31/08/2020 13:58 GMT+7

Tuổi Trẻ giúp lan tỏa động lực sống tích cực

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Đó là điều PGS.TS Chu Cẩm Thơ - người nhận học bổng "Học trò giỏi hiếu thảo" của báo Tuổi Trẻ hơn 20 năm trước - ấn tượng nhất khi nói về buổi giao lưu học sinh, sinh viên tiêu biểu do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2000.

Tuổi Trẻ giúp lan tỏa động lực sống tích cực - Ảnh 1.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Ảnh: NGUYỄN THỊ HỒNG

Nhắc về "cơ duyên" với Tuổi Trẻ, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes công bố - kể:

Đó là năm 1999, tôi đang tập trung học đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia thì được thầy hiệu trưởng báo làm hồ sơ để nhận học bổng "Học trò giỏi hiếu thảo" do báo Tuổi Trẻ trao tặng.

Sau đó, một phóng viên của báo tới phỏng vấn tôi. Chị phóng viên sau đó đã kể lại chị rất ấn tượng vì lần đầu gặp tôi, vóc dáng nhỏ bé, vác chiếc xe đạp to lên gác để vào lớp học. Cuộc trò chuyện với chị rất thoải mái. Khi đó tôi cũng không hiểu rõ tiêu chí của báo trong việc chọn học sinh trao học bổng như thế nào. Nên các anh chị phóng viên hỏi, tôi cứ tự nhiên nói về những gì tôi nghĩ, tôi có.

Tôi nhận học bổng, phần thưởng là 1 triệu đồng. Nhưng những giá trị tinh thần tôi được trao nhận ngày ấy có ý nghĩa rất lớn. Năm 2000, khi là sinh viên năm thứ 2, tôi  lại được báo Tuổi Trẻ mời vào TP.HCM dự giao lưu với Học trò giỏi hiếu thảo toàn quốc, cùng với các chiến sĩ mùa hè xanh của thành phố. Lần đó, tôi được gặp nhiều người cũng là học sinh tiêu biểu, với những câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Điều đầu tiên tôi cảm nhận là cách tổ chức, lựa chọn của báo Tuổi Trẻ rất kĩ lưỡng, thận trọng. Tôi tin vào tính thực chất và ý nghĩa của hoạt động xã hội và những gì tôi nhìn thấy khi đó.

Hãy truyền động lực sống mạnh mẽ

- Và vì thế, chị thiện cảm với báo Tuổi Trẻ đến bây giờ?

Không chỉ thế. Điểm khác biệt mà báo Tuổi Trẻ làm được không chỉ là việc đi trao tình thương mà là cách lan tỏa động lực sống tích cực, cách truyền cảm hứng để những hành động đẹp, lối sống đẹp được lan tỏa. Điều tôi cảm nhận ở lần tôi nhận học bổng đó cũng là điều tôi được biết báo Tuổi Trẻ đã làm trong suốt hành trình những năm qua.

- Kỷ niệm nào trong cuộc giao lưu đó đã tác động và khiến chị có nhận định như thế về Tuổi Trẻ?

Kỷ niệm thì có nhiều nhưng có một việc tác động mạnh đến tôi thời đó là lá thư của anh Võ Quốc Thắng, một doanh nhân từng vượt qua những khó khăn để thành công (ông Võ Quốc Thắng hiện là chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm - PV). Ban tổ chức đã cho chúng tôi đến thăm nhà máy sản xuất, ở đó chúng tôi nhận được một phần quà và lá thư của anh Thắng. Đã 20 năm nên tôi không nhớ chi tiết nội dung thư, nhưng thông điệp anh Thắng muốn gửi đến cho chúng tôi là "trách nhiệm xã hội". Anh nói không cần đợi đến khi giàu mới làm từ thiện, khi trưởng thành mới nghĩ đến trách nhiệm với xã hội mà ngay bây giờ nếu các em muốn…

Tôi mới 18 tuổi và vốn là con người của sách vở, chưa có nhiều trải nghiệm. Nhưng thông điệp truyền cảm hứng đó đã theo tôi đến bây giờ. Trong những lựa chọn, những quyết định của tôi, có ảnh hưởng của sự truyền cảm hứng đó.

- Cô Chu Cẩm Thơ 18 tuổi đã phân định về việc "trao tình thương" và "truyền động lực" như thế nào?

Tôi nhớ trong cuộc giao lưu đó, có một bạn học sinh có hoàn cảnh rất thương, bố mẹ mất sớm. Những gì bạn ấy trải qua và vượt lên rất đáng trân trọng. Nhưng khi ấy tôi thấy các phóng viên quan tâm đến bạn ấy nhiều ở khía cạnh thương cảm. Tôi đã nói với một chị ở báo Tuổi Trẻ là "cách quan tâm như thế khiến cho bạn ấy trở nên mong manh hơn". Chị ngạc nhiên, khuyến khích tôi nói tiếp suy nghĩ. Tôi nói, thay vì thương xót và cứ nói nhiều về hoàn cảnh, về nỗi đau thì nên giúp những người thiếu may mắn nuôi dưỡng nghị lực sống mạnh mẽ, để tự mình vượt lên khó khăn. Về điều này, báo Tuổi Trẻ đã làm tốt.

Người phụ nữ có ảnh hưởng lớn

- Chu Cẩm Thơ của những năm sau này đã sống mạnh mẽ và tích cực như những gì chị thu nhận được ở sự kiện của Tuổi Trẻ năm đó?

Tôi vốn chỉ biết đến sách vở, đôi khi hơi "tự kỷ" với vốn sống của mình, dù ở trường phổ thông tôi cũng làm lớp trưởng, phó bí thư Đoàn trường. Sau này khi trở thành sinh viên, tôi sống sôi nổi hơn. Tôi cho rằng mình đã sống dũng cảm hơn, dám nói điều mình nghĩ và làm đến cùng những gì mình thấy đúng.

Tuổi Trẻ giúp lan tỏa động lực sống tích cực - Ảnh 2.

Từ ấn tượng với Tuổi Trẻ, PGS.TS Chu Cẩm Thơ trở thành người truyền cảm hứng cho giới trẻ - Ảnh: VĨNH HÀ

- Và khi nào chị trở thành người truyền cảm hứng?

Từng có người hỏi tôi rằng liệu tôi có thể làm lãnh đạo không? Tôi trả lời từ bé tôi vẫn làm leader. Thời sinh viên, tôi cũng là một thủ lĩnh sinh viên tham gia các hoạt động tích cực. Sau này trong công việc chuyên môn tôi cũng là thủ lĩnh của nhóm nghiên cứu.

Nhiều người làm lãnh đạo thì có quyền lực và khiến người khác tuân theo ở vị trí quyền lực đó. Nhưng người làm thủ lĩnh trong một hoạt động, một công việc như tôi, cách thu hút người khác là ở sự truyền cảm hứng. Và từ thực tế đã trải qua, tôi nhận thấy khi mình không đặt quyền lợi cá nhân cao trong công việc thì sự truyền cảm hứng sẽ tự nhiên, dễ dàng hơn. "Sức mạnh" đó cũng bền vững hơn.

- Nói chung là như vậy, nhưng trong công việc cụ thể, cách chị chọn để truyền cảm hứng, hay nói cách khác để lan tỏa năng lượng tích cực khiến người khác đi theo mình là gì?

Tôn trọng ý tưởng sáng tạo cá nhân và để cho các cộng sự của mình thấy, mình tin tưởng vào họ. Có một điều tôi được ảnh hưởng sau những ấn tượng tốt đẹp với báo Tuổi Trẻ là làm gì cũng cố gắng thực chất chứ không chỉ tạo nên sự lung linh bên ngoài.

- Trở lại vấn đề "trách nhiệm xã hội", chị đặt nó vào trong công việc sau này như thế nào?

Tôi có một lời hứa khi nhận học bổng và 1 triệu đồng của báo Tuổi Trẻ là sẽ dùng nó cho những việc có ý nghĩa. "1 triệu đồng" với tôi không chỉ là giá trị vật chất mà nhiều hơn thế là giá trị tinh thần.

Để thực hiện lời hứa, từ khi còn đi học, tôi đã cố gắng làm những việc nhỏ, như gửi tặng một người 50.000đồng để mua sách, hay giúp một người xuất bản cuốn sách có giá trị khi họ không đủ tiền, giúp xây dựng một tủ sách dùng chung, giúp một học trò nghèo đúng lúc để em không phải ngừng học vì thiếu thốn…

Tôi không có ý định to tát là tổ chức một dự án từ thiện nào đó, dù có người khuyên tôi khi đã có tầm ảnh hưởng nhất định thì nên làm dự án để người ta biết đến mình. Thay vào đó, nhiều năm qua tôi luôn có ý thức dành một phần thu nhập để làm một việc theo đúng tinh thần của khái niệm "trách nhiệm xã hội". Tôi làm điều đó từ trách nhiệm mà tôi thấy cần chứ không vì để được biết đến.

Tôi vẫn theo dõi nhiều hoạt động của báo Tuổi Trẻ có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng và giới thiệu những học trò học giỏi vượt khó cho quỹ học bổng của báo.

- Chị đã làm ở nhiều vị trí, công việc khác nhau, những ảnh hưởng từ việc "truyền cảm hứng" và "trách nhiệm xã hội" thời trẻ có tác động đến quan điểm, hay nói cách khác là triết lý của chị?

Sản phẩm tôi tự hào nhất trong những gì tôi đã làm là Chương trình Toán POMATH. Đó không chỉ là toán mà là phương pháp dạy học, cách tổ chức dạy hoặc thông qua toán. Đó là cách dạy học truyền cảm hứng được cho cả thầy và trò. Những gì chúng tôi làm được không dừng ở nghiên cứu mà có thực nghiệm và dần lan tỏa trong môi trường dạy học thực tế.

Phương châm của tôi khi nghiên cứu và thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục là "Cùng làm giáo dục". Có nghĩa mọi sản phẩm tạo mình ra không phải mình đơn phương cung cấp mà được tạo ra bởi nhiều thành tố cùng góp sức làm nên.

Sau này, khi nghiên cứu về chương trình nhà trường hay viết dự án về trường học hạnh phúc giúp Bộ GD-ĐT tôi cũng vẫn đi theo phương châm đó. Nhìn lại công việc mình đã làm, có lẽ việc làm thế nào để truyền cảm hứng, để mỗi thành tố tạo nên sản phẩm phát huy được hết khả năng là điều tôi lựa chọn. Những sản phẩm tôi đã làm, điều làm tôi tự hào chính là nó phục vụ lợi ích cộng đồng.

- Điều gì khiến chị trở thành 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes công bố?

Tôi cũng rất bất ngờ khi được thông báo về điều này. Trước đó, ban tổ chức đã phỏng vấn nhiều người có quan hệ công việc, hiểu biết về tôi. Nội dung phỏng vấn như thế nào, họ bí mật nên tôi không hề biết. Nhưng khi tìm hiểu về tiêu chí của Forbes bình chọn cho danh sách này, tôi thấy có một điểm trùng với cách sống và làm việc của tôi. Đó là truyền cảm hứng. Tôi thích trở thành một người có thể truyền cảm hứng tích cực cho người khác hơn là những tiếng tăm khác.

Tôi hiểu "hiếu thảo" theo cách của mình

- Là người được nhận học bổng "Học trò giỏi hiếu thảo" chị quan niệm thế nào về sự hiếu thảo?

Thời đó, đã có một đài truyền hình phỏng vấn tôi về việc này, tôi thật thà kể tôi cũng hay cãi mẹ. Ngày bé mẹ tôi còn hay bảo tôi "khó dạy". Nhưng sau này, có việc gì lớn bố mẹ cũng bảo "để chờ con Thơ nó về". Tôi hiểu trong sâu thẳm lòng bố mẹ, các cụ tin tưởng, tự hào về tôi. Nên tôi nghĩ hiếu thảo không phải là chỉ biết vâng lời, hay là làm việc này, việc kia cụ thể cho bố mẹ, mà là phải sống có ích, có lý tưởng để khi bé, bố mẹ bớt lo về mình, khi lớn bố mẹ được tự hào về mình.

chu cam tho 1

PGS. TS Chu Cẩm Thơ sinh năm 1981. Năm 29 tuổi, cô đạt học vị tiến sĩ và ở tuổi 32 đã ở vị trí phó chủ nhiệm bộ môncủa trường Đại học Sư phạm Hà Nội Năm 2016, cô được Nhà nước phong học hàm phó giáo sư. Hiện nay, cô là phó trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo.

Ngoài 6 đề tài chủ trì đã nghiệm thu đạt loại xuất sắc, cô là thành viên chính tham gia 5 đề tài quốc tế, cấp Nhà nước và nhiều đề tài cấp Bộ…

PGS.TS Chu Cẩm Thơ là người sáng lập, giám đốc nghiên cứu, phát triển chương trình dạy toán POMATH.

3 điều gửi gắm về 3 điều gửi gắm về 'sức trẻ' của Tuổi Trẻ

TTO - Đây là những nghĩ suy và trăn trở của tôi, một người đọc báo tuổi 30 trong thời 'Facebook, Google' trên cơ sở đối sánh, cảm nhận cũng như hi vọng và chờ đợi những đổi thay từ phía báo Tuổi Trẻ sau tuổi 45.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên