26/05/2020 10:06 GMT+7

Tương lai của con, ánh sáng đời cha mẹ

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Cuộc sống mưu sinh vốn đã rất khó khăn, mùa dịch bệnh, công việc đình trệ, kiếm tiền sinh nhai lại càng chật vật, nhất là công nhân, người đi làm thuê, bán vé số... Con em của họ cũng chịu chung số phận rau cháo qua ngày.

Tương lai của con, ánh sáng đời cha mẹ - Ảnh 1.

Sau giờ học, Thông đi bán vé số cùng cha - Ảnh: T.TRANG

Căn nhà lụp xụp ở một con hẻm sâu ven bờ kè Mạc Thiên Tích, phường Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều (TP Cần Thơ) của gia đình Trương Trí Thông, lớp 9A2 Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, được che tạm bợ, những mảnh ván chắp ghép lại làm chỗ ngủ, cũng là chỗ ngồi.

Khốn khó vẫn phải học

Tài sản vô giá của đôi vợ chồng mù bán vé số chính là đứa con gương mặt sáng sủa, điển trai. Cha Thông, ông Trương Văn Bỉnh kể: "Tui bị mù từ năm lên 3 tuổi, sống trong tối tăm nhiều khi cũng mặc cảm thân phận lắm. Nhưng từ khi có mẹ thằng Thông bầu bạn, sinh ra nó, tui thấy giờ cuộc sống có mục đích và ý nghĩa hơn".

Hai vợ chồng ông bán vé số mưu sinh từ khi cưới nhau, khi sinh Thông thì ẵm theo vì không ai trông coi. "Trời sinh trời nuôi hay sao đó cô ơi, lần mò riết cũng nuôi được nó, bây giờ nhờ nó được hết rồi" - ông Bỉnh nói. 

Về phần Thông, sáng học thì chiều Thông rong ruổi cùng ba đi bán vé số, 11 tuổi nhưng có thể giúp cha mẹ làm mọi việc từ nấu ăn đến giặt giũ quần áo. 

Cha Thông nói thấy con cực khổ theo mình cũng tội lắm, nhưng dẫu sao từ ngày có Thông theo, ông đỡ bị giật vé số và gạt tiền.

"Mấy tháng dịch vừa rồi, cả nhà tôi xấc bấc xang bang luôn đó chớ. Hồi đi bán còn kiếm được một hai trăm ngàn một ngày, giờ gạo còn phải đi xin, còn thiếu nợ mấy tháng tiền nước, điện thì tui nói thằng Thông đừng xài luôn" - ông Bỉnh than.

Thông chia sẻ: "Dù khó khăn đến mấy mình cũng không bỏ học, mình rất thích học, cha mẹ luôn nói học đi để không khổ cực như cha". 

Chị Nguyễn Lâm Hằng Phượng, tổng phụ trách Đội Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, cho biết hiện phong trào Đội có mô hình trồng rau sạch, đó là ý tưởng của Thông. 

"Vườn rau do chính tay học sinh chăm sóc và thu hoạch. Sau đó bán rau lấy tiền gây quỹ cho các bạn nghèo. Mặc dù rau không đủ tốt nhưng mấy thầy cô ở trường đều mua ủng hộ hết mình" - chị Hằng Phượng nói.

Tương lai của con, ánh sáng đời cha mẹ - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, người cô, cưu mang Thư như con ruột - Ảnh: T.TRANG

Cô nữ sinh mơ làm bác sĩ

Nghe kể về cuộc sống của Nguyễn Ngọc Minh Thư, lớp 9A5 Trường THCS&THPT Thới Thuận, Q.Thốt Nốt (TP Cần Thơ), khiến ai cũng phải chạnh lòng: Năm lên 3 tuổi mẹ mất do bị bệnh gan, vài tháng sau ba bị té sông chết đuối. Cô ruột đưa Thư về nhà nuôi dưỡng trong khi gia đình cô cũng rất khó khăn vì vừa nuôi 6 người con, chồng cô thì bị tai biến nằm một chỗ.

Càng nghèo khó, Thư càng vươn lên trong học tập, 9 năm liền Thư đều là học sinh xuất sắc đứng đầu khối ở trường. 

Cô Trần Ngọc Thể, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A5, nói: "Thư biết tự vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực học tập, lại đứng nhất khối, khiến tôi hết sức cảm phục nghị lực của em". 

Hiện Thư đang nằm trong đội tuyển học sinh giỏi văn của thành phố. Thư bùi ngùi: "Ba mẹ mất sớm quá, em không nhớ nổi mặt ba mẹ như thế nào, chỉ nhìn qua hình và biết qua lời kể của cô ruột. Thấy cô cực khổ để lo cho cả nhà, em chỉ mong mình nhanh lớn một chút".

Học một buổi, buổi còn lại Thư đi phụ rửa chén ở một quán bún gần nhà, mỗi ngày được trả tiền công 50.000 đồng. Nhưng quán bún cũng nghỉ từ mấy tháng nay do dịch bệnh, Thư thất thu. 

"Cũng may nhà máy xay gạo gần trường em không đóng cửa, em giấu cô tới đó xin làm, chỉ là đong gạo mỗi bao 25 ký rồi sắp ngay ngắn lên băng chuyền thôi. Nhiều người luân phiên nhau nên đỡ mất sức. Mỗi ngày công được 75.000 đồng, nhưng mấy nay cô biết la em quá trời. Chưa biết tính sao" - Thư than.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, cô ruột của Thư, kể hồi ba mẹ Thư mất, nhiều người ngỏ ý xin Thư về làm con nuôi. 

"Tui nhất quyết không cho, có đói khổ tui cũng ráng nuôi cháu tui, nó sáng dạ thì cho nó học chữ, không thì tui cũng ráng cho nó học nghề. Tui thương nó như con ruột vậy" - bà Nga móm mém nói.

Ở tuổi 60, một mình bà Nga vẫn gồng gánh đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy, hàm răng hư hết cũng không có tiền đi chữa. 

"Không biết sao học văn nhưng em rất thích làm bác sĩ, mẹ em vì bệnh mà không có tiền nên mới mất, đến dượng em cũng vậy, bản thân cô cũng đau yếu hoài mà toàn phải uống thuốc nam cầm cự. Không biết tới đó em có tiền học không nhưng nhất định em phải thi ngành bác sĩ" - Thư tâm sự.

150 HSSV bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nhận học bổng

Hôm nay, 26-5, tại hội trường ĐH Nam Cần Thơ, báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn Cần Thơ tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 150 học sinh, sinh viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Đây là điểm trao đầu tiên của học bổng dành cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng dịch COVID-19, đặc biệt là con em lực lượng tham gia tuyến đầu phòng chống dịch có hoàn cảnh khó khăn thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 502 của báo Tuổi Trẻ.

Học bổng cho học sinh THCS, THPT trị giá 1,5 triệu đồng/suất và sinh viên là 3 triệu đồng/suất cùng quà tặng.

Sau lễ trao tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chương trình còn tiếp tục đến với hơn 550 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tại các khu vực: Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc đến ngày 7-6-2020.

Tổng kinh phí học bổng khoảng 2,2 tỉ đồng được trích từ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" do báo Tuổi Trẻ và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động.

T.O.

700 suất học bổng 700 suất học bổng 'Tiếp sức đến trường' đặc biệt mùa COVID-19

TTO - Học bổng được thực hiện tại bốn khu vực gồm học sinh - sinh viên các tỉnh ĐBSCL đang học tại TP Cần Thơ, Đông Nam Bộ đang học tại TP.HCM, miền Trung đang học tại TP Đà Nẵng và miền Bắc đang học tại TP Hà Nội.

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên