26/04/2014 01:01 GMT+7

Tướng Indonesia lao đao vì... đồng hồ

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Một viên tướng Indonesia mới đây đã đập đồng hồ đeo tay của mình xuống đất trước mặt báo giới để chứng minh mình xài đồ dỏm.

eFv3JB8t.jpg
Tướng Moeldoko phân trần chiếc đồng hồ chỉ là hàng nhái - Ảnh: AFP

Hôm 22-4, một trang tin của Singapore đăng bài viết liên quan đến tướng Moeldoko, tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, khiến dư luận chú ý. Bài viết đăng bức ảnh viên tướng này đeo chiếc đồng hồ hiệu Richard Mille RM 011 mà giá trị của nó lên tới 100.000 USD. Theo The Jakarta Globe, chỉ có 45 chiếc cùng loại được sản xuất cho khu vực châu Á.

Trang tin này còn tìm lại các bức ảnh khác của tướng Moeldoko đeo những chiếc đồng hồ khác mà trị giá không hề nhỏ, cỡ vài chục ngàn USD. Dư luận Indonesia bắt đầu dậy sóng.

Càng chối, càng lộ

Tướng Moeldoko một mực khẳng định chiếc đồng hồ ông đeo là hàng nhái. Theo The Jakarta Post, vị tướng này giơ đồng hồ ra cho báo giới tại một khách sạn ở Jakarta xem và nói: “Các anh có nghĩ đây là đồ thật không?”. Một phóng viên vặn: “Nhưng trông nó nặng đấy, thưa ngài”.

“Hãy xem đây này, để các anh biết tôi không nói dối” - tướng Moeldoko đập chiếc đồng hồ xuống đất trước mặt các phóng viên để chứng minh đó không phải là đồ trị giá 100.000 USD. Rồi ông để một phóng viên nhặt lên kiểm tra chiếc đồng hồ. Nó vẫn chạy tốt và không trầy xước gì.

Báo Jakarta Globe cho biết Indonesia là một trong những nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tồi tệ nhất thế giới, trong đó việc xử lý vi phạm yếu kém là tác nhân chính.

Hơi bẽ mặt nhưng ông tướng vẫn một mực khẳng định chiếc đồng hồ không đắt đến như vậy và nó là hàng nhái do Trung Quốc sản xuất. Ông còn “khoe” mình có một bộ sưu tập đồng hồ “đểu”. Chiếc RM 011 kể trên, theo lời ông, là hàng nhái cao cấp và có giá chỉ khoảng 5 triệu rupee (430 USD). Truyền thông Indonesia nói chiếc đồng hồ nhái cùng loại bán ở trung tâm Jakarta có giá khoảng 7 triệu rupee (602 USD).

Khi được hỏi liệu việc mua đồng hồ nhái có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không, ông tướng tư lệnh đáp: “Đó không phải là việc của tôi”. Câu chuyện của tướng Moeldoko rẽ sang một hướng mới. Các chuyên gia luật Indonesia khẳng định với tư cách là một quan chức cấp nhà nước, lẽ ra ông Moeldoko phải tuân thủ luật pháp. “Nếu ông ta biết đó là đồng hồ nhái, ông ta nên báo cho cảnh sát” - chuyên gia luật Frans HH Winarta nói.

Chưa hết, một nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Theo dõi tham nhũng Indonesia, ông Tama S. Langkun, không tin ông Moeldoko đeo đồng hồ nhái. Ông nói dư luận phải đặt câu hỏi về lối sống xa hoa của một tướng lĩnh quân đội.

“Một quan chức sở hữu số lượng lớn đồng hồ đắt tiền cần bị nghi vấn. Quan trọng hơn, liệu ông Moeldoko đã kê khai số đồng hồ này với nhà nước chưa? - ông Langkun đặt câu hỏi - Nhiều người không kê khai phụ kiện xa xỉ bởi nhìn chung nó không đắt như nhà cửa hay xe hơi, nhưng nếu phụ kiện như những thứ mà ông Moeldoko có được trị giá tới cả trăm ngàn USD, chúng nên được kê khai dù là mua hay quà tặng”.

Tiền đâu để mua?

Bài xã luận trên The Jakarta Globe nói các quan chức Indonesia thường thích khoe lối sống giàu có và xa xỉ với việc phô trương những món đồ giá trị lớn trước công chúng.

Bài xã luận viết: “Từ việc lái xe hơi thể thao hào nhoáng, đi giày hiệu, đeo túi hiệu cho đến đồng hồ cao cấp với mức giá không tưởng, họ dường như quên rằng mức lương bình thường của họ không đủ để mua những thứ đó”.

Tờ báo này cho rằng dư luận có quyền đòi hỏi Ủy ban Bài trừ tham nhũng điều tra những quan chức nghi vấn. Báo chí Indonesia lại có dịp lôi ra những vụ việc khác.

Theo The Jakarta Globe, trong một đám cưới gần đây của người nhà thư ký tòa án tối cao, chủ tiệc đã trao cho hàng trăm khách mời quà tặng là... những chiếc iPod. Hay như việc chủ tịch đảng Công lý thịnh vượng Hồi giáo đeo chiếc đồng hồ Rolex trị giá hàng chục triệu rupee, rồi việc một nghị sĩ đảng Dân chủ có những chiếc xe hơi đắt tiền. Cửa hàng Time Place ở Plaza Senayan được mô tả là một trong những nơi các ông bà nghị sĩ hay lui tới. Quản lý cửa hàng này nói các quan chức thường trả bằng tiền mặt, không mấy ai trả bằng thẻ hay chuyển khoản cả.

Chuyên gia Yunarto Wijaya thuộc Công ty tư vấn Charta Politika nói việc quan chức khoe sự giàu có nơi công cộng chẳng phải là mới và cũng không đáng phản đối nếu như năng lực làm việc của họ không tồi tệ. Chính vì năng lực của họ không làm hài lòng nhiều người nên việc họ khoe của sẽ bị để ý. Ông Yunarto cũng nói lối sống xa hoa của quan chức không phù hợp ở một nơi mà phần lớn người dân vẫn sống ở mức nghèo khổ hoặc dưới nghèo khổ.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên