Bộ đội Trường Sơn là phải luôn luôn nghĩ rằng mình làm được khi người khác không làm được. Không được phép nói "không làm được"
Tư lệnh
Mở đầu những ký ức về Trường Sơn, về vị tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể ông "chính thức vào Trường Sơn từ tháng 11-1968, từ đó tiếp tục thi công đường ống trên Trường Sơn đến tận Bù Gia Mập (Bình Phước) cho đến hết chiến tranh".
Thuộc quân số Đoàn 559 nhưng khi đó ông đang là kỹ sư tập sự sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỏ - địa chất, chưa phải là sĩ quan.
Không nghĩ ra cách làm, không phải lính Trường Sơn
"Khi đó tôi 22 tuổi, còn quá 'nhỏ' để được gặp Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên, ngoài những lần 'diện kiến' ông trong các hội nghị, sự kiện liên quan. Nhưng sau này qua tiếp xúc, tôi cũng như hầu hết sĩ quan Đoàn 559 đều cảm nhận ông không chỉ xông xáo mà còn sâu sát và rất tình người.
Kỷ niệm mà chúng tôi thấm thía nhất và là bài học theo suốt cả đời là việc làm cầu treo vượt suối khi thi công tuyến đường ống xăng dầu phía đông Trường Sơn từ Quảng Trị sang Lào" - ông Hậu kể lại.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đọc bài báo về vị tư lệnh của mình ở Trường Sơn - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Khu vực đường ống đi qua gần sông Ba Lòng có địa hình rất phức tạp. Con suối trên đỉnh núi Đá Bàn trên bản đồ chỉ là đường kẻ bình thường nhưng khi khảo sát lại cực kỳ hiểm trở. Suối nằm sâu hun hút, hai bên bờ là vách đá dựng đứng sâu 30m.
"Lúc khảo sát, tôi nói làm đường ống qua đây vất vả lắm. Thiếu tá Nguyễn Phúc Môn lúc đó là kỹ sư phụ trách thi công đường ống tại đây cũng nói không có cách nào, phải làm cầu treo.
Vốn là người rất tâm huyết với kỹ thuật, anh muốn làm cầu treo bằng dây cáp để đặt ống vượt suối cho đảm bảo chắc chắn, an toàn. Tính toán sơ bộ cần 250m dây cáp loại 12mm" - ông Hậu kể.
Sau khi thống nhất phương án, kỹ sư Môn cùng chính ủy Trung đoàn công binh 671 lên gặp tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào tối muộn. Dù chuẩn bị đi ngủ nhưng tư lệnh vẫn tiếp hai người.
Chính ủy Phan Ninh nói suối có vách đá dựng đứng, không thể đi ống xuống 30m, đi ngang suối rồi lại đi ngược lên 30m. Vừa khó khăn trong thi công vừa dễ bị nước lũ cuốn gãy ống. Cách tốt nhất là bắc cầu treo dài khoảng 100m vượt qua suối.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra tuyến đường ống cung cấp xăng dầu cho Trường Sơn năm 1968 - Ảnh tư liệu
Thi công đường ống xăng dầu ở Trường Sơn - Ảnh tư liệu
"Kỹ sư Môn báo cáo tư lệnh để làm cầu treo phải có dây cáp, nhưng không thể kiếm ra. Ngay với công binh làm cầu treo cho ôtô trên Trường Sơn, dây cáp cũng là thứ vô cùng hiếm hoi. Không có cáp dành cho bộ đội đường ống nên không làm cầu treo được" - ông Hậu thuật lại.
Tư lệnh nói luôn: "Bộ đội Trường Sơn là phải luôn luôn nghĩ rằng mình làm được khi người khác không làm được. Anh có biết bộ đội Điện Biên kéo pháo bằng gì không?".
Anh Môn trả lời: "Báo cáo thủ trưởng, kéo bằng thừng, dây chão".
Tư lệnh bảo: "Không phải. Kéo bằng dây cóc mẳn (một loại cây thân leo) lấy trên rừng ấy". Ông giải thích thêm đúng là bộ đội Điện Biên kéo pháo bằng dây thừng. Nhưng không phải lúc nào cũng có đủ dây thừng nên phải lấy dây rừng, song, mây, dây cóc mẳn để kéo.
Rồi ông chất vấn: "Ở Trường Sơn này, chẳng lẽ anh không tìm được cái gì để thay thế dây cáp bằng thép à? Nếu các anh không nghĩ ra được cách làm thì không phải lính Trường Sơn".
Chính ủy Phan Ninh và kỹ sư Môn toát mồ hôi. Rồi anh Môn nói: "Báo cáo thủ trưởng, làm cáp bằng song, mây cũng được nhưng sẽ bị mưa gió làm mục, đứt hỏng đường ống, nếu xảy ra hỏa hoạn cũng đứt ngay".
Nghe vậy, tư lệnh chú ý rồi dịu giọng: "Nhưng kiếm đâu ra dây cáp bây giờ. Tôi chỉ có dây thép 3mm của bên thông tin, cậu có làm được không. Tôi nhắc lại, bộ đội Trường Sơn, nhất là kỹ sư ở Trường Sơn, không bao giờ nói khó không làm được".
Hệ thống đường ống xăng dầu trên đường Trường Sơn giai đoạn 1973-1975 - Nguồn: Ban liên lạc truyền thống ngành xăng dầu quân đội
"Nghe gợi ý của tư lệnh, anh Môn gợi ý với dây thông tin có thể bện thành cáp treo đường ống được. Tư lệnh giao thông tin cấp dây ngay hôm sau để anh em tính toán bện các sợi dây thành cáp treo đường ống vượt suối.
Lúc đó, tôi công tác ở tuyến đường ống khác nhưng có dặn anh em khi bện các dây thông tin lại phải đảm bảo tất cả các sợi cùng chịu lực, nếu không đường ống sẽ kéo đứt từng sợi một. Anh Môn đã tính toán và làm thành công. Cầu treo này tồn tại cho đến hết chiến tranh.
Sau này, nhiều lần gặp tôi, anh bảo đó là kỷ niệm rất sâu sắc và luôn nhớ câu tư lệnh nói 'bộ đội Trường Sơn không được phép nói không làm được'.
Tính tư lệnh là thế. Vừa nghiêm khắc nhưng vừa biết khích lệ lòng tự trọng, tự hào của người lính và lắng nghe trình bày, hỗ trợ để họ hoàn thành nhiệm vụ" - ông Hậu kể lại.
Đường ống cung cấp xăng dầu cho các phương tiện chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Nữ chiến sĩ lắp đường ống trên Trường Sơn - Ảnh tư liệu
"Hình ảnh mà những người lính Trường Sơn từng tiếp xúc với tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên như chúng tôi vẫn chưa phai mờ là ông bị viêm xoang nặng. Chỉ nói khoảng hai câu lại đưa tay úp vào mặt, khịt mũi để chống chọi cơn đau.
Năm 1974, tư lệnh mới 51 tuổi nhưng chiến trường gian khổ, thiếu thốn khiến ông trông già nua, khắc khổ. Mỗi khi thấy ông úp tay che mặt gắng gượng qua cơn đau giữa lúc đang phát biểu, cả hội trường cứ lặng đi, có khi đến cả phút để chờ ông qua cơn đau"
Thiếu tướng HỒ SỸ HẬU
Bất cứ ai làm được, giúp được đường ống đều phải thực hiện
Đầu năm 1975, khi tuyến đã tới Đắk Lắk để vào Nam chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh thì xảy ra sự cố, xăng bơm từ bờ bắc không qua được bờ nam sông Sêrêpôk.
Nghe báo cáo không xác định được nguyên nhân, tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo ngay: "Trung đoàn không giải quyết được sự cố thì Bộ chỉ huy Đoàn 559 phải cử cán bộ nào chắc chắn, đảm bảo khắc phục được thì đưa vào hỗ trợ".
"Lúc đó tôi đang làm phó Ban thiết kế thi công, Cục xăng dầu 559 đóng ở Quảng Trị. Cục trưởng Cục Xăng dầu 559 Nguyễn Đàm báo cáo tư lệnh cử tôi vào. Tư lệnh đồng ý và yêu cầu cử thêm một cục phó đi cùng để 'có cái gì thì giúp nó. Nó nói cái gì mà người ta không nghe thì cục phó nói họ sẽ nghe'.
Thời điểm này, tư lệnh rất ráo riết vì ta sắp mở màn chiến dịch" - ông Hậu kể ông và cục phó Trần Danh Hòa nhận lệnh cấp tốc xuất phát từ Quảng Trị bằng ôtô.
Bộ đội thi công đường ống vượt sông - Ảnh tư liệu
Thi công đường ống qua suối - Ảnh tư liệu
Ông Hậu còn nhớ đến nơi thấy nước sông Sêrêpôk vẫn cuồn cuộn chảy xiết do lũ tiểu mãn, đường ống đặt ngầm dưới nước rung rung 2 đầu. Áp tai vào ống nghe tiếng va vào đá dưới sông kịch kịch. Dùng máy bơm thử nước từ bờ bắc sang bờ nam thì thấy nước trong ống tụt rất nhanh lúc dừng bơm.
"Tôi nghi ống bị va vào đá vỡ nhưng mọi người bảo mấy hôm nay không thấy váng xăng nổi lên. May lúc đó có anh em báo về phát hiện nhiều cá chết ở khúc sông phía dưới, cách đường ống 2km.
Hóa ra nước cuốn mạnh làm ống bị thủng khi va vào đá dưới lòng sông. Nhưng vị trí thủng khiến xăng chảy ra với lượng vừa đủ để không nổi lên được ngay dưới áp lực dòng nước chảy xiết. Nước chảy qua khúc sông cong phía dưới xăng mới nổi lên làm chết cá.
Tổng cộng 240m3 xăng bị thất thoát vì sự cố này" - ông Hậu nhớ lại.
Lúc này là tháng 1-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh sắp mở màn, nên khi báo cáo nguyên nhân, tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo bất cứ ai làm được, giúp được gì bộ đội đường ống khắc phục sự cố đều phải thực hiện.
“Xác định phải làm cầu treo đưa ống vượt sông nhưng khi ấy chúng tôi không có gì để làm. Rất may có tiểu đoàn công binh cầu phà đóng cạnh đó hỗ trợ.
Họ cho mấy đoạn thép xây dựng đường kính 6mm cong queo do bom đánh để chúng tôi mang về duỗi thẳng bện thành 2 dây cáp, mỗi dây gồm 3 sợi thép 6mm, liên kết ngang với nhau bằng dây thép làm thành cầu treo.
Các cán bộ kỹ thuật của tiểu đoàn công binh cũng phối hợp tính toán thiết kế và hỗ trợ thuyền, tời để làm cầu treo đặt đường ống vượt sông.
Đến ngày 14-3-1975, tuyến đường ống đưa xăng tới kho Bù Gia Mập kịp phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh" - ông Hậu kể.
Đường ống dẫn xăng dầu đã kịp thời phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 - Ảnh tư liệu
Vận hành trạm bơm đường ống xăng dầu Trường Sơn - Ảnh tư liệu
Theo thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, hiểu rõ vai trò vận tải bằng ôtô trên đường Hồ Chí Minh nên tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên biết tầm quan trọng của xăng dầu, vì thế ông luôn sốt sắng, ưu tiên mọi thứ để đảm bảo đường ống vận hành thông suốt.
Tại cuộc họp về công tác xăng dầu đầu mùa khô 1974-1975, tư lệnh khẳng định: "Đường ống là một mũi tiến công vô cùng lợi hại. Đường ống trên tuyến chi viện chiến lược là để đáp ứng những yêu cầu chiến lược, là để tạo thế chiến lược, là để giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược".
Với nhận thức vậy nên trong quá trình thi công đường ống xăng dầu trên Trường Sơn dài tổng cộng 1.399km từ tháng 6-1968 đến tháng 3-1975, tư lệnh luôn ủng hộ, quan tâm sát sao.
Ngày 22-12-1969, tại lễ khánh thành tuyến đường ống xăng dầu từ kho K200 (Km 21, đường 18) vào kho K5 (Bản Cò, Xanavakhet, Lào), đích thân tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến dự và cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã không tiếc xương máu làm tuyến đường ống lịch sử.
"Sự có mặt của ông ở trọng điểm mà B52 đánh bom phá (đường ống) liên tục 3 tháng trời trước đó khiến chúng tôi rất xúc động, bởi 50km đường ống này đều vác trên vai chiến sĩ, trung bình mỗi km có 2 người hi sinh" - ông Hậu nhớ lại những ngày cõng các đồng đội bị thương, hi sinh khi thi công đường ống trên trọng điểm.
Bia kỷ niệm tổng kho xăng dầu tại Lộc Quang, Lộc Ninh, Bình Phước - Ảnh: Ban liên lạc truyền thống ngành xăng dầu quân đội
Sơ đồ toàn tuyến đường ống xăng dầu từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Bình Phước - Nguồn: Ban liên lạc truyền thống ngành xăng dầu quân đội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận