Phóng to |
TS Nguyễn Đức Nghĩa và TS Đinh Phương Duy - Ảnh: T.Huỳnh |
Ban tư vấn sẽ trả lời nhanh nhất mọi câu hỏi về tuyển sinh, hướng nghiệp. Hộp thư Tư vấn 24/7 sẽ giải đáp nóng những thắc mắc liên quan đến mùa tuyển sinh 2013. Hộp thư Gỡ rối hướng nghiệp sẽ là những chia sẻ từ các thầy cô, những chuyên gia công tác hướng nghiệp liên quan đến việc chọn nghề cho bạn trẻ.
Sau đây là nội dung chia sẻ của các thành viên ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.
Con tôi đang học lớp 12 tại TP.HCM, học lực trung bình khá. Nếu không đủ sức vào ĐH, vậy có thể định hướng cháu tiếp tục học loại hình trường nào sau khi tốt nghiệp THPT?
(ngobanam52@...)
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM: Trước tiên, xin thông tin về hệ thống trường ĐH, CĐ và trường nghề sau THPT để anh dễ hình dung. Tính đến cuối tháng 7-2012 cả nước có hơn 420 trường ĐH và CĐ. Trong đó, có khoảng 190 trường ĐH (khoảng 120 trường thuộc các bộ, ngành; khoảng 20 trường thuộc các tỉnh, TP và khoảng 50 trường ngoài công lập). Ở bậc CĐ có khoảng 230 trường (gồm khoảng 80 trường thuộc các bộ, ngành; khoảng 120 trường thuộc tỉnh, TP và khoảng 30 trường ngoài công lập).
TP.HCM là địa phương có số lượng trường ĐH, CĐ đứng thứ hai trong cả nước, chỉ sau thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn TP.HCM hiện có gần 120 trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có 47 trường ĐH, 27 trường CĐ. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 vừa qua của các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn là gần 120.000, bao gồm 70.000 chỉ tiêu ĐH và 50.000 chỉ tiêu CĐ, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh CĐ của các trường ĐH cũng lên đến con số hơn 15.000. Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm của TP.HCM chiếm hơn 20% tổng chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Như vậy, cơ hội chọn một trường gần nhà sau THPT của HS tại TP.HCM rất cao.
Tính chung cả nước tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng có thể thấy hiện hầu hết HS sau khi hoàn tất chương trình lớp 12 (tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp THPT) đều có cơ hội tiếp tục được đào tạo theo các loại hình trường lớp bằng cấp khác nhau. Hằng năm cả nước có khoảng 1 triệu HS rời trường THPT. Riêng chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH và CĐ đã gần 600.000. Hằng năm, các trường trung cấp chuyên nghiệp cả nước tuyển hơn 300.000 HS. Ngoài ra, HS còn có cơ hội học chính quy ở hàng trăm trường CĐ nghề và trung cấp nghề cả nước...
Với chỉ tiêu đào tạo chính quy lớn như vậy, quý phụ huynh cứ yên tâm vì cơ hội tiếp tục học tập sau THPT của HS rất rộng mở. Ngay cả những HS trung bình cũng có cơ hội tiếp tục học. Tìm trường học sau THPT không khó. Quan trọng là mỗi HS có tìm được ngành học phù hợp năng lực của mình... Trường hợp con anh học lực trung bình khá, nếu không trúng tuyển ĐH vẫn có cơ hội học CĐ hoặc trung cấp. Anh nên hướng cháu tự tìm một ngành nghề phù hợp nhất.
Em sẽ thi ĐH trong năm nay nhưng vẫn chưa quyết định thi ngành gì, trường nào... Em là nữ, học khá nhưng không có năng khiếu gì nổi trội. Em sống hòa đồng với bạn bè, thích những công việc được giao tiếp nhiều, học tốt những môn xã hội... Xin định hướng một số ngành nghề em có thể chọn?
(anhdao_nice009@...)
- TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM: Con người có tám năng lực thông minh gồm: năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ, năng lực biểu diễn, năng lực âm nhạc, năng lực thị giác, năng lực tương tác, năng lực nội tâm, năng lực thiên nhiên. Mỗi người đều có một vài năng lực thông minh nổi trội hơn, điều này khiến họ phù hợp với một số nghề. Ví dụ: người có năng lực ngôn ngữ giỏi làm việc với các con chữ, nhạy cảm và thông minh trong sử dụng từ ngữ, có kỹ năng nói và viết tốt, khả năng miêu tả và kể chuyện hấp dẫn... dễ thành công trong lĩnh vực văn học, biên kịch, luật sư, diễn giả... Hoặc như người có năng lực tương tác giỏi làm việc với người khác. Nhóm người này tinh tế và nhạy cảm trong nhìn nhận, đánh giá con người và sự việc, bắt trúng cảm xúc của người khác, có khả năng thuyết phục... có tiềm năng làm nhà giáo, bán hàng, tư vấn, chính trị gia...
Em thích những công việc có tính giao tiếp và yêu thích các môn học xã hội. Như vậy cũng phù hợp nếu em hướng đến các ngành học xã hội. Em nên tự đánh giá thêm xem mình có năng lực ngôn ngữ, năng lực tương tác không... Nếu có, em có thể hướng đến một trong số các ngành nghề như: sư phạm, bán hàng, một số ngành học xã hội (như văn học, lịch sử, xã hội học, công tác xã hội...). Em hãy tự đặt mình vào công việc của những người thường xuyên sử dụng kỹ năng giao tiếp hằng ngày, thử xem mình có phù hợp và yêu thích những công việc đó không.
Khi chọn nghề, trước tiên tự đặt câu hỏi mình thích gì, làm gì giỏi nhất. Nên đặt ra 3-5 nghề mình có thể phù hợp theo thứ tự ưu tiên ngành nào mình thích nhất (và điều kiện có thể theo đuổi được). Sau đó, em tìm hiểu thêm qua Internet, báo đài, thầy cô, tham khảo thêm ý kiến cha mẹ, bạn bè... Chọn nghề là quyền của mỗi người. Người lớn chỉ có thể gợi ý cho em những ngành nghề có thể phù hợp. Nên chọn nghề sau khi am hiểu khá kỹ về nghề đó, có hình dung cụ thể công việc mình sẽ làm. Như vậy em sẽ rất tự tin với nghề mình chọn.
Xin tư vấn những địa chỉ hoặc trang web trắc nghiệm sở thích, ngành nghề để em có thể tự kiểm tra mình có phù hợp với nghề mình thích hay không?
(subasa888@...)
- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng Ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM: Thông tin ngành nghề hiện nay khá phong phú. Để có cách tìm thông tin ngành nghề một cách có hệ thống và tiết kiệm thời gian, em nên sử dụng các công cụ tự khám phá năng lực bản thân và tìm hiểu thông tin về các ngành nghề đang đào tạo ở các trường (khám phá sở thích bản thân và tự xác định 1-2 ngành nghề phù hợp nhất, nội dung từng ngành: sẽ học những gì, ra trường làm ở đâu, điểm chuẩn bao nhiêu...). Hiện có nhiều phần mềm trắc nghiệm ngành nghề. Em có thể tham khảo thông tin tại các địa chỉ: http://www.vnuhcm.edu.vn, chuyên trang học sinh, http://career.vnuhcm.edu.vn/dhqg/; http://tvtt.vnuhcm.edu.vn...
* TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia): Hộp thư 24/7 đồng hành cùng thí sinh Hiện nay, thông tin tuyển sinh - hướng nghiệp rất cần thiết với HS sắp rời trường phổ thông, đặc biệt là những thí sinh vùng sâu, vùng xa. Ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 gồm những thầy cô nhiều năm trực tiếp làm công tác tuyển sinh sẽ cung cấp những thông tin kịp thời và chính xác các vấn đề liên quan đến thi, tuyển sinh. Nhiều năm tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp các tỉnh thành cả nước, ban tư vấn của chương trình cũng nắm bắt được ưu tư và sẵn sàng chia sẻ mọi thông tin chọn nghề, chọn trường của HS... Mọi thắc mắc về thi, tuyển sinh, chọn ngành nghề, HS có thể gửi đến báo Tuổi Trẻ. Ban tư vấn sẽ chia sẻ sớm nhất những thắc mắc của các em. Ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sẽ đồng hành cùng thí sinh suốt mùa thi: từ giai đoạn tìm hiểu thông tin chọn ngành nghề đến giai đoạn làm hồ sơ dự thi, ôn thi, dự thi tuyển sinh, xét tuyển các nguyện vọng, xét tuyển vào các trường trung cấp đến cả giai đoạn nhận kết quả thi, nhập học đối với thí sinh trúng tuyển. * TS Đinh Phương Duy (chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM): Chọn nghề: không nên quyết định vội vàng Với mục Gỡ rối hướng nghiệp trên Tuổi Trẻ Online, ban tư vấn chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sẽ đồng hành với các bạn trên con đường chọn nghề nghiệp của đời mình. Ban tư vấn sẽ sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến trao đổi của các bạn và giải đáp thắc mắc, giúp các bạn chọn được một nghề phù hợp nhất với mình. Chọn nghề là một việc quan trọng, không nên quyết định vội vàng. Các bạn cần có thời gian và cân nhắc kỹ dựa trên sở thích, năng lực bản thân và cả điều kiện gia đình. Ngoài ra cần tham khảo thêm thông tin ngành nghề từ nhiều kênh khác nhau và tự đưa ra quyết định cho mình. Không chỉ đến cuối năm học 12 mới bắt đầu quan tâm đến nghề nghiệp, các thầy cô trong ban tư vấn hướng nghiệp sẵn sàng trao đổi với những bạn quan tâm đến nghề nghiệp sớm hơn (từ lớp 9,10, 11). P.Đ. ghi |
Mọi thắc mắc về tuyển sinh - hướng nghiệp xin gửi về email: [email protected] và mời bạn đọc đón xem thông tin mới nhất tại địa chỉ tuoitre.vn/tuyen-sinh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận