Hiện nay tình trạng học sinh sử dụng các loại thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử không hề hiếm gặp. Nhiều phụ huynh khi phát hiện con mình hút thuốc nhưng đành bất lực dù đã sử dụng nhiều biện pháp từ khuyên bảo đến cấm đoán.
Anh N.V.P. (48 tuổi, Đồng Nai) kể vào đầu năm học lớp 9, con trai anh bắt đầu có những biểu hiện bất thường khi thường xuyên ở lâu trong nhà vệ sinh, trên người hay có mùi lạ như cam, bạc hà, chanh...
Vì bận bịu công việc gia đình không để ý. Đến khoảng nửa tháng sau đó, anh P. bất ngờ nhận được cuộc gọi của cô giáo chủ nhiệm cho hay phát hiện con anh mang thuốc lá điện tử đến lớp hút cùng bạn bè.
"Cố gắng hỏi thì con nói khi đi học bạn bè có hút, "dụ" hút cùng vài lần để thể hiện bản lĩnh đàn ông, rồi nghiện thuốc lúc nào không hay.
Gia đình liền làm căng từ việc khuyên bảo đến cấm đoán, cắt tiền ăn sáng nhưng chỉ được một thời gian, đến lớp con lại bị bạn bè lôi kéo. Tôi rất hối hận vì đã không lắng nghe và để ý đến con nhiều hơn", anh P. tâm sự.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ThS.BS Nguyễn Hữu Hoàng, chuyên khoa hô hấp, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết ở trẻ từ 15-20 tuổi các tế bào não chưa phát triển hoàn toàn, rất dễ nhạy cảm, trẻ học tập rất nhanh.
Chính vì vậy rất dễ nghiện như: game, thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích hoặc những hành vi mạo hiểm.
Theo bác sĩ Hoàng, chất độc nicotin (một chất gây nghiện mạnh) có trong thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể, học sinh dễ dàng lệ thuộc vào chúng.
Dấu hiệu để nhận biết trẻ hút thuốc lá như người sẽ có mùi thuốc lá, thần kinh không ổn định dễ bị kích thích, bồn chồn, dễ cáu gắt.
Thuốc lá làm trẻ giảm chất lượng giấc ngủ, giảm sút khả năng học tập giao tiếp, rối loạn tâm lý về hành vi.
Đáng nói hiện nay tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử sau đó chuyển qua thuốc lá truyền thống... Khi lượng nicotin có trong thuốc lá điện tử không đủ đáp ứng học sinh sẽ chuyển qua thuốc lá truyền thống và làm quen rất nhanh.
Do đó khi phát hiện con mình nghiện thuốc lá các bậc phụ huynh phải hết sức bình tĩnh, không la rầy con cái, tìm gốc rễ để giải quyết vấn đề.
Cần tâm sự, phân tích và từng bước cùng con vượt qua sai lầm. Càng cấm đoán, trẻ càng không nghe lời rất khó kiểm soát.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo các bậc phụ huynh cố gắng dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái, lắng nghe con nhiều hơn. Hiện nay các phòng khám, bệnh viện có rất nhiều nơi có thể tư vấn, điều trị thuốc lá, phụ huynh có thể tìm đến để giúp con mình cai nghiện thuốc lá.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác truyền thông phổ biến thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong môi trường học đường.
Cấm sử dụng thuốc lá điện tử từ năm 2025
Theo Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.
Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Gia tăng trẻ em sử dụng thuốc lá, đặc biệt thuốc lá điện tử sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe cho thế hệ trẻ.
Ngày 30-11-2024, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trước những nguy cơ từ thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận