TTCT - Nếu gọi thế hệ U23 Việt Nam đoạt huy chương bạc tại Thường Châu, Trung Quốc năm 2018 là thế hệ vàng của bóng đá Việt, thì sáu năm sau, họ mới chỉ xấp xỉ 28, nhưng đa số lại bị xem là đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Trung vệ Đình Trọng mới 27 tuổi, nhưng đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp? Ảnh: Hoàng TùngTrong một chương trình bình luận và phân tích về bóng đá, thật ngạc nhiên khi những cầu thủ ở lứa 2018 gặt hái huy chương bạc U23 châu Á và vô địch AFF Cup bị xem là đã "già" và không còn tham vọng, dù họ đúng ra phải đang ở độ tuổi chín nhất trong đời cầu thủ.27, 28 tuổi không thể là giàCó thể liệt kê ra lứa cầu thủ từng mang lại những thành tích tốt nhất cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn 5 năm mà HLV Park Hang Seo dẫn dắt. Lớn nhất trong thế hệ này Quế Ngọc Hải và Đỗ Hùng Dũng thì đến tháng 5 và tháng 9 này mới tròn 31 tuổi, còn lại đa số dao động ở độ tuổi từ 27 - 29, gồm Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng, Nguyễn Tiến Linh, Hà Đức Chinh, thủ môn Bùi Tiến Dũng (cùng 27 tuổi), Đỗ Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy (cùng 28 tuổi), Công Phượng, Xuân Trường, trung vệ Bùi Tiến Dũng (cùng 29 tuổi)... Trẻ nhất trong lứa này là tiền vệ vừa nhận Quả bóng vàng Nguyễn Hoàng Đức (26 tuổi).Có thể nói đó là lứa tuổi đẹp nhất trong bóng đá khi đã qua mốc "trẻ người non dạ" và đã tích lũy cho bản thân rất nhiều kinh nghiệm trận mạc lẫn bản lĩnh cần thiết. Thế nhưng tại sao ở lứa tuổi đó thì cả một thế hệ bị "quy kết" vào danh sách "già" hay phong độ đi xuống và thiếu khát khao chinh phục?Có thể vì cách làm trẻ hóa thay máu, thay đổi cách chơi của HLV mới Philippe Troussier, muốn xóa đi lối chơi thực dụng của người tiền nhiệm ở đội tuyển Việt Nam, khiến đã có sự ngộ nhận họ là "người thừa" và bị gắn cho cái mác "già". Tuy nhiên, một thực tế rất rõ là sự sụt giảm về phong độ lẫn không thể trở lại sau chấn thương của nhiều cầu thủ mới chỉ bước vào tuổi đẹp 27 - 29.Vài so sánhMỗi cầu thủ một hoàn cảnh khách quan, nhưng sự sa sút gần như nhất loạt của thế hệ vàng không khỏi đặt ra nhiều dấu hỏi.Quang Hải sau chuyến đi Pháp và ngồi dự bị quá lâu đã đánh mất mình và bây giờ cầu thủ này đang nỗ lực tìm lại với sự giúp đỡ của nhiều người, nhiều HLV. Quang Hải may mắn chưa mất suất ở đội tuyển, nhưng để trở lại là Quang Hải từng tung hoành ở sân chơi tầm cỡ châu lục, bắt các đối thủ Tây Á ôm hận, hay khiến cả hàng thủ U23 Thái Lan toát mồ hôi hột thì chắc... còn xa.Hay trung vệ Trần Đình Trọng được xem là hiện tượng ở hàng thủ Việt Nam, sau ca phẫu thuật đã nôn nóng trở lại để rồi tái phát chấn thương và bây giờ ở tuổi 27, tìm lại hình ảnh trung vệ chơi bóng thông minh lịch lãm ngày nào đã là thách thức quá lớn với anh.Ngay đến những mẫu cầu thủ luôn thu hút truyền thông lẫn người hâm mộ, trưởng thành từ lứa học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG như Công Phượng, Xuân Trường... cũng thế. Đình đám từ U19 những năm 2013, 2014, xuống núi đá V-League năm 2015 khi mới bước sang tuổi 20, mà bây giờ đã có cầu thủ tính chuyện giải nghệ hay chuyển hướng sang lĩnh vực khác.Cũng lứa HAGL JMG đấy có cầu thủ sau khi trôi nổi qua nhiều đội bóng giờ không tìm ra CLB để đầu quân và đã sớm treo giày về quê tìm công việc khác để sinh sống.Đâu là nguyên nhân khiến "tuổi thọ" và phong độ của cầu thủ Việt Nam trôi qua nhanh như thế?So sánh với các cựu tuyển thủ Việt Nam như lứa Huỳnh Đức, Hồng Sơn... thì rõ ràng không phải do yếu tố thể chất hay dinh dưỡng. Hồng Sơn tuổi 30 vẫn còn đoạt Quả bóng vàng Việt Nam (2000) và trước đó năm 28 tuổi thì danh thủ này đã đoạt Quả bóng vàng 1998 và là cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á sau khi trở lại từ hai lần phẫu thuật gối. Hay Lê Huỳnh Đức ở tuổi 30 vẫn dự AFF Cup 2002 và là trụ cột lẫn chân sút chủ lực của đội tuyển quốc gia với nguồn thể lực dồi dào hơn nhiều cầu thủ trẻ lúc bấy giờ...So sánh với các đối thủ Đông Nam Á như Thái Lan càng thấy rõ hơn, cụ thể là với hai tên tuổi Theerathon Bunmathan (34 tuổi) và Chanathip Songkrasin (31 tuổi). Cả hai đều từng là trụ cột cho CLB thi đấu J-League của Nhật Bản và là những nhân vật không thể thiếu trong các chiến dịch lớn của đội tuyển Thái Lan. Mới đấy xem Theerathon thi đấu ở Asian Cup, không ai nghĩ cầu thủ đa năng này của Thái Lan đã 34 tuổi, anh rất mạnh mẽ và cực kỳ sung mãn. Chính Theerathon ở chung kết lượt về AFF Cup 2022 (lúc đấy 32 tuổi) cũng đã ghi bàn duy nhất trong trận thắng Việt Nam 1-0 (chung cuộc 3-2) giúp Thái Lan bảo vệ cúp vàng, còn AFF Cup trước thì Chanathip là người vượt qua rất nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam ghi bàn và ngăn thầy trò HLV Park Hang Seo bảo vệ ngôi số 1.Vẫn là tính chuyên nghiệpNếu "tuổi thọ nghề" giảm vì thế hệ trẻ tài năng đủ khả năng thay thế và vượt qua các đàn anh thì đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng với bóng đá Việt Nam lại không phải như thế.Trước hết phải nói đến ý thức chuyên nghiệp của cá nhân mỗi cầu thủ. Nếu Quang Hải hụt hẫng do chọn sai điểm đến ở châu Âu thì nhiều cầu thủ Việt chỉ biết "săn" V-League thông qua việc làm giá của người đại diện. Điều đó vô tình trở thành nguyên nhân cản trở ý thức chuyên nghiệp của cầu thủ. Thói quen lệ thuộc vào tài ra giá hay quan hệ của người đại diện (đa số là không chính thức, không bằng cấp) nhiều lúc làm cầu thủ không phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, lâu dài mà hay nghiêng nhiều về lợi ích trước mắt.Cũng có những cầu thủ bị CLB khai thác nặng tính thương mại mà vô tình làm thui chột. Những dòng nhật ký hay tự sự của Xuân Trường gần đây cho thấy rất rõ đời sống thiếu chuyên nghiệp của cầu thủ.Một khía cạnh khác là những ca chấn thương mà rất ít cầu thủ được tư vấn, theo dõi đầy đủ bởi đội ngũ y học thể thao phối hợp cùng HLV có tâm, tôn trọng việc hồi phục hoàn toàn của cầu thủ vì tương lai của họ, mà thay vì thế hay đốt giai đoạn cho thành tích nhất thời. Rõ nhất là sau chấn thương, dù chưa hồi phục hoàn toàn, Đình Trọng vẫn được gọi lên khoác áo U23 Việt Nam dự vòng loại châu Á, để rồi tái phát và sa sút luôn từ đó.Một yếu tố khác không thể không quan tâm là giải V-League đứng ở vị trí thứ 34 châu Á với 41,1 điểm, kém cả giải hạng 2 của Thái Lan 3 bậc (43,2 điểm). Tính chuyên nghiệp thấp tất nhiên dẫn tới nền tảng thấp liên quan đến CLB và ảnh hưởng lên cầu thủ. Có thể dẫn chứng bằng thực tế giữa cầu thủ Thái Lan và Việt Nam mà lứa Kiatisak hồi đến Việt Nam đá V-League đã lên tiếng: "Thời gian nghỉ chúng tôi tập bổ trợ tại phòng bằng dụng cụ tự chế thì tôi biết nhiều cầu thủ Việt Nam đi chơi phung phí sức và ăn nhậu...".■ Tags: Cầu thủ ViệtU23 Việt NamBóng đá ViệtNguyễn Quang hảiTuổi nghề
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...