Huy động 35 xe tưới nước dập bụi, tần suất 5 lần/ngày
Thông tin mới nhất từ ACV, chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan trong công trường chấn chỉnh hoạt động di chuyển của các phương tiện xe máy, thiết bị và duy trì việc tưới dập bụi hệ thống đường công vụ trên công trường dự án.
Các liên danh nhà thầu thi công dự án đã sử dụng đội xe với 35 xe bồn tưới nước chuyên dụng thực hiện tưới nước hạn chế bụi phát tán trên công trường (tần suất đảm bảo tối thiểu 5 lần/ngày).
Ngoài kế hoạch tưới nước được giám sát kỹ, ACV yêu cầu nhà thầu phải lắp định vị trên xe tưới nước để sẵn sàng giám sát làm đúng kế hoạch lịch trình, tần suất, phạm vi tưới nước.
Chủ đầu tư nghiêm cấm các đơn vị thi công cho các phương tiện lưu thông ngoài tuyến đường công vụ và tuyệt đối không băng qua các khu vực đất trống khi không có hoạt động thi công. Các trường hợp vi phạm sẽ bị đình chỉ và không cấp phép hoạt động trên công trường.
Trồng cỏ để giảm bụi cũng được ACV tính tới. Cụ thể, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện ngay các công tác trồng cỏ để giữ bề mặt đất và chống bụi, chống trôi tại các khu vực mái ta luy, bề mặt san nền sau khi thi công xong đến cao độ hoàn thiện (khu vực 722ha).
Mục tiêu đến mùa mưa năm nay sẽ phủ kín cỏ các khu vực trên, hạn chế tối đa được lượng bụi phát tán vào không khí.
Ngoài ra, phương án rửa trôi bùn đất bám theo phương tiện vận chuyển, tránh rơi vãi xuống đường khi ra khỏi khu vực dự án được tính tới. Trước mắt, chủ đầu tư sẽ triển khai xây dựng và hoàn thiện hai hệ thống trạm rửa xe tại vị trí các cổng kiểm soát. Điều này bảo đảm phương tiện ra vào được rửa trôi bùn đất tránh không để phát tán bụi, đất ra ngoài phạm vi công trường...
Tận dụng mùa khô tăng tốc thi công
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án sân bay Long Thành cho biết sẵn sàng tiếp nhận các phản ánh để khắc phục, trong đó có sự cố bụi đỏ mịt mù ảnh hưởng đến người dân và tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Vị này cho rằng dự án giai đoạn 1 sân bay Long Thành triển khai trên diện tích rất rộng hơn 5.000ha đang trống trải. Công tác san nền (đào, đắp, vận chuyển đất khoảng 115 triệu m3) đã để lộ lớp đất mặt giữa thời tiết nắng nóng.
Lớp đất ở đây có đặc thù là khi mưa thì rất nhão và lầy, khi khô hanh lại cứng và hình thành lớp đất mặt khô, dễ tơi và bốc bụi. Cộng với hiện tại là mùa khô, nắng nóng gay gắt... dễ gây phát tán bụi ra ngoài phạm vi công trường.
"Dự án đang gấp rút tiến độ, xe cộ tấp nập không tránh khỏi bụi đất hình thành. Phía chủ đầu tư đang gấp rút triển khai phương án hạn chế bụi" - vị này khẳng định.
Theo số liệu từ chủ đầu tư, trên công trường hiện nay có hơn 350 máy móc, trang thiết bị cùng gần 1.500 kỹ sư, công nhân tận dụng tối đa thời tiết, quyết liệt triển khai thi công.
"Vì vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) lớp đất mặt rất nhão và lầy, gây nhiều khó khăn cho việc thi công. Do đó, chúng tôi tận dụng tối đa thời tiết mùa khô để thi công" - vị này nói.
Khó áp dụng chống bụi bằng phun polime
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã được phê duyệt, giải pháp chống bụi bằng phun polime không được áp dụng. Đồng thời, công nghệ này cũng chưa được phổ biến ở Việt Nam để chủ đầu tư có cơ sở tham khảo áp dụng.
Mặt khác, với diện tích rộng lên đến hàng ngàn héc ta và nhiều khu vực đang tiếp tục thi công các công trình kết cấu hạ tầng dự án thành phần 3 cũng như các khu vực thi công của các dự án thành phần khác, việc áp dụng công nghệ nêu trên dẫn đến chi phí thực hiện là rất lớn.
ACV cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng các giải pháp phù hợp khác, có hiệu quả kinh tế kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng phát tán bụi trên công trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận