KTS Phạm Thanh Tùng - chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết.
1. Khoảng 15 năm trở lại đây, phong trào lập dự án xây dựng tượng đài, biểu tượng nở rộ trên khắp cả nước. Đặc biệt là các tượng đài càng có xu hướng hoành tráng, cao to với vốn đầu tư rất lớn từ vài chục đến cả ngàn tỉ đồng!
Việt Nam vốn không có truyền thống làm tượng đài mà chỉ có tượng thờ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài bắt đầu du nhập vào Việt Nam theo xu hướng tượng đài của Liên Xô và Trung Quốc để phục vụ công tác tuyên truyền, vinh danh chiến thắng.
Tượng đài giai đoạn này được sáng tác theo trường phái biểu hiện, quy mô - khối tích nhỏ, vừa phải, giản dị, không cầu kỳ, khoa trương.
2. Việt Nam là nước nghèo nhưng lại xây dựng nhiều tượng đài trong một thời gian ngắn là điều không bình thường so với nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên trong hàng trăm tượng đài được xây dựng kia, liệu có bao nhiêu tượng đài được gọi là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, là điểm nhấn của đô thị và có tác dụng tuyên truyền, nâng cao thẩm mỹ cho nhân dân. Tại sao vậy?
- Thứ nhất, chúng ta tuy có một đội ngũ họa sĩ, điêu khắc gia đông đảo, nhưng người có kinh nghiệm, chuyên sáng tác thể loại này lại không nhiều, càng hiếm có tài năng.
- Thứ hai, nhiều vị trí đặt tượng đài không phù hợp với cảnh quan kiến trúc đô thị bởi sự thiếu kết hợp trong lập quy hoạch xây dựng với chủ trương xây dựng tượng đài. Chất lượng xây dựng tượng đài rất kém do thi công ẩu, thất thoát lãng phí vật tư, công nghệ chế tác hiện đại không có.
Và cuối cùng, việc quyết định chủ trương xây dựng tượng đài thường theo ý chí chủ quan của lãnh đạo, mà không xuất phát từ ý nguyện của cộng đồng, khả năng kinh tế.
Gần đây, dự án tháp Thái Bình (cao 126m, vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng) hay cổng tỉnh Quảng Ninh bằng thép (cao từ 38-43m, vốn đầu tư 198 tỉ đồng), rồi dự án xây dựng tượng đài có vốn đề nghị lên tới 1.400 tỉ của tỉnh Sơn La làm xôn xao dư luận là những ví dụ sinh động.
Thậm chí tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam là công trình điêu khắc đã được trao giải vàng tại triển lãm mỹ thuật quốc gia 2015, cũng không tránh khỏi những băn khoăn của xã hội về quy mô và nguồn đầu tư, trong khi đời sống của hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam và trên cả nước còn khó khăn dù được Nhà nước quan tâm.
3. Ở nước ta phần lớn tượng đài được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Và việc xây dựng tượng đài lại cũng đang bị biến tướng thành những dự án quy hoạch kiến trúc “ăn theo” rất hoành tráng, và tất nhiên kèm theo đó là số tiền đầu tư ngày càng lớn.
Nước ta còn nghèo, nhiều địa phương còn khó khăn, việc xây dựng tượng đài... dù dưới hình thức gì cũng cần được cấp quản lý xem xét kỹ lưỡng.
Hiện đang có xu hướng xã hội hóa trong xây dựng tượng đài. Song, dù tiền nhà nước hay tiền có được từ việc xã hội hóa thì cũng là tiền của dân. Xây dựng tượng đài tràn lan không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn làm nghèo thêm văn hóa.
Hiện ngành văn hóa vẫn chưa có thống kê cụ thể xem cả nước có bao nhiêu tượng đài, tổng kinh phí đầu tư xây dựng bao nhiêu. Đây là điều xã hội rất quan tâm. Còn theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, ước tính trên cả nước có hơn 400 tượng đài, với vốn đầu tư từ chục tỉ đến vài trăm tỉ đồng. Đó là chưa tính những dự án tượng đài chuẩn bị xây dựng với vốn đầu tư lên đến hơn ngàn tỉ đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận