Sài Gòn những năm trước 1975 là tâm điểm kinh tế - giao thương và dịch vụ thông tin của miền Nam, cũng là trung tâm báo chí. Người dân Sài Gòn sớm có thói quen đọc báo và có sức đọc báo lớn nhất. Đến tận bây giờ, điều đó vẫn đúng.
Kể từ tháng 5-1975, TP.HCM chỉ có Đài Truyền hình, Đài Phát thanh, nhật báo Sài Gòn Giải phóng, báo Phụ Nữ. Trong một cuộc gặp gỡ Tổng Bí thư Lê Duẩn với Ban Thường vụ Thành Đoàn, nghe Bí thư Thành đoàn Phạm Chánh Trực báo cáo về tình hình thanh thiếu niên TP.HCM, ông Lê Duẩn phát biểu:
“Sài Gòn có một triệu thanh thiếu niên sinh viên học sinh là một tiềm lực rất lớn trong công cuộc xây dựng thành phố thời bình. Thanh niên thành phố này vốn có trình độ văn hóa, có truyền thống tiên phong trong các phong trào đấu tranh đô thị đòi độc lập tự do cho Tổ quốc. Thanh niên thành phố này cần có một tờ báo...”.
Gợi ý này gặp được ngay những ước mơ, ấp ủ của những thanh niên, sinh viên vốn đã làm báo công khai lẫn bí mật những ngày tranh đấu. Thành Đoàn TP.HCM lập tức phát hành bản tin, và đến 2-9-1975, báo Tuổi Trẻ ra đời.
Thế nhưng, do là một tờ báo được xếp loại báo tuần loại ba - theo khung quy định của Bộ Văn hóa - thông tin thời đó, nên báo Tuổi Trẻ chỉ nhận được chỉ tiêu cấp phát giấy hạn chế, không đủ giấy in vài chục ngàn bản mỗi tuần, không đủ đáp ứng nhu cầu thanh niên và nhân dân thành phố. Bài toán vật tư trong thời bao cấp quả là khó giải.
Năm 1983, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đến làm việc với báo Tuổi Trẻ do anh Võ Như Lanh làm TBT và đặt câu hỏi: "Tại sao trước 1975 ở Sài Gòn ai làm chủ báo cũng giàu, mà bây giờ Tuổi Trẻ lại phải ngửa tay xin tiền Nhà nước để làm báo?".
Lại một lần nữa, câu hỏi của lãnh đạo gặp được ngay những khao khát phát triển tờ báo của đội ngũ Tuổi Trẻ, cũng là gợi hướng giải pháp giúp Ban biên tập Tuổi Trẻ mở tầm nhìn xa, chủ động lập đề án sản xuất giấy in báo.
Phó tổng biên tập Trần Minh Đức trở thành người tổ chức, khởi động một chương trình tự tháo gỡ để tạo nguồn giấy in báo riêng cho Tuổi Trẻ, nâng số bản in, tìm người đọc mới. Xưởng sản xuất giấy thủ công, xưởng hoá chất, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy…
Vượt qua những khó khăn ban đầu, nguồn giấy tăng lên, số lượng báo tăng lên hàng trăm ngàn bản/kỳ, đủ để đáp ứng nhu cầu bạn đọc ngoài hệ thống Đoàn và đến 1985, nhà nước hoàn toàn ngưng bù lỗ. Tuổi Trẻ đã thật sự sống được và tích luỹ, phát triển nhờ vào sự chi trả của người đọc.
Giữa năm 1983, anh Võ Như Lanh được chuyển đi làm báo khác. Chị Vũ Kim Hạnh làm tổng biên tập, cùng Phó TBT Huỳnh Sơn Phước và đội ngũ phóng viên – biên tập viên ưu tú của báo tạo ra bước phát triển rất mạnh về chất lượng tin bài và đa dạng sản phẩm báo chí. Tuổi Trẻ tăng lên 3 kỳ/tuần, có thêm Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Tuổi Trẻ Cười.
Sau nhiều năm đi làm đủ loại việc ở Thành đoàn, duyên nợ nghề báo đưa tôi về báo Tuổi Trẻ vào đầu năm 1992. Báo Tuổi Trẻ và ban biên tập thời kỳ 1992-2003 đứng trước nhiều thách thức, chọn lựa khó khăn.
Văn hóa báo chí đã phát triển, nhiều tờ báo đồng nghiệp khác cũng chào hàng thông tin phong phú để người đọc lựa chọn. Thị trường kinh tế chập chờn tối sáng, chưa tạo cơ hội làm ăn bình đẳng cho những doanh nhân tài năng, lương thiện; nhiều công ty quốc doanh còn độc quyền và đặc quyền kinh doanh. Nạn tham nhũng hoành hành...
Toàn cảnh xã hội đó cùng nhu cầu được thông tin kịp thời của người đọc đã tạo áp lực không cưỡng được, đòi báo chí phải dấn thân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng trở nên cấp thiết và nguy hiểm.
Trên mặt báo Tuổi Trẻ những năm này xuất hiện hàng loạt bài phóng sự, điều tra và nhiều tác phẩm xuất sắc của rất nhiều cây bút giỏi và dũng cảm. Tham nhũng trong đầu tư công, mãi lộ trên đường quốc lộ, bất cập trong giáo dục, sa ngã trong lối sống…
Đề tài trên Tuổi Trẻ ngày càng phong phú, những trang báo phát đi thông tin tươi rói, mạnh mẽ chính kiến, biết dự báo và kiến giải tình hình, khẳng định độ tin cậy của một nhật báo với bạn đọc và thật sự gắn bó với đời sống cộng đồng.
Đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác rưng rưng sung sướng của năm 2002 nhìn dòng chữ chạy chân trang 1: "Mời bạn đọc báo Tuổi Trẻ phát hành liên tục 6 ngày trong tuần". Đến 2006, Tuổi Trẻ đã hoàn toàn là một nhật báo, số lượng phát hành luôn giữ vững ở hàng đầu.
Sự đón nhận của người đọc cho Tuổi Trẻ những cơ hội để phát triển xứng đáng.Tiềm lực tài chính của Tuổi Trẻ phát triển rất nhanh với hoạt động xuất bản báo in và quảng cáo.
Phòng Phát hành Tuổi Trẻ làm dịch vụ phát hành cho hơn 50 ấn phẩm báo chí khác, khẳng định khả năng hình thành một Trung tâm phát hành báo chí của thành phố. Quảng cáo là nguồn thu chủ lực của Tuổi Trẻ trong giai đoạn này, tìm được chỗ đứng trên thị trường quảng cáo Việt Nam. Tuổi Trẻ đóng góp nghĩa vụ thuế ở mức hàng đầu của báo chí cả nước.
Nhìn lại hành trình 45 năm, tôi thấy thật rõ uy tín Tuổi Trẻ được củng cố, số lượng bạn đọc tăng là nhờ giữ vững bản sắc của mình:
- Nhạy cảm với cái mới, phù hợp quy luật trong cải cách kinh tế nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế hội nhập với đời sống toàn cầu;
- Tâm huyết với những đòi hỏi dân sinh, với quyền bình đẳng kinh doanh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sống, quyền được học hành và phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên;
- Mạnh mẽ chiến đấu với cái xấu, cái ác...
Trong cuộc hành trình 45 năm của những người cầm bút Tuổi Trẻ - những người có duyên với nghề báo và mắc nợ với người đọc đã phải đương đầu với nhiều thử thách, sóng gió dồn dập, trong đó có những va vấp do chính mình tạo ra.
Những áp lực đến từ cạnh tranh tác nghiệp của hệ thống truyền thông đa phương tiện; đến từ chính sách quản lý thông tin của Nhà nước ngày càng chặt chẽ đang đặt ra những thử thách không nhẹ nhàng đối với người cầm bút, không chỉ về nghiệp vụ mà còn với chính ngọn lửa nghề nghiệp.
Ngọn lửa lý tưởng của người biết cầm bút vì ích nước lợi dân; ngọn lửa của ngòi bút trung thành, trung thực với khát vọng thông tin của một xã hội công dân. Ngọn lửa do chính những người Tuổi Trẻ đồng lòng đốt lên và tiếp lửa cho nhau trong tiếng hát của những người đi tới.
Kỳ vọng Tuổi Trẻ sẽ không ngừng đi tới và đi xa hơn nữa!
45 năm với những thành công và thất bại, qua nhiều đời Tổng Biên tập đổi thay. Vậy nhưng tờ báo vẫn đứng vững trên cái nền của khát vọng đã được dựng xây từ lúc sinh thành. Ngày càng có thêm nhiều bạn đọc mới chờ đợi Tuổi Trẻ, chi trả để nuôi sống Tuổi Trẻ và đặt Tuổi Trẻ cạnh cốc café mỗi sáng trước giờ làm việc.
Tuổi Trẻ, một tờ báo mà theo tôi, khát vọng tự do, độc lập của dân tộc, của đất nước đã thấm vào máu ngay khi còn thai nghén, chưa nên vóc dáng hình hài.
Độc lập, thống nhất rồi, người dân lại đứng trước những yêu cầu mới trong thời bình. Cư dân ở Thành phố. Hồ Chí Minh vốn là những người đã từng trải với kinh tế thị trường, nên họ đã chủ động cởi trói cho sản xuất bung ra và đặt lên bàn những nhà hoạch định đường lối chính sách những câu hỏi về quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, tự do trong chọn lựa tiêu dùng…
Tất cả những điều đó dội lên mặt báo trở thành mối quan tâm hàng đầu, thành niềm hy vọng của người đọc mỗi ngày.
Tôi nhớ vào những năm 1980, người đọc chọn Tuổi Trẻ, trước hết như bày tỏ thái độ đoạn tuyệt với cơ chế tập trung quan liêu trói chết sức sản xuất. Lúc đó, mỗi sáng người đọc trở dậy, mở trang báo ra để xem Tuổi Trẻ có gì mới, trước hết ở những tin tức liên quan đến kết quả của những cuộc thể nghiệm còn rất dè dặt từ những doanh nghiệp đầu tiên rút chân khỏi cơ chế bao cấp đặt quan hệ với thị trường.
Họ đọc say sưa những bài phóng sự phản ánh những đổi thay thuyết phục ở nông thôn khi người nông dân có được quyền tự do canh tác trên đồng ruộng của mình.
Mạch thông tin phản hồi từ người đọc được cả một bộ máy tiếp nhận. Mỗi ngày trên bàn Ban Biên tập có hai bản tin sáng, chiều phản ánh ý kiến của bạn đọc. Người đọc viết tiếp những bài báo, làm tiếp những trang báo dang dở, góp ý điều chỉnh chủ trương biên tập.
Người đọc tin cậy cộng tác với Tuổi Trẻ có phần do ngày càng rõ vai trò quan trọng của họ thể hiện trên trang báo. Mặt khác, tôi còn nhận ra ở sự hỗ trợ của người đọc cả lòng xót thương đối với một tờ báo vốn có số phận gian truân với nhiều thử thách.
Tôi nhớ, từ trước khi bước vào năm cuối của bậc trung học, được anh trai đưa ra Huế chơi, tôi đến ăn sáng ở một quán bún bò dân dã nhưng rất đông khách. Bà bán bún nhớ tên và khẩu vị của từng người.
Người này ăn hơi cay, người kia nhiều hành, tô giò, tô móng… ai cũng được chiều chuộng. Tôi nghĩ, nhà báo cũng rất cần có được cảm quan của bà bán bún, học ở bà tình cảm, và khả năng bắt nhạy với khẩu vị của người đọc mỗi ngày.
Nhưng với bà bán bún thì ngày nào cũng hương vị đó, thịt đó, hành ngò tươi thơm. Còn anh làm báo thì không thể lặp lại cái cũ. Anh phải có được cái ưu thế tự nhiên sinh ra và lớn lên trong cộng đồng, có chung số phận với cộng đồng cư dân nơi tờ báo đang có nhiều người đọc.
Cho nên, tiêu chí của tờ báo ngoài màu đỏ của lý tưởng, trẻ trung, dấn thân, nó phải "rất Sài Gòn". Nó không được làm bất cứ điều gì mà đời sống cộng đồng, văn hóa của cộng đồng đó không chấp nhận.
Có người nói báo Tuổi Trẻ "già" quá ? Đó là một lời phê bình. Tôi đọc được trong góp ý đó tính đòi hỏi hướng đến bản lĩnh sâu sắc của một người từng trải, nhưng vẫn giữ được chất trẻ của một tờ báo trẻ.
Trẻ trước hết ở tinh thần dấn thân vì những điều ngay lẽ phải, trẻ ở tính năng động sáng tạo, tươi mới, kịp thời cho mọi lứa tuổi. Một tờ báo trẻ cho tất cả các lứa tuổi chứ không chỉ là tờ báo trẻ cho lớp trẻ. Kể cả người lớn tuổi cũng cần sự tươi mới, đầy năng lượng và khao khát sống.
Có được con số phát hành trăm ngàn bản suốt bao năm xuất bản, với hơn một triệu người đọc mỗi ngày, Tuổi Trẻ đang có được một tài sản vô giá. Người làm báo càng hiểu sâu thế nào là sự tin cậy và niềm hy vọng khi người đọc đã hiểu Tuổi Trẻ đến mức mà họ có thể đọc và hiểu Tuổi Trẻ ngay khoảng trắng giữa những dòng chữ…
Tôi đọc "người đọc" hằng ngày và cảm thấy mình thật sự là mình khi nhận ra phần trách nhiệm của người chủ bút trước những ý kiến phê bình hay đòi hỏi chính đáng của họ. Vì thế, tôi chỉ cảm thấy thật sự cô đơn khi người đọc nhận ra phần trách nhiệm của tôi ở những trang báo đã gỗ đá, lãnh cảm vô tình, tệ hại hơn đôi khi lại phũ phàng hay nghiệt ngã.
Tự tạo được nguồn vốn, Tuổi Trẻ có điều kiện để đầu tư phát triển, công khai tuyển dụng phóng viên, soạn thảo giáo trình báo chí đổi mới, tiếp nhận những bài học từ nhiều nguồn và cập nhật những thông tin mới nhất về tiến bộ nghề nghiệp mà tờ báo có được lúc này.
Có ý tưởng mới, có cái riêng bài bản hơn trước, Tuổi Trẻ tạo ra lợi thế ngay trong các chương trình đào tạo và đào tạo lại phóng viên, biên tập viên, tổ chức lại bộ máy tòa soạn theo hướng và chuẩn mực của một tờ báo chuyên nghiệp. Nhờ vậy mà Tuổi Trẻ hạn chế được những căn bệnh phổ biến của báo chí được bao cấp từ tài chính đến tư duy.
Ngồi vào ghế người đọc, xác lập mạch thông tin phản hồi từ bạn đọc, Ban biên tập Tuổi Trẻ coi trọng việc ngăn ngừa mầm bệnh của báo chí mệnh lệnh một chiều, nhai lại một cách lười biếng những văn kiện hành chính, áp đặt, buộc người đọc tiêu thụ hàng cung cấp thô cứng thiếu thông tin cần biết, xa lạ với đời sống cộng đồng.
Tháng 3-1992, khi vượt được con số phát hành 120.000 bản (ba kỳ/ tuần), Tuổi Trẻ mở những trang quảng cáo đầu tiên và tìm được chỗ đứng triển vọng trên thị trường quảng cáo. Vừa có thêm nguồn thu, nhưng quan trọng hơn là lợi thế đặc biệt, khi Tuổi Trẻ có thêm một phụ trương thông tin thị trường ngay trong những năm tháng mà người dân được chủ động chọn lựa tiêu dùng.
Tòa soạn mở cửa không chỉ đón bạn đọc mà cả khách hàng; sản phẩm quảng cáo trên Tuổi Trẻ ngày càng được thị trường đón nhận, Ban Biên tập sớm nhận ra sự cần thiết phải chuyển đổi từ bên trong tổ chức, bộ máy để thúc đẩy sự phát triển ngày càng rõ tính chất của một công ty. Chủ Nhiệm (Tổng Biên tập), chủ bút (Phó Tổng biên tập), giám đốc công ty quảng cáo - giám đốc công ty phát hành chưa được định danh nhưng đã hình thành trên thực tế.
Văn hóa báo chí đã phát triển, quyền của người đọc được xác lập với ngày càng nhiều thông tin để chọn lựa. Người dân - người đọc đã tham gia, chia sẻ và thụ hưởng những thành quả của Đổi mới, họ không chờ đợi nhà báo và tự tìm lối ra bất chấp những "tiếng còi" ngập ngừng đóng mở. Sự phát triển kinh tế, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của người dân cần có một không gian rộng mở thoáng đạt hơn.
Tôi trở thành bạn đọc của Tuổi Trẻ từ khi mới bước vào tuổi Đoàn, tính ra cũng xấp xỉ 45 năm tuổi của Tuổi Trẻ. Sau này do nhu cầu nghề nghiệp, Tuổi Trẻ đối với tôi không chỉ là nơi cung cấp tin tức thời sự thiết yếu mà còn là một nguồn tài liệu để nghiên cứu, giảng dạy báo chí thú vị và hữu ích.
Vì Tuổi Trẻ là một chứng nhân, một người thư ký đáng tin cậy về đời sống xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh trong 45 năm qua.
Những sự kiện trọng đại, những bước đi chính yếu, những đổi mới nổi bật, những con người tiêu biểu… và cả những vết đen, hốc tối ở Việt Nam và ở thành phố này đều được ghi lại trên Tuổi Trẻ khá cụ thể, trình tự và hệ thống.
Đời sống và tâm tình của người Sài Gòn sau ngày thống nhất ra sao, thành phố dồn sức và hy sinh cho cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam thế nào, đâu là những trăn trở và đột phá ban đầu của thời kỳ đổi mới, rồi quá trình phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa mang lại những thành công và hệ lụy gì… tất cả đều in đậm trên từng trang viết. Một biên niên sử cận chân và thô ráp.
Ở khía cạnh trách nhiệm xã hội và đạo đức nhà báo, trong 45 năm qua, Tuổi Trẻ - dù khó tránh khỏi những khoảnh khắc thăng trầm nhưng ở từng bài báo, số báo của các thế hệ cầm bút nối tiếp nhau - vẫn thể hiện sự thủy chung, nhất quán trong việc gây dựng một mẫu hình nhà báo tử tế, xứng đáng với kỳ vọng của công chúng.
Tuyên chiến không khoan nhượng với cái ác, cái xấu, cái tiêu cực như các loạt bài nổi tiếng về điện kế điện tử, nạn cơm tù, tệ mãi lộ, mặt khác Tuổi Trẻ cũng "đắng lòng" dõi theo giá con cá, cọng rau đi từ ao làng, đồng ruộng đến bàn ăn của người lao động; Đăng tải những ước nguyện của công dân về đất nước 20 năm sau nhưng cũng không quên những phận người chết thảm trong vụ tai nạn tàu hỏa từ 30 năm trước; Đặt vấn đề 18 tuổi liệu đã trưởng thành chưa, đồng thời biết kéo Hoàng Sa, Trường Sa về gần hơn với trái tim bạn trẻ.
Tuổi Trẻ không ngại đưa tin xấu về một ai đó nhưng cũng sẵn sàng điều kiện để họ nói lại những điều báo đã nêu. Tuổi Trẻ từng có những bài phê phán nảy lửa ngành giáo dục, rồi tiếp tục mở diễn đàn cho người dân hiến kế chấn hưng nền giáo dục.
Ngay những bài bình luận ngắn về bóng đá, tưởng chỉ để giải trí nhưng vẫn thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của mình đối với ngành thể thao nước nhà, đôi khi ẩn chứa cả những vấn đề lớn lao hơn... Đưa tin đa dạng và đa chiều, Tuổi Trẻ không chỉ giỏi nghề, dụng công mà còn có cái tâm nhân hậu, ngay thẳng của người làm báo.
Về phương diện nghiệp vụ, Tuổi Trẻ luôn cho thấy mình ít chịu đứng yên hay lùi bước trước các kỹ thuật và xu hướng làm báo hiện đại trên thế giới.
Ở Việt Nam hiếm nhật báo nào như Tuổi Trẻ, có thể triển khai hiệu quả nhiều tuyến bài, đăng trên nhiều số liên tục, làm thành một chiến dịch truyền thông nhằm đưa lại cái nhìn toàn cảnh, đa diện, có chiều sâu về một sự kiện. Tuổi Trẻ thường phối hợp thể hiện bằng nhiều thể loại (tường thuật, bình luận, tiểu phẩm hoặc tin, phỏng vấn, bình luận) để giúp người đọc có được nhiều thông tin và xúc cảm.
Chính ý thức và nỗ lực vươn tới chuẩn mực của báo chí hiện đại đã rút ngắn khoảng cách giữa Tuổi Trẻ với các trường đào tạo báo chí, làm cho bài học ở giảng đường và thực tiễn trở nên gần gũi, tương tác.
Báo chí đích thực và tử tế thời nào cũng có những khó khăn và thách thức. Hai thập niên qua, những thay đổi sâu sắc và gần như diễn ra đồng thời về xã hội, công nghệ, công chúng và phương tiện truyền thông đã tạo nên một cú sốc quá mạnh đối với báo chí. Tình trạng sụt giảm số phát hành và số đầu báo in ở hầu hết các quốc gia là một minh chứng rõ nét.
Trong chiều hướng đó, truyền thông đa phương tiện được coi là chọn lựa tất yếu. Đa phương tiện sẽ cho phép tích hợp giữa văn bản, số liệu, hình ảnh, âm thanh, thiết kế đồ họa và hệ thống các kỹ thuật khác nhau trên môi trường thông tin kỹ thuật số để làm cho nội dung trở nên đa diện, đa kênh, thuận tiện cho việc tiếp cận lượng công chúng lớn hơn với tính tương tác cao hơn.
Dĩ nhiên để thực hành và khai thác truyền thông đa phương tiện hiệu quả, người làm báo cũng cần tích hợp cho mình những kiến thức, kỹ năng tương ứng.
Phóng viên không chỉ phải biết sử dụng công nghệ mới mà còn phải biết thực hành đa nhiệm vụ, đa loại hình, theo kiểu mẫu 3 trong 1 - viết, biên tập, thể hiện tác phẩm; thậm chí 4 trong 1 - sản xuất tin bài cho cả báo in, báo trực tuyến lẫn phát thanh, truyền hình.
Đứng trước sự bùng nổ thông tin từ mạng xã hội, giới làm báo không khỏi băn khoăn về hai câu hỏi: Liệu mạng xã hội có nhấn chìm, thậm chí là thay thế báo chí?
Đúng là mạng xã hội có nhiều ưu thế: đội ngũ sản xuất, truyền tải và tiêu thụ thông tin trùng trùng điệp điệp; thông tin đa dạng thượng vàng hạ cám, tiếp cận công chúng mọi lúc, mọi nơi, cập nhật và lan tỏa với tốc độ nhanh như điện.
Nhưng thông tin trên mạng xã hội cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết và nguy cơ: tin tức giả mạo, lừa đảo tài chính, truy bức tinh thần… Ai cũng có thể trở thành nạn nhân do thông tin không được kiểm chứng, không được biên tập chuyên nghiệp và không có nơi chịu trách nhiệm rõ ràng.
Rõ ràng khả năng mạng xã hội "lật đổ" hay "thôn tính" báo chí là không quá lớn như nhiều người từng nghĩ, trừ phi báo chí dẫm chân tại chỗ hay tự thoái lui.
Báo chí có lẽ nên cất đi mối lo để xem mạng xã hội là đối tác, cùng song hành phát triển để phục vụ nhu cầu thông tin, giao tiếp ngày càng đa dạng và phức tạp của con người.
Một mặt, báo chí phải vận dụng các nền tảng kỹ thuật công nghệ mà mạng xã hội đang dùng để trở thành một hình thức truyền thông đa phương tiện.
Mặt khác, báo chí phải kiên trì sứ mạng "nỗ lực kể sự thật"; theo đuổi những giá trị cốt lõi mà mình đã tạo dựng: đưa tin chính xác, khách quan, công bằng và trách nhiệm.
Theo quan sát của tôi, trong hơn 10 năm qua, Tuổi Trẻ đã có những động thái chuẩn bị cho chu trình phát triển mới của mình: chuyển từ báo chí phản ánh, tường thuật sang báo chí phân tích, bình luận, giải pháp. Đây là lựa chọn hợp thời, nhất là trong bối cảnh xã hội và truyền thông Việt Nam hiện nay.
Khi dân chủ và dân trí nâng cao, sự nghiệp đổi mới đòi hỏi nhiều tư duy lý tính và sự cạnh tranh thông tin của mạng xã hội, báo chí càng cần nâng cao phân tích, bình luận sự kiện từ nhiều góc độ, mối liên hệ và quan điểm khác nhau.
Chính từ những diễn đàn thảo luận, phân tích, bình luận, giải pháp được đăng tải công khai, dân chủ này, chính quyền và người dân sẽ tự do chọn lựa hướng đi và tương lai tốt đẹp cho mình.
Câu hát đầu tiên vang lên trên làn sóng điện trưa 30-4-1975 từ Sài Gòn báo hiệu Tổ quốc từ đây đã liền một dải. Với những người làm báo Tuổi Trẻ, câu hát ấy được cụ thể hóa bằng hành trình “Mang đất thiêng ra Trường Sa”.
Báo Tuổi Trẻ đã làm cầu nối tấm lòng bạn đọc, cùng với người lính Trường Sa dựng nên những tòa nhà lâu bền ở các điểm đảo, thắp sáng các nhà giàn DK1, xây dựng trung tâm y tế bề thế... Và đem nắm đất thiêng liêng ra tận những hòn đảo xa xôi, kết nối hồn thiêng sông núi ra biển rộng.
Đất là đất thiêng. Đất từ cực Bắc đỉnh Lũng Cú (Hà Giang) khởi đầu của cuộc xuyên Việt thì đất của mũi Cà Mau mang tâm thức cực Nam, nơi cùng trời cuối đất. Đất từ Đền Hùng (Phú Thọ) khởi đi từ cội nguồn dân tộc thì đất từ di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như kết tinh của vinh quang Tổ quốc.
Đất từ Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, biểu tượng của cuộc kháng chiến chống Pháp thì đất từ Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) là nơi quần tụ của hàng vạn người lính sau kháng chiến chống Mỹ.
Ở TP.HCM đất được thỉnh từ Củ Chi đất thép Thành đồng thì ở Huế, đất được chọn từ đàn Xã Tắc - nơi khi xưa nhà vua kính cẩn góp đất trăm miền làm đàn cầu mưa thuận gió hoà... Lịch sử và huyền thoại đan quyện vào nhau khiến mỗi nắm đất đều trĩu nặng dấu thiêng quê hương.
Trước giờ khởi hành, buổi lễ đón và đưa đất thiêng lên tàu diễn ra giản dị, trang trọng trước tượng đài "Đoàn tàu không số" của lữ đoàn 125. Một phần đất được đựng vào bốn chiếc hộp đồng, sẽ được đặt vào chùa Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn và chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh.
Phần đất còn lại sẽ được hòa vào cát san hô của từng hòn đảo, vun bồi cây xanh được mang từ đất liền, chờ mầm cây bén rễ, vươn cao, tỏa bóng mát, phủ xanh những hòn đảo chang chang trụi trần dưới nắng biển, gió biển, sóng biển.
Thật khó để kể hết những vất vả của thuỷ thủ khi đưa những thùng đất từ boong tàu HQ 996 xuống xuồng CQ để vào đảo. Đất nặng đã đành, nhưng còn nặng hơn vì ý nghĩa của câu chuyện mà nó chuyển tải.
Con sóng nhồi mạnh, thuyền bật lên hẫng xuống, thùng đất chao nghiêng suýt hất cả người xuống biển. Vậy mà thật may mắn, dù sóng dồi gió dập, cuối cùng đất thiêng vẫn cập đảo an toàn.
Lễ trồng cây trên đảo Phan Vinh, khi nhìn những vốc đất xốp tơi được mang về từ Lũng Cú hay thớ đất nâu óng phù sa lấy từ mũi Cà Mau, vốc đất khô lẫn những lá chò từ Đền Hùng lẫn vào nắm đất lấy dưới gốc bồ đề ở khu vực trung tâm NTLS Trường Sơn, lòng chúng tôi chợt dâng lên niềm cảm khái khó tả.
Mang đất ra Trường Sa, nối đất liền với hải đảo, hành trình gian nan đã xong nhưng chúng tôi vẫn còn một nhiệm vụ: mang cát từ Trường Sa về đắp vào đàn Xã Tắc.
Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rằng: đàn Xã Tắc được xây dựng dưới thời Vua Gia Long, tháng 4-1806 để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc), triều đình huy động tất cả dinh trấn trong nước cống đất sạch đắp đàn. Tất cả đều hoàn thành, chỉ thiếu cát từ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vì vậy, trong hành trình này, chúng tôi tâm nguyện sẽ mang cát Trường Sa về đắp vào đàn Xã Tắc, để vuông đất thiêng liêng của đàn được đủ đầy phần máu thịt Việt Nam.
Chúng tôi quyết định sẽ lấy cát từ đảo An Bang, hòn đảo gian nan nhất, kỳ lạ nhất, luôn bị bao vây bởi những xoáy sóng, xoáy gió. An Bang luôn có tên trong danh sách của các đoàn ra Trường Sa, nhưng không dễ gì lên được. Trong rất nhiều chuyến Trường Sa, phải đến lần thứ năm chúng tôi mới được đặt chân lên đảo.
An Bang có một tổ lính mang cái tên không giống ai: "tổ chăm thuyền". Trong khi các đảo chìm vẫn có cầu cảng cho ca nô cập vào thì An Bang chỉ có thể lên đảo bằng cách duy nhất: ca nô kéo theo thuyền sắt chở khách vào gần bờ, hàng chục lính đảo sẽ túm lấy sợi dây thừng, đứng tấn và ra sức kéo thuyền lên bãi cát. Sóng dội ầm ào, thuyền chòng chành, cát thì lún.
Ngồi trên thuyền nhìn những cánh tay gân guốc kéo mình vào muốn thắt ruột gan. Dù đã mang găng để kéo thuyền nhưng sợi thừng vẫn siết thủng, bàn tay người lính trầy đỏ rướm máu.
Ở giữa sóng dữ như thế, An Bang sở hữu một đồng hồ cát đặc biệt. Cát quanh đảo được sóng quay vòng. Mùa đông, sóng dội từ phía đông bắc, bãi cát bị xô lệch sang phía tây nam. Rồi qua mùa gió tây nam, bãi cát dịch chuyển về mạn đông bắc. Cứ thế, bãi cát An Bang chạy vòng quanh thềm đảo, một vòng tròn một năm.
Trên "bãi cát đồng hồ" An Bang, đại úy Nguyễn Đình Trường vốc những hạt cát tinh khôi cho phóng viên Tuổi Trẻ mang về đất liền. Chúng tôi hết sức nâng niu túi cát ấy. Khi ra sân bay Tân Sơn Nhất bay về Huế, đồ đạc tư trang ký gửi, còn túi cát được xách tay.
Ba tháng sau đó, nhằm ngày lành tháng tốt, lễ đắp cát Trường Sa vào đàn Xã Tắc đã được tổ chức trang trọng với sự tham dự của chính quyền, trung tâm bảo tồn di tích Huế và báo Tuổi Trẻ.
Sau 200 năm, cát Trường Sa đã được hòa cùng đất mọi miền ở đàn Xã Tắc. Mỗi lúc nhớ về hành trình của cát thiêng, tôi lại nhẩm câu thơ của Vua Trần Nhân Tông: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu" (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng).
Biển Đông hôm qua, hôm nay và những ngày tháng tới chưa thể bình yên, Hoàng Sa vẫn còn bị xâm chiếm trái phép. Hạt cát Trường Sa giữa trùng khơi mang về góp vào đàn Xã Tắc chính là thông điệp thiêng liêng về chủ quyền nước Việt.
Và với những người làm báo Tuổi Trẻ, hơn cả niềm tự hào, chúng tôi muốn được như những hạt cát bé nhỏ, đắp bồi tình yêu quê hương Tổ quốc ngày một cao thêm.
Nhật báo Tuổi Trẻ luôn đứng ở top đầu báo giấy có nhiều bạn đọc nhất Việt Nam. Vậy hiện nay Tuổi Trẻ Online có nối tiếp được vị trí đó hay không?
Nhiều cuộc họp căng thẳng trong đội ngũ Tuổi Trẻ cùng với những cuộc tham khảo ý kiến chuyên gia, thăm dò bạn đọc và học tập kinh nghiệm quốc tế đã được tổ chức thường xuyên để bảo đảm đủ chất liệu xây dựng tầm nhìn, chiến lược mới cho Tuổi Trẻ.
Phát triển truyền thông đa phương tiện đã được xác định là hướng đi đúng để phát huy hết thế mạnh của Tuổi Trẻ: nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp.
Đầu những năm 2000, khi Internet tràn vào từng gia đình, bạn đọc chuyển thói quen đọc báo giấy sang lướt báo mạng, Tuổi Trẻ đã kịp thời mở hướng phát triển Tuổi Trẻ Online, sớm nhất trong các báo in, nhưng thật sự chưa đầu tư đúng mức vì vẫn xem báo giấy là sản phẩm chủ lực (doanh thu chiếm trên 80%).
Nghịch lý phát sinh khi khối lượng công việc tăng nhưng đội ngũ không tăng, nguồn thu giảm dần (do doanh thu báo giấy giảm khá nhanh trong khi doanh thu báo điện tử tăng rất chậm) đã đặt ra nhiều thách thức nan giải cho báo giấy nói chung, không riêng Tuổi Trẻ.
Sử dụng chính đội ngũ phóng viên, biên tập của báo in cho báo điện tử, Tuổi Trẻ đã mất một thời gian khá dài để tổ chức những khoá tái đào tạo các phóng viên báo viết thành phóng viên đa phương tiện, các biên tập viên báo in thành biên tập viên đa sản phẩm.
Trải qua 10 năm, đội ngũ đã thật sự trở thành những người làm báo điện tử đúng nghĩa, từ thói quen đến tư duy, từ kỹ năng đến đến đam mê nghề nghiệp.
Một sự kiện bất ngờ đã có thể xuất hiện thành bản tin trên TTO trong vòng 30 giây. Một câu chuyện đã có thể được kể đa ngôn ngữ bằng lời, bằng hình ảnh, bằng video clip, bằng âm nhạc, bằng đồ hoạ. Một vấn đề có thể được cập nhật diễn biến đến từng phút. Tương tác với bạn đọc gần như "ngay lập tức".
Và không chỉ có các phóng viên, biên tập, kỹ thuật, công nghệ thay đổi để tác nghiệp đa chức năng, Ban biên tập Tuổi Trẻ cũng đã đổi mới tư duy và cách điều hành, quản lý.
Giờ đây, trong các cuộc thảo luận nội dung hàng ngày, các sản phẩm điện tử đã được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Tòa soạn không được phép "để dành" bất cứ tin bài gì, kể cả những "món đặc sắc" mà buộc phải đào sâu hơn đến giải pháp cho các "vấn đề nóng" trên số báo hôm sau.
Tuổi Trẻ đã tái cơ cấu tòa soạn báo giấy thành tòa soạn hội tụ để chuyên tâm sản xuất nội dung, như một công xưởng sản xuất tin, bài, ảnh, đồ họa, video, chương trình truyền hình, chiến dịch truyền thông… cho các sản phẩm đa phương tiện (báo giấy, báo mạng, audio, video và nội dung cho mạng xã hội), vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc vừa cung cấp cho các báo đài khác.
Tuy nhiên, ngần đó vẫn chưa đủ. Những gì Tuổi Trẻ đã làm được vẫn chưa thật sự đáp ứng hết những đòi hỏi ngày càng cao, càng mới của bạn đọc báo mạng. Bởi lẽ, phần lớn đội ngũ Tuổi Trẻ vẫn quen làm báo giấy hơn báo mạng, đầu tư cho công nghệ của Tuổi Trẻ chưa theo kịp tốc độ phát triển bùng nổ của báo mạng.
Đó là hai lý do chính mà Tuổi Trẻ Online chưa thành công được như Tuổi Trẻ nhật báo. Đó cũng là thách thức lớn nhất của Tuổi Trẻ trong những năm gần đây.
Năm năm tới, sự phát triển của Tuổi Trẻ sẽ không dừng ở toà soạn hội tụ mà sẽ là truyền thông hội tụ. Các sản phẩm đa phương tiện sẽ cùng phát triển để hình thành một hệ sinh thái Tuổi Trẻ gắn kết và cộng hưởng trên "kiềng ba chân": nội dung - công nghệ - kinh doanh, phục vụ cho hoạt động báo chí, hoạt động công tác xã hội và các chương trình truyền thông đa nền tảng.
Báo Tuổi Trẻ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông với hai tiêu chí: đảm bảo quyền lợi của bạn đọc và sự phát triển của Tuổi Trẻ. Trong các chương trình, nội dung và trải nghiệm của bạn đọc được đưa lên hàng đầu. Có thể kể tên những chương trình có tiếng vang: Cội nguồn con ở đâu?, Ngày của Phở, Ngày không tiền mặt, Tư vấn tuyển sinh & Hướng nghiệp…
Tuổi Trẻ cũng có chiến lược để thuyết phục những độc giả mới, trẻ trong sự lựa chọn ngày càng rộng mở của họ. Thị phần độc giả mà Tuổi Trẻ hướng tới vẫn tiếp tục là những người trẻ đô thị, Tuổi Trẻ sẽ cung cấp thật đầy đủ, thật sâu sắc mảng thông tin mà họ quan tâm nhất: giáo dục và việc làm.
Trong những cái khó Tuổi Trẻ vẫn có lợi thế rất lớn, đó là thương hiệu, uy tín và sự tin cậy của bạn đọc đã gầy dựng 45 năm nay. Và cũng vì vậy mà đòi hỏi của bạn đọc khi nào cũng cao hơn, khắt khe hơn, chính là động lực để Tuổi Trẻ phải đổi mới mạnh mẽ hơn, nhanh hơn mà vẫn giữ vững những giá trị cốt lõi của mình.
Là một tờ báo tiên phong sống bằng sự chi trả của bạn đọc từ "đêm trước đổi mới", những dự án và ước mơ ngày hôm nay của Tuổi Trẻ cho tương lai cũng sẽ chỉ trở thành hiện thực khi có bạn đọc.
Điều đáng mừng là Tuổi Trẻ luôn nhận được sự ủng hộ và đồng hành của bạn đọc dù chất lượng nội dung có lúc chưa thoả mãn được những trông đợi, đội ngũ Tuổi Trẻ cũng không tránh khỏi những lúc va vấp, sự nghiệp có lúc phải qua những khúc quanh thăng trầm.
Bạn đọc luôn sẵn lòng lượng thứ, chia sẻ và động viên Tuổi Trẻ. Có những bạn đọc thân thuộc đã gắn bó, vui buồn với Tuổi Trẻ suốt hàng chục năm qua.
Có những gia đình bạn đọc bốn thế hệ đều xem Tuổi Trẻ là món điểm tâm không thể thiếu hàng ngày. Họ thật sự là tài sản vô giá và là những người thân trong gia đình Tuổi Trẻ. Biểu đồ tăng trưởng tổng bạn đọc bình quân hàng năm của báo giấy và online luôn hướng lên.
Dù số phát hành báo giấy giảm nhưng mức tăng trưởng bạn đọc báo online lại cao hơn nên Tuổi Trẻ vẫn có thêm bạn đọc mới, bạn đọc trẻ của mình.
Tinh thần "phụng sự bạn đọc" luôn thấm đẫm trong máu Tuổi Trẻ bởi từ khi đất nước đổi mới, Tuổi Trẻ đã tự chủ tài chính bằng nguồn chi trả của bạn đọc. Đối với Tuổi Trẻ, có bạn đọc là có tất cả vì bạn đọc chính là người nuôi sống và góp phần quan trọng làm nên Tuổi Trẻ ngày nay.
Bạn đọc luôn kỳ vọng Tuổi Trẻ trở thành định chế tham khảo của báo chí Việt Nam. Khi có điều gì cần xác tín, bạn đọc không thể không tham khảo Tuổi Trẻ. Những kỷ lục mới của Tuổi Trẻ Online (về số lượt truy cập, số người xem đồng thời…) trong đại dịch Covid-19 cho thấy bạn đọc dù xem/nghe/đọc ở đâu vẫn tìm đến Tuổi Trẻ để kiểm chứng.
Vậy Tuổi Trẻ không có lý do gì không tiếp tục tận tâm, tận lực để vượt qua được thách thức tuổi 45, đáp ứng kỳ vọng trở thành tờ báo đa phương tiện đáng tin cậy và có nhiều bạn đọc nhất Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận