Các đối tác, chuyên gia cùng chia sẻ tại buổi tọa đàm "Để Tuổi Trẻ Online thu hút và gắn kết" thuộc chương trình "Kết nối 2021" - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ khẳng định như thế tại chương trình "Kết nối 2021" - mừng sinh nhật lần thứ 18 của Tuổi Trẻ Online (1-12-2003 - 1-12-2021) diễn ra vào sáng 30-11 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ với sự tham gia của các bạn đọc, đối tác của Tuổi Trẻ Online.
Điểm lại chặng đường phát triển của Tuổi Trẻ Online, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho hay Tuổi Trẻ Online chính thức ra mắt bạn đọc vào ngày 1-12-2003, tạo ra một xu hướng mới trong làng báo lúc bấy giờ là làm báo điện tử song song với làm báo in, kết hợp phương pháp làm báo "3 trong 1": viết báo in, làm báo mạng và làm cả truyền hình.
Trải qua nhiều bước định hình và phát triển, ông Lê Thế Chữ cho biết dù 18 năm qua có nhiều tờ báo mạng ra đời, thói quen đọc của bạn đọc, cách tiếp cận thông tin bạn đọc liên tục thay đổi, song Tuổi Trẻ Online vẫn là tờ báo được đông đảo bạn đọc lựa chọn truy cập hằng ngày, trở thành một kênh tham chiếu không thể thiếu trong dư luận báo chí Việt Nam.
Chương trình "Kết nối 2021" mừng sinh nhật lần thứ 18 của Tuổi Trẻ Online sáng 30-11 - Video: VY DUNG - HỮU HẠNH - TRINH TRÀ - H.VY
Ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu tại chương trình - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Lê Thế Chữ khẳng định Tuổi Trẻ Online là tờ báo chuẩn mực trong xác tín thông tin, độ tin cậy, nhanh nhạy của bạn đọc.
Đồng thời, Tuổi Trẻ Online là nơi lan tỏa sự nhân văn, những câu chuyện đẹp, báo chí giải pháp, những câu chuyện xúc động, nhân văn để bạn đọc tìm kiếm, lan tỏa, chia sẻ và kết nối cùng Tuổi Trẻ Online.
Nhắc lại kết quả cuộc thăm dò ý kiến của bạn đọc đối với Tuổi Trẻ Online, ông Chữ nhắc lại những kỳ vọng của bạn đọc đòi hỏi Tuổi Trẻ Online phải có thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng, tăng chất lượng tin bài, phản hồi nhanh với bạn đọc, tăng tin bài điều tra chống tham nhũng, tiêu cực và đi đến cùng sự thật.
Các khách mời tham dự sự kiện tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Chữ khẳng định phụng sự bạn đọc là mục tiêu của báo Tuổi Trẻ Online.
Do đó, bước vào thời đại công nghệ 4.0, ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã tập trung tối đa, tăng tốc để Tuổi Trẻ Online bắt nhịp và phát triển nhanh hơn nữa. Trong đó, Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục cải thiện, tăng giá trị thông tin, đầu tư công nghệ…
Bạn đọc, đối tác cùng dự chương trình "Kết nối 2021" - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cải tiến công nghệ liên tục, bài bản
Tại buổi tọa đàm "Để Tuổi Trẻ Online thu hút và gắn kết" thuộc chương trình "Kết nối 2021", các đối tác, các chuyên gia đã cùng chia sẻ, hiến kế và góp ý để Tuổi Trẻ Online phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đăng Ngọc - đại diện VCCorp - cho rằng Tuổi Trẻ Online đã có quá trình chuyển đổi số cực kỳ ngoạn mục, tốc độ và chất lượng thông tin tăng lên rất nhiều. Song hiện cũng gặp nhiều thách thức, do đó Tuổi Trẻ Online phải đầu tư cho chính mình bài bản, mạnh hơn, cải tiến hơn nữa.
Ông Nguyễn Đăng Ngọc - đại diện VCCorp - chia sẻ tại chương trình, gửi gắm những kỳ vọng đối với Tuổi Trẻ Online - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Ngọc, Tuổi Trẻ Online làm được điều tuyệt vời đó là sự bảo chứng thông tin, giúp bạn đọc tìm đến nơi có thông tin đáng tin cậy. Ông Ngọc cho rằng bên cạnh nội dung, việc đầu tư công nghệ, đẩy nhanh tốc độ sẽ giúp thông tin đến nhanh, mở rộng bạn đọc.
