Phóng to |
Anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn: Đoàn- Đội cũng nên thắp sáng ước mơ tuổi thơ bằng những phong trào nâng cao tính tự giác của thiếu nhi |
Mở đầu cuộc tọa đàm, nhà sử học Văn Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lịch sử Đoàn - Hội (TƯ Đoàn), người có kinh nghiệm 50 năm làm công tác TN đặc biệt nhấn mạnh: “Nếu phát động được những phong trào thi đua thật sự mạnh mẽ, cụ thể, thiết thực trong TN, kích thích sự sáng tạo chủ động mang chất “lửa” của TN sẽ tạo ra những biến chuyển sâu sắc tích cực cho đất nước”.
Muốn làm được thế, theo ông Văn Tùng, điều quan trọng và trước nhất là TN và tổ chức đoàn cần phải thấm nhuần ý nghĩa lớn lao của hoạt động thi đua mà Bác đã phát động 60 năm trước và hãy để TN tự nguyện tham gia các phong trào thi đua ở tất cả mọi mặt mà mình học tập, làm việc thay vì làm theo sự thúc ép hay vì bất cứ một lý do nào khác.
Một ý kiến khác của nhà sử học Văn Tùng được nhiều người đồng ý là “đề cao kế hoạch thi đua cho từng cá nhân TN”. “Chúng ta vẫn chú trọng đến kế hoạch của địa phương, đơn vị và cho đó là cái lớn nhưng Bác Hồ lại khác, người quan tâm đến kế hoạch nhỏ của từng cá nhân. Tôi cho rằng vai trò thi đua của từng TN là quan trọng nhất, giúp TN thấy rõ mình trong quá trình cải tạo bản thân, tự giáo dục mình.
Nói cách khác, hãy làm sao để mỗi TN có kế hoạch cho sự phát triển của mình trong sự phát triển chung của đất nước, xã hội. Mỗi một kế hoạch của TN sẽ như “một con thuyền nhỏ giúp ta qua sông lớn” - ông Văn Tùng chỉ rõ. Ông cũng dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh và khuyên TN trước khi xây dựng kế hoạch cho mình phải bàn bạc kĩ, hiểu biết thấu và đặc biệt phải dân chủ trong cả phong trào thi đua.
Thi đua - cụ thể và hướng về cộng đồng
Tâm điểm của tọa đàm là những tâm sự rất thật của anh Hồ Quang Minh, Bí thư Đoàn phường Phú Thượng, Q.Tây Hồ, Hà Nội với thành tích 23 lần hiến máu và vận động 200 lượt ĐVTN hiến máu: “Trong suốt những lần hiến máu tôi chưa từng rụt rè, ngại ngùng hay sợ những tác dụng này nọ. Tôi nói cho họ biết những giọt máu của mình là những giọt máu tình nghĩa, có thể cứu được một bệnh nhân nhi nguy cấp, một cụ già có thêm những ngày sống. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ mới hiến được 23 lần, có những TN khác mà tôi biết đã hiến được trên 30 lần.
Tôi cũng sẽ tiếp tục hiến máu, tiếp tục cùng thi đua với các bạn trẻ trong các hoạt động Đoàn và TN. Theo tôi, sự thi đua của TN là những hành động cụ thể nhất vì cộng đồng. Lúc ấy, sự thi đua mới có ý nghĩa tích cực nhất".
Bổ sung ý kiến của anh Hồ Quang Minh, Anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, nguyên là một cán bộ Đoàn - Đội, người đã mở đầu “Phong trào làm nghìn việc tốt” trong thiếu nhi cả nước những năm 60 thế kỉ trước nhấn mạnh: “Thiếu nhi cũng là lực lượng hùng hậu của phong trào thi đua. Với vai trò tổ chức của mình, Đoàn - Đội nên thắp sáng ước mơ tuổi thơ bằng những phong trào nâng cao tính tự giác của thiếu nhi, nhất là những phong trào đánh thức lòng nhân ái trong tâm hồn sẵn có của con người Việt Nam”.
Đề cập đến vai trò của Đoàn trong các phong trào thi đua của TN hiện nay, nhà sử học Văn Tùng cho rằng Đoàn cần xây dựng nên những kế hoạch, chương trình thật cụ thể để phấn đấu hoàn thành, đặc biệt phải thấu hiểu mình đang ở đâu, cần làm gì: Đoàn cần tránh những phong trào, kế hoạch kiểu “mênh mông” hay “đại khái, chung chung, không rõ ràng thiết thực” như Bác đã từng phê phán.
“Các bạn trẻ ngày nay cần tự tin mạnh mẽ rằng thế hệ mình được trang bị tốt hơn lớp đàn anh nhiều mặt, có thể làm được nhiều hơn các thế hệ trước. Vì vậy, hãy tiếp tục thi đua, vượt lên chính mình đừng dừng bước”- Nhà sử học Văn Tùng tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận