Hồ Kẻ Gỗ là một công trình thủy nông có tầm cỡ xây dựng sau khi chiến tranh vừa chấm dứt, đất nước thống nhất và bắt tay vào công cuộc tái thiết. Hồ thuộc huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), khởi công ngày 26-3-1976, nhân dịp kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đúng ba năm sau, hồ được đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho TP Hà Tĩnh và các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê.
Đi theo tiếng hát
Tôi nghe danh hồ Kẻ Gỗ lúc tóc còn xanh, qua bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ rất nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Tôi có đi ngang qua hồ Kẻ Gỗ vào thời điểm đang thi công giai đoạn đầu tiên. Một đại công trường với hàng chục nghìn người lao động miệt mài "tay anh phá đá, tay em đào sỏi". Lúc ấy, vật tư, nhiên liệu, lương thực... đều rất khó khăn.
Giờ trở lại hồ Kẻ Gỗ sau gần hơn 45 năm, tôi háo hức tận mắt chứng kiến kỳ công của thời gian khó. Mặt hồ thênh thang, xanh ngắt. Dưới sự bình yên này là biết bao tháng ngày cống hiến không mệt mỏi của những người sôi nổi đi theo câu hát "đất trời như vẫn vang vang lời trống giục".
Ông Nguyễn Viết Ninh, giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ, kể nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ, lực lượng thi công phải làm việc liên tục ba ca mỗi ngày, máy móc ít lắm, hầu hết làm bằng tay. Ăn uống thiếu thốn, cơm độn toàn khoai không đủ no, nhưng vẫn hào hứng lao động, say mê nghe bài hát của ông Nguyễn Văn Tý phát liên tục trên loa.
Có một thế hệ như vậy. Đấy là - thế hệ "sinh ra trong thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan". Khi họ có mặt trên công trường hồ Kẻ Gỗ, đa số chỉ đôi mươi, hoặc mới rời ghế nhà trường, hoặc vừa cởi áo lính trở lại đời thường. Đối với họ, máy móc tân tiến, phương tiện hiện đại là thứ phù du, chỉ có trong mơ. Những anh lái máy ủi được coi là "tầng lớp quý hiếm", có quyền "ngồi trên xe ủi anh nhớ những ngày hè". Còn các cô gái? Thôi thì nhiều vô kể, họ có mặt khắp nơi, toàn là "như da em nâu tươi màu suy nghĩ", chả ai lăn tăn chút son phấn.
Hồ Kẻ Gỗ do người Pháp quy hoạch và thiết kế với khối lượng 85 triệu m3 nước. Do Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi chiến tranh Đông Dương, nên người Pháp lãng quên công trình này. Từ nền tảng trước đây, ta tiếp nối và mở rộng sức chứa của hồ Kẻ Gỗ lên tới hơn 350 triệu m3 nước.
Bằng sức mạnh đôi bàn tay, của cả niềm tin và hy vọng, kỳ công hồ Kẻ Gỗ không chỉ đơn thuần là đại hạ tầng nông nghiệp, nó còn là giá trị của một lớp người luôn tỏa sáng ngay từ trong mỗi góc khuất. Lớp người có quan niệm sống thẳng tắp, không gợn chút băn khoăn, chân thành hướng về ngày mai tươi sáng.
Nỗi đau dưới lòng hồ
Ông Nguyễn Viết Ninh cho biết mặt hồ hiện nay rộng 27km2, nếu tính cả rừng bao quanh thì trên 43km2. Dưới đáy hồ vốn là một nơi hẻo lánh, toàn là rừng, lác đác một vài ngôi nhà nghèo nàn. Thời chiến tranh, đi qua đấy là con đường chiến lược 21 và 22.
Đặc biệt hơn cả, sân bay dã chiến Libi (tên một khe nước) đang được bí mật xây dựng. Nhiệm vụ của sân bay là tiếp vận hàng sang Lào. Nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt cho hai con đường chiến lược và thực hiện thi công sân bay, không ít đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) đã phải ngày đêm có mặt trên điểm nóng này.
Không quân Mỹ liên tục bắn phá, biến nơi đây thành lòng chảo biển lửa. Qua những chứng cứ nóng bỏng nhất được nhớ lại, được cẩn thận sưu tập và giữ gìn, tôi có cảm giác chỗ nay gọi là lòng hồ Kẻ Gỗ ác liệt không kém Ngã Ba Đồng Lộc, Khe Giao, Đèo Ngang, Linh Cảm - những túi bom của tỉnh Hà Tĩnh.
Rà lại danh sách còn lưu, tôi thấy có 30 liệt sĩ của bốn đại đội TNXP, đa số là nữ, còn rất trẻ. Hy sinh vào các năm 1966, 1967, 1968 tại địa danh Đá Bạc thuộc đường 22. Họ đều là đồng hương, phần đông quê ở Bình Lục, Hà Nam Ninh (cũ). Tôi không biết lúc ấy bao nhiêu đơn vị TNXP rải quân trên mặt đường 21 và 22. Tôi cũng không thấy thống kê chính thức nêu rõ số người ngã xuống. Nhưng tôi tin rằng tổn thất thật sự lớn hơn con số ghi nhận. Chiến tranh bao giờ chẳng thế, nào thể xác minh đầy đủ những mất mát đau thương.
Tại sân bay Libi, chỉ trong ngày 7-1-1973, 32 người thiệt mạng trong một trận tập kích của máy bay B52. Họ đều là công nhân đang xây dựng sân bay, 30 người quê ở Hà Tĩnh, 2 người còn lại quê ở Nghệ An, trong số này có tới 16 phụ nữ. Đây là những người cuối cùng hiến thân cho sân bay Libi. Sau trận bị B52 hủy diệt, sân bay ngừng thi công do bị lộ.
Điểm nhấn nghĩa tình
Trong quá trình thi công hồ Kẻ Gỗ, do gấp gáp, lại không có tài liệu lưu trữ, nên việc đưa hài cốt bộ đội và TNXP ra khỏi lòng hồ không được thực hiện một cách đầy đủ. Sau khi hồ tích nước và vận hành, khu vực mặt trận năm xưa trở nên xa cách, chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền.
Năm 2005, các ngư phủ phát hiện nhiều ngôi mộ trồi lên khi nước rút gần như cạn kiệt. Chính quyền sở tại lập tức tổ chức di dời các ngôi mộ về nơi an táng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần, chắc hẳn còn không ít ngôi mộ nữa vẫn chưa được tìm thấy và đưa về nơi quy tập.
Năm 2012, trong một lần tham quan hồ Kẻ Gỗ, đoàn cán bộ của Sở GTVT TP.HCM quyên góp được một khoản tiền khiêm tốn, giao lại cho cơ quan chức năng lập một miếu nhỏ, làm chỗ thờ cúng những người đã khuất. Với khát vọng tri ân, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phối hợp cùng tạp chí Đầu Tư Tài Chính - VietnamFinance để vận động nguồn vốn xã hội hóa nhằm nâng cấp miếu thờ thành đền thờ và khu di tích tưởng niệm các liệt sĩ.
Dự án rộng 2.000m2, tọa lạc trên một khu đất ven hồ Kẻ Gỗ. Dự kiến tổng chi phí khoảng 10 tỉ đồng. Nhờ sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương, công trình hoàn thành giai đoạn 1 từ hồi đầu tháng 1-2023, gồm đền thờ chính và cảnh quan tổng thể, với chi phí 4,3 tỉ đồng. Giai đoạn 2 - giai đoạn hoàn thiện - sẽ kết thúc vào dịp kỷ niệm 30-4 sắp tới.
Ông Hoàng Anh Minh, tổng biên tập tạp chí Đầu Tư Tài Chính - VietnamFinance, cho rằng công trình sẽ là một điểm nhấn có ý nghĩa, kết nối cùng thiên nhiên tươi đẹp, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào "uống nước nhớ nguồn" và mở rộng phát triển du lịch hồ Kẻ Gỗ. Rất cần một điểm nhấn như vậy để mọi người có thể tụ hội, nhớ lại chiến trường khốc liệt, nhất là để không quên những người ra đi không trở về.
Đền thờ Lê Duẩn
Hiện ở hồ Kẻ Gỗ đang có đền thờ cố Tổng bí thư Lê Duẩn - người có nhiều quyết sách quan trọng giúp tỉnh Hà Tĩnh đi lên sau chiến tranh. Công trình nằm trên đỉnh một đảo nhỏ gần bờ, có cầu dài 137m từ đất liền ra. Đây là nơi ông Lê Duẩn từng nghỉ lại một đêm trong chuyến đi thăm hồ Kẻ Gỗ.
Đền hoàn thành năm 2014. Kiến trúc giản dị với những hàng cột lim chắc chắn. Từ trên cao nhìn xuống đền như một đài hoa bát giác, đường lên đền là 57 bậc thang được lát đá xứ Thanh màu xám vững chãi. Hằng năm, có khá nhiều du khách đến tham quan và thắp hương tại đền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận