẫn nộ trên khắp cả nước, ở Oklahoma, Arizona, Kentucky, Colorado và North Carolina.Giống như nhiều hoạt động khác đã phải thay đổi, tương lai của việc tổ chức lao động có thể không nằm ở cách làm truyền thống gắn với những công đoàn của thế kỷ 20. Tương lai, theo Greenhouse, có thể là các ngành nghề, vốn ngày càng phân mảng, sẽ thiết lập những tổ chức có tính tiêu chuẩn của riêng họ, một kiểu “trung tâm lao động” thay cho các công đoàn truyền thống.Những tổ chức kiểu này, phải là phi lợi nhuận, không tham gia vào các cuộc thương lượng tập thể hay đấu tranh kiểu truyền thống mà chuyển sang hỗ trợ công nhân bằng những cách khác: hỗ trợ pháp lý để đòi lương và giờ nghỉ theo pháp luật chung, vận động ở quy mô địa phương lẫn nhà nước, tổ chức các điều kiện làm việc tốt hơn, triển khai các chiến dịch hiệp đồng trên mạng xã hội...Nhìn xa hơn, Greenhouse đánh đồng các công đoàn lao động mạnh mẽ, hiện đại và hiệu quả, với chính nền dân chủ. Ông nhìn nhận từ phong trào đòi quyền cho người lao động, xã hội còn có thể đạt được rất nhiều điều lớn lao hơn.Cụ thể, phong trào công đoàn có thể “cổ xúy cho bảo hiểm y tế toàn dân, giáo dục phổ thông công lập chất lượng và miễn phí, đại học công lập miễn phí, các vị trí học nghề tốt hơn và nhiều hơn, mở rộng thời gian nghỉ thai sản được hưởng lương, một hệ thống thuế công bằng hơn, nhà ở giá phải chăng, giao thông công cộng, nước và không khí sạch”.Trong hoàn cảnh hiện tại, đó là một danh sách những thành tựu quá dài đậm màu không tưởng. Nhưng một thực tế không thể chối cãi là những vấn đề lao động gắn bó chặt chẽ với tất cả những vấn đề khác của xã hội, và bởi thế, định hình lại tổ chức công đoàn cũng là định hình lại cả xã hội. ■Báo cáo công bố tháng 6-2019 do Cục Hoạt động vì người lao động thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Cơ quan Phát triển công đoàn Đan Mạch cùng thực hiện cho thấy việc tổ chức lao động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức đang bùng nổ có thể định nghĩa lại các công đoàn của tương lai.Báo cáo chỉ ra sáu thách thức chính với việc tổ chức phong trào lao động trong nền kinh tế phi chính thức: người tổ chức, cách thức tổ chức, pháp luật và tư cách đại diện, cấu trúc tổ chức, dịch vụ và lợi ích, và tính dân chủ trong kiểu công đoàn mới. Một báo cáo khác của ILO cho biết lĩnh vực kinh tế phi chính thức sử dụng 85,8% lực lượng lao động ở châu Phi và 68,2% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.Vào thời hoàng kim, vũ khí mạnh nhất của công đoàn là các cuộc đình công. Tuy nhiên, ngày nay đó không còn là cách thức đấu tranh hiệu quả nhất nữa. Từ năm 2010 tới 2017, ở Mỹ có không tới 13 cuộc đình công lớn (được định nghĩa là có sự tham gia của hơn 1.000 công nhân) trung bình mỗi năm trong khu vực tư nhân, chỉ bằng khoảng 1/6 tổng số cuộc đình công lớn hàng năm những năm 1980 (83) và 1/20 con số tương tự những năm 1970 (288). Tags: ZoomFestivalConcertILOTổ chức Lao động quốc tế
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.