Ông Nguyễn Bá Ngọc - chủ tịch NBN - chia sẻ những tình cảm, sự kỳ vọng với Tuổi Trẻ Online - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Truyền thông cái gì, mang thông điệp tốt đẹp nào?
Từ Mỹ qua màn hình trực tuyến, dưới góc nhìn của chuyên gia công nghệ - bà Lê Diệp Kiều Trang nhận định mạng xã hội không thể thay thế báo chí, bởi nội dung báo chí chính thống, được xác nhận về mặt nội dung. Truyền thông cái gì, thế nào, mang thông điệp tốt đẹp, chân thật nào sẽ quyết định mức độ tiếp nhận của người đọc.
Bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ trực tuyến cùng chương trình từ Mỹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Về mối quan hệ với doanh nghiệp, theo bà Trang, báo chí và mạng xã hội có mối quan hệ tương hỗ, ví dụ nếu báo chí có những bài viết hay về các doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ dùng mạng xã hội lan tỏa thông tin.
Còn nếu có thông tin sai về doanh nghiệp, bà Trang nhận định báo chí sẽ là kênh để chia sẻ những thông tin chính xác, chính thống để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều khi "cứu cánh" của doanh nghiệp.
Đánh giá về vai trò của công nghệ trong thời đại cạnh tranh thông tin, ông Nguyễn Bá Ngọc - chủ tịch NBN - cho rằng tốc độ, tin cậy quyết định sự quan tâm của độc giả đối với báo chí. Bên cạnh đó, công nghệ sẽ giúp thông tin đảm bảo nhanh, bổ trợ cho người làm nội dung và đáp ứng nhu cầu thay đổi của người đọc, do đó công nghệ sẽ giúp tờ báo có độc giả, có độc giả thì sẽ có đối tác.
Vì vậy, ông Ngọc cho rằng báo chí cần phải đầu tư hơn nữa về công nghệ để thu hút độc giả, thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của báo chí là phụng sự độc giả.
Ông Lê Đăng Khoa - chủ tịch Le Group Ventures - kể rằng cha mẹ của ông rất thích đọc báo Tuổi Trẻ nên ông lớn lên cùng báo Tuổi Trẻ. Mỗi ngày ông phải vào Tuổi Trẻ Online 3 lần, điều khiến ông gắn bó với báo là Tuổi Trẻ Online có tính chính xác và truyền tải thông tin nhanh.
Ông Lê Đăng Khoa - chủ tịch Le Group Ventures - kể rằng ông lớn lên cùng báo Tuổi Trẻ khi cha mẹ ông thường xuyên đọc Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Người như tôi rất cần thông tin chính thống, từ thông tin nền mới có định hướng chính xác. Sống trong thời đại số, chúng ta có nhiều tác động từ các nền tảng xã hội vô bổ, bị hút vào nó", ông Khoa nói.
Là một người kinh doanh, ông Khoa cho hay báo Tuổi Trẻ nói chung và Tuổi Trẻ Online nói riêng đóng vai trò như một người trung gian kết nối các sản phẩm doanh nghiệp, công ty với những người có nhu cầu.
Cho rằng thông tin là tài sản có giá trị lớn nhất, ông Khoa kỳ vọng Tuổi Trẻ Online là nơi để cộng đồng vào kiểm chứng thông tin bởi bất kỳ ai cũng cần một nơi chứa và đảm bảo nguồn thông tin xác tín.
Trao đổi với các khách mời, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung cho biết dù Tuổi Trẻ Online đã bước sang tuổi 18, song những năm gần đây Tuổi Trẻ mới thực sự làm báo online, có một bước chuyển mình mạnh mẽ, đầu tư đội ngũ, công nghệ… để làm báo online, thu hút bạn đọc.
Theo ông Trung, trong sự cạnh tranh thông tin giữa báo chí với mạng xã hội, báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng, đã khẳng định sự khác biệt đó là phải có nguồn tin, xác minh thông tin một cách nghiêm túc, chịu trách nhiệm cao với thông tin của mình và Tuổi Trẻ Online đang nỗ lực để khẳng định sự khác biệt đó.
Ông cũng cho hay trong năm 2022, báo Tuổi Trẻ nói chung và Tuổi Trẻ Online nói riêng sẽ ưu tiên xây dựng cộng đồng về sức khỏe, giáo dục và việc làm. Theo ông Trung, nếu xây dựng được các cộng đồng này thì Tuổi Trẻ sẽ đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu của đa số công chúng, độc giả đối với tờ báo.
Trao giải cuộc thi "Nhà tôi - Mái ấm": Thông điệp về gia đình rất đáng quý
Trong khuôn khổ chương trình, báo Tuổi Trẻ đã trao giải thưởng cuộc thi "Nhà tôi - Mái ấm" do báo Tuổi Trẻ và Công ty ximăng INSEE tổ chức.
Ông Bruno Fux, giám đốc Ecocycle và Phát triển bền vững INSEE Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu tại lễ trao giải, KTS Trần Lê Quốc Bình, đại diện Ban giám khảo cuộc thi và ông Bruno Fux - giám đốc Ecocycle và phát triển bền vững INSEE Việt Nam đều cho rằng cuộc thi "Nhà tôi - Mái ấm" đã tạo ra một sân chơi và "đồng hành" để bạn đọc có thể chia sẻ những cảm xúc về ngôi nhà, ý tưởng ấp ủ về không gian sống của chính mình, cũng như kích thích sự sáng tạo trong việc xây dựng không gian sống đáng mơ ước…
Từ khi phát động, ngày 18-10 đến ngày 25-11, dù cả nước đã và đang trải qua quãng thời gian đầy khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng ngoài sự mong đợi, Ban tổ chức cuộc thi vẫn nhận được gần 360 bài dự thi, trong đó 40 bài được chọn đăng trên Tuổi Trẻ Online, báo in và 12 bài vào chung khảo.
Kết quả, Ban giám khảo đã trao 5 giải khuyến khích, 1 giải ba, 1 giải nhì và giải nhất. Trong đó, giải ba được trao cho tác giả Hà Vân Anh với tác phẩm "'Biến' nhà thuê trọ thành tổ ấm lãng mạn". Giải nhì tác giả Quỳnh Như với tác phẩm "Bancông xanh - khoảng trời nhỏ bình yên của gia đình tôi".
Giải nhất cuộc thi thuộc về tác giả Lương Bích Thủy với tác phẩm "Sân nhà của miền xanh và nắng ngời".
Ông Bruno Fux, đại diện Công ty ximăng INSEE và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ trao giải nhất cho tác giả Lương Bích Thủy - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng cao nhất, tác giả Lương Bích Thủy nói chị tham gia cuộc thi vì thấy chủ đề rất hay và gần gũi với cuộc sống. Bài viết cũng là một cách để chị thể hiện tình yêu thương của mình đối với cha mẹ, các con cũng như gửi gắm, chia sẻ tình cảm của mình với bạn đọc Tuổi Trẻ Online…
Sinh sống trong đại gia đình 3 thế hệ nên với chị, chủ đề cuộc thi mang cảm xúc rất mạnh mẽ và chị như bật ra tất cả tình cảm của mình: "Trải qua thời gian dịch bệnh mới thấy gia đình là tất cả. Không chỉ là nơi chốn đi về mà ở đó còn là trách nhiệm, trách nhiệm của mình với gia đình, với cha mẹ, con cái.
Một ngôi nhà vì thế cũng không đơn thuần là nơi ở mà là mái ấm, để sau thời gian bận rộn, vội vàng, ăn cũng vội, những lời dặn dò con cũng vội… lại là nơi gắn kết yêu thương và lưu giữ nhiều khoảnh khắc bình dị và ấm cúng, nhắc nhớ bước chân mình quay về mỗi bận đi xa"…
KTS Trần Lê Quốc Bình và ông Đào Nguyên Khánh, trưởng Phòng tiếp thị & truyền thông doanh nghiệp Công ty ximăng INSEE trao giải khuyến khích cho 2 tác giả Nguyễn Xuân Nam và Đinh Thị Hội - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận