Tướng Nick Carter cho rằng Taliban đã thấy và hiểu rõ những thay đổi ở Afghanistan trong vòng 20 năm qua nên không muốn bị quốc tế cô lập - Ảnh: REUTERS
Các quan điểm cá nhân được tướng Carter đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Đài BBC ngày 18-8. Theo ông Carter, cựu tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã liên lạc với ông và đang chuẩn bị gặp các đại diện Taliban ngay trong ngày 18-8.
Một quan chức Taliban đề nghị giấu tên tiết lộ cựu tổng thống Karzai sẽ gặp ông Anas Haqqani - thủ lĩnh mạng lưới Haqqani của Taliban.
Tham gia cuộc gặp còn có ông Abdullah Abdullah, cựu quan chức của chính quyền Afghanistan từng tham gia các cuộc hòa đàm với Taliban.
"Chúng ta cần phải kiên nhẫn, không nên quá lo lắng mà hãy cho Taliban thời gian để thành lập chính phủ cũng như để chứng minh năng lực", tướng Carter đặt vấn đề trong cuộc phỏng vấn với BBC. "Taliban lần này có thể là một Taliban khác hoàn toàn với Taliban mà mọi người vẫn nhớ từ những năm 1990".
Một quan chức Taliban cho biết các thủ lĩnh của lực lượng này sẽ công khai xuất hiện trước thế giới, không giống như trong 20 năm qua, khi các thủ lĩnh Taliban phần lớn sống trong bí mật.
Hôm 16-8, một thủ lĩnh khác của Taliban cam kết chính quyền mới sẽ bao gồm cả những người "ngoại đạo", người chưa từng phục vụ Taliban.
Các quan chức Taliban khẳng định sẽ đảm bảo các quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, cam đoan họ sẽ được học tập và làm việc nhưng trong khuôn khổ Hồi giáo cho phép.
"Nếu chúng ta cho Taliban thêm thời gian, chúng ta sẽ thấy Taliban của lần này rất biết lý lẽ", tướng Carter nêu quan điểm và chỉ ra cách lực lượng này đang quản lý Kabul.
"Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với các tay súng Taliban, những người đang bảo đảm an ninh trên mặt đất. Họ đã cam đoan giữ trung tâm Kabul ổn định và cho đến nay chúng tôi chưa có báo cáo về việc người dân gặp khó khăn khi đến sân bay", tướng Carter nói thêm về chiến dịch di tản người Anh khỏi Kabul.
Các tay súng Taliban tại một chốt kiểm soát an ninh ở Kabul ngày 17-8 - Ảnh: REUTERS
Quan điểm của tướng Carter vấp phải một số chỉ trích từ những người đã từng chiến đấu tại Afghanistan.
"Mọi người không nên bị dụ dỗ bởi những lời lẽ êm tai của Taliban", ông Charlie Herbert, một cựu thiếu tướng quân đội Anh từng phục vụ tại Afghanistan và cũng từng là cố vấn cấp cao của NATO, nói với Sky News.
"Taliban cần sự công nhận của quốc tế. Họ đã nắm quyền bằng vũ lực và giờ đang khao khát được quốc tế công nhận. Vì lẽ đó, tất nhiên họ phải sử dụng những tuyên bố nghe rất hay, chẳng hạn quyền bình đẳng cho phụ nữ", tướng Herbert lập luận.
Theo ông Herbert, không có bằng chứng nào cho thấy Taliban đã trở nên ôn hòa hơn so với trước đây. "Họ chỉ đang chờ đợi chúng ta rời Kabul và sau đó cuộc tắm máu sẽ bắt đầu mà không có quốc tế hay nhà báo nào chứng kiến", ông nói.
Phụ nữ Afghanistan trở lại trường học
Tại tỉnh Hera, nơi nổi tiếng về thơ ca và nghệ thuật, các trường đại học và trường học cấp phổ thông đã mở cửa lại. Phụ nữ, trẻ em gái và nữ sinh đi lại tự do trên đường phố Herat hoặc chen chúc trong các lớp học chỉ vài ngày sau khi Taliban kiểm soát tỉnh này.
"Chúng tôi muốn tiến bộ như các quốc gia khác. Chúng tôi hy vọng Taliban sẽ duy trì an ninh. Người Afghanistan không muốn chiến tranh, chúng tôi muốn hòa bình trên đất nước mình", nữ sinh viên Roqia nói với Hãng thông tấn AFP ngày 18-8.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận