18/06/2020 06:04 GMT+7

Tưởng bán hàng qua mạng cho 'Tây' được giá cao, ngờ đâu lừa đảo

THU THỦY
THU THỦY

TTO - Bỗng một ngày có người tự xưng là người nước ngoài hỏi mua hàng. Tưởng bán được giá cao, ai ngờ dính vào thì mất tiền, mất của.

Tưởng bán hàng qua mạng cho Tây được giá cao, ngờ đâu lừa đảo  - Ảnh 1.

Đối tượng mà những người này nhắm tới là người bán hàng online có giá trị lớn.

1. Tháng 3-2020, mẹ anh D.H. (Q.Tân Bình, TP.HCM) phát bệnh ung thư, anh đã rao bán máy ảnh cũ trên một trang thương mại điện tử với giá 13 triệu đồng. Hôm sau, một tài khoản Zalo có tên là "Fred George" tự giới thiệu là người nước ngoài muốn mua hàng. Anh H. chần chừ không bán nhưng tài khoản này đề nghị trả giá cao hơn và sẽ chuyển khoản trước nên anh đồng ý. 

Sau đó, tài khoản này gửi cho anh H. biên lai chuyển khoản 15 triệu đồng, yêu cầu chuyển hàng nhưng tiền chưa vào tài khoản. Tiếp đó, người này lại chuyển tiếp cho anh H. một biên lai chuyển thêm 5 triệu đồng với lý do chuyển tiền quốc tế phải làm tròn số và phải chờ kiểm duyệt của ngân hàng trung gian. 

Họ yêu cầu anh H. chuyển khoản trả lại cho mình 5 triệu đồng vào một tài khoản ở Việt Nam. Anh H. nghi ngờ muốn hủy giao dịch, người này liên tục nhắn "đừng lừa đảo tôi, tôi bị người châu Á lừa đảo quá nhiều" và khăng khăng đã chuyển 20 triệu đồng. 

Vì họ nài nỉ, mình lại đang cần tiền gấp để chữa bệnh cho mẹ, anh H. đã đồng ý chuyển cho người này trước 2 triệu đồng, hẹn khi nào nhận đủ 20 triệu đồng sẽ chuyển trả hết số tiền còn lại. Tuy nhiên, sau khi anh chuyển tiền thì tài khoản này biến mất.

2. Anh N.T.A. (Bình Dương) cũng bị một đối tượng tự xưng là người Mỹ hỏi mua máy ảnh với giá 500 USD, hẹn chuyển khoản trước và yêu cầu anh A. chuyển hàng qua Nigeria. Sau đó, anh A. nhận một email mạo danh ngân hàng Mỹ thông báo số tiền 14 triệu đồng đang bị kẹt trên hệ thống vì quá ít, yêu cầu chuyển thêm tiền để đủ 22 triệu đồng mới được giải quyết hồ sơ. 

Hàng đã gửi đi, anh quyết định chuyển 8 triệu đồng vào tài khoản email cung cấp và không thấy hồi đáp nữa, người mua hàng cũng lặn mất tăm. Thiếu tiền học phí nên phải bán máy ảnh. Bán máy ảnh có 10 triệu, mất 2 triệu tiền giao hàng, bị lừa thêm 8 triệu và máy ảnh cũng mất luôn.

3.  Tôi đã đăng bán nhiều mặt hàng trên một chợ thương mại điện tử cùng nhiều số điện thoại. Chưa đầy 2 tiếng, tài khoản Zalo có tên "Daniel Flores" đã lần lượt nhắn đến các số Zalo của tôi để hỏi mua các món hàng khác nhau. 

Họ dùng những chiêu thức tương tự như gửi email mạo danh ngân hàng có tên là "Bank Of America" thông báo tiền bị kẹt tại ngân hàng, yêu cầu bên bán chuyển tiền vào hệ thống ngân hàng để giải quyết hồ sơ. Sau khi thấy tôi hỏi tới nhiều câu "khó đáp", người này đã nhanh chóng chặn Zalo, cắt đứt liên lạc.

Người quen của tôi ở Q.1, TP.HCM từng là nạn nhân kiểu lừa đảo tương tự từ một người tự xưng là người Anh. Anh đã nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng nhưng được cho biết là khó xác định được đối tượng lừa đảo khi tài khoản Zalo ảo. "Chỉ còn biết lên mạng cảnh báo cho người khác để không như mình thôi" - anh nói.

Hạn chế công khai thông tin tài khoản trên mạng

Đầu tháng 6-2020, Bộ Công an phát cảnh báo đến người bán hàng online cần cảnh giác với các đối tượng tự xưng là người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.

Bộ đề nghị các cá nhân kinh doanh tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng; hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.

Các tài khoản công khai dùng để giao dịch mua bán online cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an đề nghị khi phát hiện hành vi lừa đảo, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết; hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục "Hướng dẫn tố giác tội phạm" của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn).

THẢO LÊ

Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Trung Minh:

Không có ngân hàng nào yêu cầu chuyển tiền phải làm tròn số

Có những đối tượng lừa đảo đã dựng lên những câu chuyện nghe khá phi lý nhưng vẫn lừa được nhiều người. Ví dụ như chuyện chuyển tiền quốc tế phải làm tròn số và yêu cầu người bán chuyển ngược số tiền thừa vào tài khoản tại VN.

Chiêu thức lừa đảo liên tục thay đổi, từ hack Facebook nhờ nạp thẻ điện thoại đến "nhờ" nhận giùm tiền kiều hối bằng cách nhấp vào đường link giả của tổ chức chuyển tiền Western Union, yêu cầu cung cấp mã OTP để đối tượng lừa chiếm tài khoản ngân hàng điện tử nhằm lấy cắp tiền. Mọi người nên tỉnh táo, có thắc mắc nên hỏi người am hiểu, không nên vội vã làm theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.

ÁNH HỒNG ghi

Bắt nhóm giả danh quân nhân Mỹ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 120 tỉ đồng Bắt nhóm giả danh quân nhân Mỹ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 120 tỉ đồng

TTO - Nhóm người Nigeria do Dalaxy Dave (hiện ở tại Campuchia) cầm đầu với thủ đoạn như giả quân nhân Mỹ gửi quà có giá trị về Việt Nam, rủ đầu tư, giả mua hàng online... để lừa tiền, chiếm đoạt tiền của người Việt Nam.

THU THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên