Hội thảo "Công nghệ - vũ khí làm chủ cuộc chơi" tại NVH Thanh Niên TP.HCM ngày 25- - Video: TRƯƠNG KIÊN - QUỲNH NGHI - THẾ KIỆT - DIỄM HƯỜNG - NHÃ CHÂN
Khởi nghiệp: Yếu tố phù hợp vô cùng quan trọng
Hội trường Youth Space (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) chiều thứ bảy 25-3 "nóng" và chật kín người với gần 200 bạn trẻ tham dự.
Đại diện ban tổ chức giải thưởng Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023, anh Võ Hùng Thuật (giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông báo Tuổi Trẻ) chia sẻ: "Thấu hiểu được những khó khăn của các bạn trẻ start-up nên từ năm 2019, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, BSSC tổ chức giải thưởng Tuổi Trẻ Start-Up Award để hỗ trợ, kết nối, tiếp động lực cho các bạn trẻ theo đuổi con đường khởi nghiệp vốn đầy chông gai".
Theo anh, sau mỗi giai đoạn khó khăn hoặc khủng hoảng thường có những start-up tận dụng tốt cơ hội, biến nguy thành cơ và trỗi dậy mạnh mẽ. Chính vì vậy, giải thưởng Tuổi Trẻ Start-Up Award năm nay lấy chủ đề là "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?".
"Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu rộng hơn, hun đúc tinh thần khởi nghiệp ở đây không đơn thuần là kêu gọi mọi người lập công ty công nghệ mà đó còn là khơi gợi cách tư duy, giải quyết vấn đề… - những kỹ năng rất quan trọng ở giới trẻ trong thời đại ngày nay", anh bổ sung.
Xoay quanh nội dung chính của tọa đàm, chị Nguyễn Thị Diệu Hằng (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM) chia sẻ bản thân chị chứng kiến nhiều start-up đang dùng "vũ khí" công nghệ hiện đại, nhưng chưa chắc cần thiết, thậm chí "quá sức" của mình. "Trong khi đó, sự phù hợp rất quan trọng", chị Diệu Hằng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, anh Đoàn Văn Minh Nhựt (đồng sáng lập kiêm CEO start-up Bánh mì Má Hải), gương mặt từng đoạt giải thưởng Tuổi Trẻ Start-Up Award, nêu quan điểm: công nghệ là công cụ quan trọng để tối đa hóa trải nghiệm khách hàng, nhưng yếu tố phù hợp chưa được nhiều start-up lưu ý.
Anh Minh Nhựt cho biết Bánh mì Má Hải từng có những "bài học" tích cực lẫn không mấy tích cực liên quan áp dụng công nghệ. Chẳng hạn, start-up của bạn dùng hiệu quả hợp đồng điện tử để đẩy nhanh tiến độ giao dịch. Tuy nhiên khi áp dụng rập khuôn một vài công nghệ khác lại dẫn đến hệ lụy không mong muốn. Start-up của anh từng "vỡ trận" do áp dụng rập khuôn mô hình công nghệ được áp dụng thành công ở mô hình công ty khác.
"Khi chúng tôi đẩy xuống một mô hình công nghệ mới, người trẻ làm được, người lớn tuổi làm không được thì sau đó một số nhân sự quyết định rời đi", anh Minh Nhựt nêu một ví dụ thực tế.
Còn anh Lê Yên Thanh (CEO Phenikaa MaaS), gương mặt start-up cũng từng đoạt giải thưởng Tuổi Trẻ Start-Up Award, cho biết hiện xã hội khắp nơi đang gặp nhiều biến động nên các start-up càng cần hiểu rõ sự quan trọng của yếu tố linh hoạt, phù hợp.
"Trước đây, chỉ cần start-up chứng minh được năng lực công nghệ thì đã gọi vốn thành công. Hiện nay các quỹ, nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, nên khởi nghiệp hiện gặp nhiều thử thách hơn.
Và trước đây, các start-up thường chỉ cần nghĩ đến việc có một công nghệ lõi, và làm sao để kiếm tiền từ công nghệ đó. Hiện nay, mọi người phải chọn công nghệ nào phù hợp để tồn tại và phát triển. Một trong những điểm rất quan trọng là áp dụng công nghệ tối tân như thế nào, cũng cần nhớ rằng ra được một sản phẩm hay ho mà thị trường không đón nhận thì mọi thứ cũng vô nghĩa", anh Yên Thanh phân tích.
Làm sao biết công nghệ gì phù hợp cho dự án khởi nghiệp?
Mở đầu phần giao lưu tại tọa đàm thuộc Tuổi Trẻ Start-Up Award, bạn Đào Vũ Hải Nam (sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM) đã nêu băn khoăn về việc làm sao một start-up biết là vũ khí công nghệ nào phù hợp với công ty mình?
Trước câu hỏi này, anh Hoàng Văn Việt (sáng lập viên Laha Coffee) cho biết start-up phải nỗ lực phân tích, tìm hiểu nỗi đau của doanh nghiệp đang ở đâu để mà tìm đúng "thuốc" trị bệnh đó.
Còn anh Minh Nhựt bổ sung ý các start-up nên cân nhắc về sự cân đối giữa lợi ích và chi phí. "Việc áp dụng công nghệ đó đều phải quy về số liệu chi tiết, đặc biệt là chi phí chìm và chi phí cơ hội… đây là những khoản mà nhiều người thường ít để ý", anh Minh Nhựt nói.
Rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến việc làm sao để khai thác dữ liệu người dùng hiệu quả, "vũ khí" công nghệ có nhất thiết là điều kiện cần hay đủ để các bạn trẻ mới chập chững khởi nghiệp cần áp dụng… đã được các diễn giả trả lời chi tiết.
Nhân dịp này, chị Lê Thị Tường Vy (phó giám đốc BSSC) cũng chia sẻ về việc BSSC chính thức khởi động giải thưởng khởi nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam là Start-up Wheel 2023.
"Hành trình 11 năm đồng hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước trên đã khắc dấu ấn qua những con số ấn tượng như gần 10.000 dự án ở 33 quốc gia trên 5 châu lục đăng ký tham gia.
Chúng tôi cũng kết nối các start-up với hơn 500 nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, doanh nhân, lãnh đạo các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước. Start-up Wheel và Tuổi Trẻ Start-Up Award đều là những giải thưởng ý nghĩa mà các bạn cần tìm hiểu và "thử lửa" với ý tưởng, dự án start-up của mình", chị Tường Vy cho biết.
Hội thảo "Công nghệ - "vũ khí" làm chủ cuộc chơi" thuộc chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Start-Up Award do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2019. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, BSSC tổ chức với mục đích gây quỹ start-up, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Thông qua đó, chương trình mong muốn góp phần khích lệ tinh thần thể thao, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, mở ra cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.
Trailer giới thiệu Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023
Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt đồng hành cùng Tuổi Trẻ Start-Up Award
Talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" năm nay dự kiến diễn ra tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4, có chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?", với sự tham dự của hàng nghìn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín.
Ông Philipp Rösler, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt, là một trong những diễn giả chính của chương trình năm nay. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu cũng sẽ được diễn ra ngay sau đó.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được quảng bá đến công chúng. Ban tổ chức sẽ chọn các start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức ..., trong đó tiếp tục có một suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết tự giới thiệu về địa chỉ email: [email protected].
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận