Theo Công ty phân tích bất động sản Green Street, xu hướng làm việc từ xa đã tạo ra một "hố đen" trên thị trường bất động sản văn phòng ở Mỹ, đẩy nhu cầu giảm mạnh xuống thấp hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19.
Green Street cho biết ngoài nhu cầu giảm do xu hướng làm việc tại nhà, thị trường bất động sản văn phòng còn phải đối mặt với những trở ngại khi các công ty ngày càng cân nhắc kỹ hơn về chi phí này.
Theo đó, thị trường bất động sản văn phòng đã trải qua 4 năm trì trệ nhất từ trước tới nay.
Diện tích văn phòng bị bỏ trống, kể từ năm 2019, đã vượt qua con số được ghi nhận trong thời kỳ bong bóng dot-com (sự kiện kinh tế tài chính nổi bật những năm 2000, khi toàn thế giới chứng kiến sự sụp đổ không phanh của các công ty công nghệ) và "lấn át" cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Diện tích văn phòng sẵn có chiếm khoảng 25% nguồn cung tính đến cuối năm 2023, ghi dấu mức cao lịch sử.
Để công suất sử dụng văn phòng ở Mỹ quay trở lại mức trước đại dịch, phải mất 5 năm dựa trên những giả định đầy tham vọng, chẳng hạn tỉ lệ hấp thụ nguồn cung mới ngang bằng với năm 2019, khi triển vọng kinh tế và tăng trưởng việc làm mạnh mẽ sẽ khiến nhu cầu tốt hơn.
Trước đó, phát biểu tại hội thảo bất động sản MIPIM ở Pháp, đối tác quản lý các thị trường vốn cho lĩnh vực bất động sản của Brookfield Asset Management, Bradley Weismiller, nhận định thị trường văn phòng Mỹ hiện dư cung nhiều nhất thế giới nếu tính theo đầu người, và các nhà đầu tư bất động sản đang nợ nần quá nhiều.
Xu hướng leo thang của lãi suất kể từ năm 2022 và sự gia tăng số người làm việc từ xa đã khiến nhiều văn phòng ở Mỹ trở nên trống rỗng, kéo giá bất động sản lao đốc.
Tỉ lệ văn phòng trống tại Mỹ, ở mức khoảng 20% ở nhiều thành phố, cao hơn nhiều so với châu Âu. Những lo ngại về "sức khỏe" của các ngân hàng đã khiến giá cổ phiếu của một số ngân hàng khu vực giảm trong năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận