Nhớ thuở khăn gói từ Bạc Liêu lên Sài Gòn học, có lần mẹ gửi quà lên ký túc xá cho tôi một chục trứng gà nhà nuôi, từng quả trứng mỏng manh cuộn tròn giữa những lớp giấy, tất cả được gói cẩn thận trong chiếc áo cũ. Tôi đã nâng tấm áo phong sương của mẹ mà trào nước mắt.
Quà lần này của cha mẹ tôi không có trứng gà, mà là hộp chà bông mẹ tự làm và một chồng báo Tuổi Trẻ. Trời ơi, Tuổi Trẻ! Bữa trước tôi vừa gọi điện về nhà than: "Cha ơi con buồn quá, mỗi sáng dậy con đều vào Tuổi Trẻ Online để đọc tin tức ở nhà, mấy hôm nay không còn để đọc".
Tối đó, tôi bật đèn sáng trưng, ngồi bên chồng báo. Đọc nhẩn nha từng câu từng chữ, tôi có cảm giác như mình là một người bị bỏ đói lâu ngày được thưởng thức một bữa tiệc ngon miệng, no nê. Quê nhà của tôi đây, từng bài báo như từng viên gạch bắc chiếc cầu cho tôi trở lại quê hương. Báo mạng từ Việt Nam nhiều vô số kể, nhưng báo Tuổi Trẻ là tôi tin.
Tôi tin là bởi tôi đã nhìn thấy mấy bác xe ôm trong xóm tôi buổi sớm vừa đợi khách vừa đọc báo.
Tôi tin là bởi cha mẹ tôi nhiều năm nay nhất quyết phải đọc Tuổi Trẻ. Tôi tin là bởi khác với những tờ báo mạng khác, Tuổi Trẻ không bao giờ đăng những thông tin lá cải như cô diễn viên này ngực bự, cô diễn viên kia ngực lép.
Và tôi tin là bởi vì tôi đã tận mắt nhìn thấy các anh chị phóng viên Tuổi Trẻ không chỉ làm báo, mà lên tận những bản làng xa xôi hẻo lánh để "Tiếp sức đến trường", ngoài giờ làm việc còn đon đả chạy đến bệnh viện để tình nguyện giúp đỡ các bệnh nhi ung thư.
Chắc hẳn cha mẹ tôi đã chắt chiu dành dụm để có thể gửi cho tôi qua bưu điện những tờ báo Tuổi Trẻ mà họ vừa đọc xong và gấp lại cẩn thận. Tôi đã gọi điện và bảo với họ rằng khi đọc Tuổi Trẻ, tôi có cảm giác được về nhà.
Không biết tại sao cái tin tôi có chồng báo Tuổi Trẻ trên tay lan đi nhanh quá. Đọc chưa xong, điện thoại của tôi đã reo liên hồi. Bạn bè người Việt của tôi ở đây không đông lắm, sự cô đơn trong tháng ngày xa quê được bù đắp bằng việc đọc sách báo từ quê hương.
Chỉ trong buổi sáng hôm sau, những tờ báo quý giá mà ba mẹ tôi gửi sang đã rời xa tôi, đem hơi ấm đến những ngôi nhà Việt Nam khác ở xứ sở xa lạ này.
Cho bạn bè mượn báo rồi, tôi ngồi đó tiếc ngẩn tiếc ngơ. Hơn một tháng rồi mới được hít hà hương vị của những bài viết trên Tuổi Trẻ, tôi mới thấy chúng bổ ích thế nào, từng con chữ mang nặng công sức của các phóng viên ra sao. Rồi tôi chạm tay vào quyển lịch, đếm từng ngày Tuổi Trẻ Online hoạt động trở lại.
Hôm rồi, cô bạn tôi, người đang làm luận án thạc sĩ, gọi điện cho tôi hớt hải kêu mày ơi chết tao rồi, luận án đã nộp của tao toàn dẫn nguồn có đường link tới Tuổi Trẻ Online, bây giờ báo đình bản tao làm sao đây. Tôi chẳng thể trả lời.
Tôi cũng đang làm luận án, cũng cần trích dẫn nguồn từ bao bài viết đã được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online và cũng không biết phải xoay xở thế nào khi cánh cửa dẫn đến kho dữ liệu quý giá ấy đã tạm đóng lại. Cảm giác đó giống bây giờ, hơn một tháng rồi, thỉnh thoảng theo thói quen tôi vẫn vào địa chỉ tuoitre.vn để rồi ngồi chựng lại trước màn hình trắng muốt.
Tôi chỉ hi vọng rằng khi Tuổi Trẻ Online hoạt động trở lại, tờ báo sẽ vững vàng hơn, sẽ không phụ lòng bạn đọc và sẽ không bao giờ bị đình bản một lần nữa!
Nguyễn Phan Quế Mai
Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả và dịch giả của 18 quyển sách, tác phẩm mới nhất là tuyển tập truyện ngắn chọn lọc thế giới Bay lên (NXB Phụ Nữ, 2018).
Quế Mai là tác giả bài thơ Tổ quốc gọi tên, được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thành ca khúc nổi tiếng Tổ quốc gọi tên mình.
Hiện đang sống và làm việc ở Indonesia, Quế Mai vừa tham gia giảng dạy tại chương trình viết văn mùa hè của Đại học Massachusetts (Boston, Mỹ) và sẽ trình bày các tác phẩm mới nhất tại Liên hoan văn học quốc tế Ubud Writers & Readers Festival, diễn ra tại Bali vào tháng 10-2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận