Không có gì gọi là bảng xếp hạng một số công việc lý tưởng cho tất cả.
Công việc lý tưởng đối với người này có khi lại là "ác mộng" đối với người kia.
Mỗi cá nhân phải tự mình suy xét xem rốt cục thì công việc nào phù hợp nhất với mình (khiến ta yêu thích và muốn gắn bó).
Tìm kiếm công việc lý tưởng
Bạn phải biết mình có những giá trị gì (tài năng, thế mạnh, kinh nghiệm...), mình coi trọng điều gì (điều gì có giá trị với bạn).
Từ đó, bạn đối chiếu vào công việc mình đang làm/định làm xem công việc đó có cung cấp được cho bạn những gì bạn coi trọng, đồng thời công ty có coi trọng giá trị của bạn, cũng như những gì bạn coi trọng hay không.
Nếu hai hệ giá trị "va" nhau, đó chắc chắn không phải là công việc phù hợp với bạn, dù bạn có các kỹ năng để làm công việc đó. Bởi lẽ khi ấy bạn sẽ không phát huy được tiềm năng của mình trong công việc đó.
Bạn không thể đóng góp những "tài nguyên" của mình cho công việc và cho công ty. Bạn cũng chẳng coi trọng công việc của mình. Về lâu dài, bạn sẽ chán công ty, chán việc và phải đi tìm việc khác.
Vấn đề ở đây không phải là thu nhập. Tất nhiên một công việc mình đã chán mà lương cao thì vẫn hơn, vì bạn có thể dùng khoản lương ấy để đi mua sắm, ăn chơi xả stress.
Vấn đề ở đây là hệ giá trị. Nếu bạn làm công việc khác mà công việc đó và công ty vẫn không "ăn rơ" với giá trị của bạn, thì rồi bạn cũng sẽ chán việc, và lại phải tìm việc khác thôi.
"Nhảy việc" ở tuổi trung niên: Nhiều khi là điều tất yếu
Mọi thứ không ngừng thay đổi, và bản thân chúng ta cũng vậy. Những gì chúng ta coi trọng sẽ thay đổi theo thời gian.
Chẳng hạn, thu nhập là thứ chúng ta coi trọng lúc trẻ. Khi ấy chúng ta có thể làm việc nhiều giờ đồng hồ mà dường như không thấy mệt, vì chúng ta đang dồi dào sức trẻ.
Nhưng khi bước vào tuổi trung niên, lúc cơ thể bắt đầu rệu rã, chúng ta lại coi trọng sức khỏe và cần nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Khi còn trẻ, chúng ta có thể thoải mái thức khuya làm việc mà sáng dậy cũng vẫn sảng khoái.
Khi gần chạm ngưỡng tuổi 40, có thể chúng ta không thích thú làm "cú đêm" nữa. Mà thật ra là chúng ta cũng không làm "cú đêm" được. Buổi tối nào mà thức khuya, sáng hôm sau thấy đầu óc váng vất luôn.
Lúc này, một công việc tuyệt vời lúc trẻ chưa chắc đã là công việc tuyệt vời ở tuổi trung niên. Nghỉ công việc hiện tại để chuyển sang công việc khác phù hợp hơn có thể là một giải pháp, dù chúng ta không muốn xáo trộn trong cuộc sống.
Có những người quan niệm rằng lúc trẻ phải sáng suốt chọn một công việc sao cho cả đời có thể làm công việc đó, rằng "nhảy việc" là lãng phí nguồn lực, vì khi "nhảy việc" người ta thường bỏ đi những kỹ năng cũ và phải học những kỹ năng mới.
Tôi lại thấy "nhảy việc" là một điều nên làm đấy chứ. Nếu cứ làm công việc mình không còn thích, mình không đóng góp được nhiều nhất trong khả năng, đó mới là lãng phí nguồn lực!
Còn việc học hỏi là chuyện tất yếu trong đời người. Hễ còn thở, chúng ta còn cần học. Trong cuốn sách Những điều tôi biết chắc, "nữ hoàng truyền hình" Oprah Winfrey đặt ra câu hỏi: "Khi bạn thôi học hỏi, bạn sẽ ngưng trưởng thành, và ngầm nói với vũ trụ rằng bạn đã xong xuôi tất cả - chẳng còn gì mới mẻ. Vậy bạn còn ở đây làm gì nữa?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận