Các em còn gặp nhau ở điểm chung: lớn lên từ vòng tay, lời ru của bà vì cha mẹ đã vội sớm đi về nơi xa.
Mồ côi từ lúc còn trong nôi
Ngôi nhà của em Nguyễn Thị Kim Chi (lớp 4 trường TH Châu Pha B, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) bé xíu xiu, tối như tò vò và nằm sâu hút trong một con đường đầy bùn lầy, trơn trượt. "Sáng nay cô hiệu trưởng Lý Kỳ Xuân Tâm phải đi dò hỏi cả buổi mới tìm được nhà em Chi đó", ông Đặng Phú Tôn (chuyên viên phòng giáo dục thị xã Phú Mỹ) nói
Kim Chi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi em 7 tháng tuổi. Ngôi nhà nhỏ là nơi sống tạm bợ của năm bà cháu. "Tôi còn hai đứa con gái nữa, nhưng chúng làm công nhân trên thành phố mấy tháng mới về nhà thăm con một lần. Vợ chồng tụi nó không khá giả gì nên tui trông con cho tụi nó luôn. Nên giờ một bà già trông bốn đứa cháu nheo nhóc là vậy", bà Ngọc - bà ngoại của Chi - cho biết.
Em Nguyễn Thị Kim Chi (phải) trông em phụ bà những khi ở nhà - Ảnh: CÔNG NHẬT
Kim Chi hầu như không nói suốt cả buổi, nép sau lưng bà khi thấy người lạ, và gương mặt đầy căng thẳng trước máy chụp hình, nên chúng tôi đành chụp hình bằng điện thoại. "Bé Chi học rất ngoan và khá chăm, nhưng lại nhát vô cùng, thấy cái gì cũng sợ, chắc do hoàn cảnh gia đình", cô Võ Thị Năm (phó hiệu trưởng) và bà ngoại Chi chia sẻ.
Cô Năm cũng cho biết nhà trường hỗ trợ Kim Chi chi phí sách giáo khoa và tặng một xe đạp, vì trước đây em phải đi bộ một quãng đường rất xa để đến trường. Kim Chi cũng được tạo điều kiện đi học thêm không tốn tiền.
Hiện giờ đã có xe đạp, nên "nhiệm vụ" của Kim Chi là chở em đi học mỗi khi đến trường, lúc về nhà thì phụ bà trông 3 đứa em còn lại, cũng như tuốt hạt điều.
Không một nụ cười
Tương tự như Kim Chi, em Trần Văn Hiếu (lớp 4 trường tiểu học Nguyễn Thị Định, phường Tân Phước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sớm mồ côi cha mẹ, và hiện sống cùng bà nội ở một căn nhà tình thương chuẩn quốc gia.
Cả cha và mẹ Hiếu đều qua đời vì căn bệnh thế kỉ, nhưng ngôi nhà chỉ trưng bàn thờ một người. Là con trai nên Hiếu khá mạnh mẽ, đôi mắt ráo hoảnh khi nghe bà nội đay nghiến về quá khứ người sinh ra mình.
"Tôi giận việc con dâu lây bệnh cho con trai tôi một, thì giận việc con dâu từng tìm cách chôn sống thằng Hiếu này mười, may mà tôi phát hiện kịp thời", bà Phạm Thị Kim Hồng - bà nội của Hiếu vừa xoa đầu cháu - vừa nói. May mắn, Hiếu không bị nhiễm bệnh từ cha mẹ.
Bà Hồng hiện đã 71 tuổi, tuổi già sức yếu, hơi bị lãng tai không thể đi quét chợ kiếm vài đồng cỏn con sống qua ngày như trước đây nên hiện thu nhập chủ yếu nhờ vào việc nuôi mấy con gà trong vườn.
"Đang mùa bóng đá nên mấy hôm nay nhà bị trộm gà suốt. Chỉ biết cậy nhờ mấy con chó giữ gà nhà dùm, chứ bà già với thằng nhỏ đâu biết làm gì", bà Hồng mếu máo.
Em Trần Văn Hiếu ngồi học bài cùng bà nội - Ảnh: CÔNG NHẬT
"Chỉ mong nó có ý thức tự học và học khá để tốt cho đời nó sau này, còn tôi có biết chữ đâu mà chỉ bảo", bà Hồng ngậm ngùi.
Hỏi Hiếu làm gì những lúc rảnh, em chỉ tay ra khoảng sân nhỏ trước mặt và nói rủ bạn đến chơi trước nhà. Khi được hỏi về môn học yêu thích hoặc công việc em yêu thích trong tương lai, Hiếu im lặng, cúi mặt lí nhí: "Em học dở lắm nên chẳng biết nữa".
Có những gương mặt bầu bĩnh, lứa tuổi lẽ ra đầy hồn nhiên nhưng đã sớm chớm muộn phiền và xa vắng nụ cười…
100 suất học bổng
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận