29/08/2015 08:35 GMT+7

Tuổi Trẻ vẫn dành đất cho "những mơ mộng còn sót lại"

Nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ
Nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ

TT - "Tuổi Trẻ vẫn dành nhiều đất cho nghệ thuật, văn chương, cho những mơ mộng còn sót lại trong đời sống hiện đại nháo nhác này" - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đánh giá nhân dịp 40 năm thành lập báo Tuổi Trẻ.

Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư

“Lúc rày không viết hay sao mà chẳng thấy trên Tuổi Trẻ?”, nhận được những câu hỏi giống vậy, tôi cảm động, mà cũng có chút mắc cười khi mình và tờ báo được ghép chung đôi. Kiểu như nếu viết thì đã in Tuổi Trẻ rồi, còn vắng hâm vầy chắc là mợ ấy mê chơi, bỏ chữ. 

Người hỏi có lý của mình, họ đã nhìn thấy một Nguyễn Ngọc Tư của những trang viết ngây ngô ngay từ buổi chập chững vào văn chương, họ cũng chứng kiến tôi trưởng thành ngay trên trang sáng tác của báo, trước khi chúng được in vào sách.

Gửi những tác phẩm nóng hổi cho Tuổi Trẻ, ngoài khoản nhuận bút tôi còn nhận được những tiếng vọng. Ai đó gọi điện nói truyện này có chất, ai đó nhắn tin bảo tản văn nọ viết dưới tay, nhai lại. 

Cả khen hay chê đều quý giá với một người mới bắt đầu viết, đang dọ dẫm, tìm kiếm con đường phù hợp với bản năng chữ sẵn có của mình. Hồi ấy thế giới mạng chưa mỡ màng như bây giờ, người ta không thể lên đó mà gieo, để gặt bao nhiêu là nghe ngóng. 

Và vài biên tập viên của Tuổi Trẻ mà mãi sau này tôi mới biết mặt, nhưng giọng trên điện thoại nhiều đến bắt quen, “chữ này hình như sai”, “câu kia (anh) chị thấy không phù hợp”. Đọc lại một tác phẩm của mình in báo sau khi biên tập, không phải là không học được ít nhiều.

Trong tôi còn lưu giữ nỗi vui của con nhỏ Tư hồi hai mấy tuổi, buổi sáng vào cơ quan, ai đó chìa ra tờ Tuổi Trẻ bảo khao đi. Với đứa con gái nhà quê mút tí tè, in truyện trên Tuổi Trẻ là vượt qua một cánh cổng vô hình nào đó, là tiếng hô dõng dạc “Tôi có mặt” trên quảng trường văn chương, và những gì mình gửi vô phong bì có ghi địa chỉ tòa soạn báo cùng bản thảo viết tay, hoặc đánh máy bằng giấy pơluya, chúng không vô vọng.

Nên tôi vẫn thường cảm kích khi giữa đống tin tức “bỏng mắt với đường cong”, “nóng cùng váy xuyên thấu”, “vũ điệu sexy đốn tim”... xuất hiện chuyên trang mang tên văn hóa của những tờ báo khác, Tuổi Trẻ vẫn dành nhiều đất cho nghệ thuật, văn chương, cho những mơ mộng còn sót lại trong đời sống hiện đại nháo nhác này.

Nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tu\u1ed5i Tr\u1ebb." />