Tuổi Trẻ Start-up Award: Thao thức với sợi bún sạch

Làm bún gia truyền đã năm đời, nếm trải đủ cơ cực của nghề, chị Nguyễn Thị Bính muốn tìm một con đường mới nên Nam tiến.

Thao thức với sợi bún sạch - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Bính bên hệ thống máy sản xuất bún sạch theo cách làm truyền thống của mình - Ảnh: C.TRIỆU

Vậy mà bước ra lập nghiệp lại liên tiếp bại sản. Áo cơm dồn đuổi buộc chị phải quay về với nghề. Và rồi bún sạch Nguyễn Bính ra đời với nguyên liệu từ gạo hữu cơ cùng cam kết vì sức khỏe người tiêu dùng.

Qua bao biến cố, thứ tôi muốn dồn hết vào phải là cọng bún sạch 100%. Người nông dân trồng lúa sạch, tôi mua gạo làm ra bún sạch để khách hàng được ăn thực phẩm sạch. Ấy mới là vòng tròn bền vững.

Chị NGUYỄN THỊ BÍNH

Dứt áo rồi cũng quay về cùng sợi bún

Trên chuyến xe tìm về ruộng lúa hữu cơ vùng nguyên liệu gạo đầu vào của Công ty cổ phần sản xuất - thương mại và dịch vụ Nguyễn Bính tại tỉnh Long An, câu chuyện cuộc đời chị Nguyễn Thị Bính như thước phim tua chậm.

Gia đình chị đã năm đời làm bún tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Thấu hiểu nỗi cơ cực, thức khuya dậy sớm của nghề, chị không muốn nối nghiệp. Nguyễn Thị Bính chọn Nam tiến như lời khước từ với nghề gia truyền, đi học trung cấp lắp ráp máy tại Đồng Nai.

Không muốn con gái theo cái nghề vốn dành cho đàn ông, gia đình không chu cấp đồng nào. Để có tiền ăn học, Bính làm "thợ đụng", ai kêu gì làm đó từ bóc vỏ hạt điều, chặt mía đến phụ hồ, rửa bát... Nhưng tốt nghiệp trung cấp mãi vẫn không kiếm được chỗ làm, chị buộc phải xoay xở nhiều việc cùng lúc.

Gầy được ít vốn, Bính học nghề trang điểm rồi mở tiệm, nhưng làm không đủ tiền thuê mặt bằng. Tằn tiện lắm rồi mà số vốn ít ỏi tích cóp được cứ thế đội nón ra đi. Không dễ đầu hàng, chị đi bán thịt heo. Bán cũng trầy trật vì ma cũ bắt nạt ma mới, chưa được bao lâu thì chợ bị giải tỏa làm dự án, chuyển qua chợ mới lại ế ẩm hẳn.

Chị Bính bảo như cùng đường buộc phải quay lại với nghề tổ, dù ghét cay ghét đắng.

Nhưng đâu phải cứ quay lại là làm ngay được, nhất là với mặt hàng thực phẩm bán trong ngày. Những mẻ bún đầu tiên làm theo cách thủ công truyền thống ra lò, chị ký gửi ở chợ gần như bị trả về toàn bộ, khách chê bún đen nhám, thô tháp. Năm lần bảy lượt bị mối trả hàng, Nguyễn Thị Bính gần như trắng tay.

Chị Nguyễn Thị Bính khởi nghiệp với bún sạch - Thực hiện: CÔNG TRIỆU - TRƯƠNG KIÊN - CHÍ KIÊN - ANH THƯ - QUỐC HUY

Công nghệ cho cọng bún sạch

Thao thức với sợi bún sạch - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Bính đã chọn đường đi khó khăn hơn khi quay về với nghề tổ, nghề làm bún - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Chị cười bảo bún mình làm ra nhìn vẻ ngoài có màu đen hơn vì không dùng chất bảo quản tẩy trắng. Nhưng khó mà giải thích cho từng người dùng hiểu chỉ qua vài ba lời, Bính mang bún tặng cho bà con với suy nghĩ "chưa ăn làm sao biết nó ngon thế nào nếu chỉ nhìn bề ngoài". Mấy bận biếu không cả tấn bún, người ta bắt đầu tò mò hỏi về bún sạch Nguyễn Bính.

Nhưng sức một mình, làm sao cách truyền thống "chơi" lại sản xuất bún công nghiệp phổ biến tại TP.HCM. Giữa ngã ba đường, chị phải chọn hoặc theo cách ngâm gạo nửa ngày, dùng hóa chất giúp gạo mềm nhanh, bóng bẩy rồi xay bột và nấu thành bún, hoặc theo cách truyền thống phải dùng gạo sạch hữu cơ được ngâm đủ tuần và qua 15 công đoạn mới mang đi xay nấu.

Chị NGUYỄN THỊ BÍNH

Mình chọn cách làm cũ, tức là phải ngâm gạo đủ tuần, 15 công đoạn, không chất làm nhừ hay đánh bóng mà cọng bún làm ra vẫn ngọt thơm. Bún không thể trắng như đã được tẩy nhưng chắc chắn sạch

Coi như thông tư tưởng, điều cần chính là tính toán việc đáp ứng nhu cầu có khi lên đến hàng tấn bún mỗi ngày. Dẫn khách tham quan xưởng sản xuất ở đường Huỳnh Văn Nghệ (quận Tân Bình, TP.HCM), chị Bính cho biết vùi đầu ba ngày liên tiếp lên bản vẽ, rồi làm việc với chục kỹ sư mới ra đời hệ thống máy hiện có với công suất lên đến 45 tấn bún thành phẩm mỗi ngày.

Sẵn kiến thức học về máy móc, chị vận hành lò hơi vào sản xuất bún truyền thống. Công nghệ cho phép làm nóng từ xa, tăng độ an toàn lao động, không phát thải khí carbon, giảm khói bụi... Dù duy trì công thức ủ gạo truyền thống nhưng việc ứng dụng công nghệ mới giúp tăng thời hạn bảo quản sợi bún, bánh phở thành hai ngày so với chỉ dùng trong ngày trước đó.

Nghề gia truyền mấy đời, từng phá sản và lâm cảnh nợ nần cũng vì bún nên hơn ai hết chị Bính tự tin với các ngóc ngách trong nghề. Nên thay cho nhập các loại gạo giá rẻ trôi nổi trên thị trường, chị nhập gạo phải qua kiểm định chất lượng, đạt các chứng nhận về thực phẩm hữu cơ, sạch và đảm bảo an toàn với người mua.

Từng tan nát vì bún làm ra hỏng hết do xài nước giếng khoan, gặp hôm nguồn nước ngầm bị nhiễm pH nặng. Thế nên lần trở lại này, bà chủ bún sạch đầu tư hệ thống lọc RO để đảm bảo chất lượng nước dùng cho sản xuất.

Cạnh tranh giá khốc liệt

Chị Bính nói thừa biết bún sạch nhà mình khó cạnh tranh về giá cả so với các loại bún tươi hiện có bởi thói quen chuộng hàng giá rẻ của người tiêu dùng vẫn còn phổ biến lắm. Chưa kể sản phẩm gắn mác Organic không phải đã quen thuộc với số đông.

Mặt khác, 1kg gạo thông thường qua phương pháp sản xuất đại trà hiện có thể làm ra khoảng 3,4kg bún (giá bán lẻ tại TP.HCM hiện là 12.000 đồng/kg). Trong khi 1kg gạo hữu cơ được sản xuất theo phương pháp mà cơ sở của chị đang làm chỉ cho ra 1,6kg bún nên giá bún tươi Organic Nguyễn Bính hiện tới 26.000 đồng/kg.

"Nhiều bếp ăn, trường học ký hợp đồng với chúng tôi nhưng chỉ được tháng đầu rồi số lượng đặt mua giảm dần, thay vào đó họ nhập bún giá rẻ bên ngoài và yêu cầu công ty xuất hóa đơn để hợp thức hóa. Với trường hợp này, chúng tôi từ chối thẳng vì đi đến bước này thà chấp nhận mất khách chứ chúng tôi không thể lừa dối khách được" - chị Bính trải lòng.

Ngoài bún, hiện cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 20 dòng sản phẩm làm từ gạo khác nhau như nui, phở, bánh ướt, bánh hỏi...

Ống hút từ lá cạnh tranh giá với ống hút nhựa - Ảnh 3.

20-10: Hạn chót gửi đăng ký dự án tham gia

Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 do báo Tuổi Trẻ và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).

Hội đồng thẩm định sẽ tiếp xúc và kết nối với start-up qua hình thức chấm giải đặc biệt Coffee Talk. Những start-up sáng giá sẽ được vinh danh trong gala dự kiến tổ chức vào tháng 11-2024.

Ngoài chia sẻ câu chuyện trên mặt báo, các dự án khởi nghiệp tham dự chương trình có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá hình ảnh đến cộng đồng.

Top 20 start-up được chọn vào chung kết sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, Ngân hàng ACB, Volvo, KN Group, Dai-ichi Life Việt Nam, An Hòa, Faslink, Ecco Golf Vietnam, Tín Nghĩa...

Trong đó giải đặc biệt (100 triệu đồng) từ ban cố vấn chương trình là ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch PRO Vietnam.

Chương trình đang nhận hồ sơ tham gia của các dự án đến ngày 20-10 tại email: [email protected], hoặc truy cập chuyên trang Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 để nhận form đăng ký và gửi bài tham dự.

Ống hút từ lá cạnh tranh giá với ống hút nhựa - Ảnh 4.

Sinh viên làm ống hút từ lá cây, giá sẽ ngang ống hút nhựa - Ảnh 1. Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người

Tranh thủ ngày nắng hiếm hoi trước khi bão Yagi ập tới, anh lương y trẻ đeo gùi, lội suối băng rừng tìm hái từng chiếc lá quý hiếm vẫn nằm rải rác trên đỉnh núi Cham Chu (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên