Dạo gần đây cụm từ "chữa lành" nổi lên như một thông điệp vỗ về ủi an người trẻ với nhiều nội dung và hình thức mang tinh thần tích cực.
Ban đầu nó được đón nhận như một thông điệp tích cực thực sự. Rồi vì sao càng lúc người ta càng "ngán", có lúc nhắc về chữa lành kèm một thái độ mỉa mai? Đó theo tôi là vì hiện tượng này tiềm ẩn một cách tư duy ít nhiều tiêu cực.
Xung quanh chúng ta dần tràn đầy những lời khuyên nên sống vô thường, không cần biết ngày mai ra sao.
Không cần phải quá tham vọng, quá chăm chỉ, quá cố gắng, cuộc sống cần phải cân bằng, chỉ cần mỗi ngày vui vẻ hưởng thụ phút giây thực tại. Không cần áp lực vì công danh sự nghiệp là phù du. Không cần cố mà vào được đại học. Không cần rèn luyện tay nghề giỏi và cạnh tranh với ai vì ngoài kia vẫn có những người không thành công mà không cần học đại học…
Thay vì chữa lành, hãy khát khao, tham vọng
Mọi người được khuyên hãy tận hưởng tuổi trẻ, yêu chiều bản thân, hưởng thụ những gì đang có để trở nên hạnh phúc, không phải hối tiếc về sau... và gọi đó là "chữa lành".
Nhưng chính những cách sống và suy nghĩ núp dưới mỹ từ "chữa lành" như vậy, theo tôi sẽ khiến cho chúng ta có thể phí hoài tuổi trẻ và phải hối tiếc về sau này.
Sao không có tham vọng, khát khao và nỗ lực nhiều nhất có thể? Sao không cố gắng vào được đại học và hơn thế nữa, hãy cố đậu vào những trường ĐH tốt nhất để sau này cơ hội việc làm rộng mở hơn người khác?
Sao không cố gắng ra trường chen chân vào làm việc ở những tập đoàn tốt nhất với mức lương cao vì có lợi thế ngoại ngữ và các kỹ năng chuyên môn vượt trội người khác?
Nếu chọn những ngành nghề năng khiếu thì hãy cố trở nên xuất sắc vượt trội ít nhất là ở chính nơi mình đang sống và làm việc bất kể thành thị hay nông thôn.
Nếu đang kinh doanh nhỏ thì cũng mang trong mình mục tiêu là người bán hàng tốt và cạnh tranh nhất về chất lượng và dịch vụ quanh đấy.
Nếu là người làm công hay lao động phổ thông cũng làm sao cho chủ thấy nếu phải cắt giảm nhân sự vào một ngày nào đó thì người bị lựa chọn đầu tiên không phải là mình, và khi công ty phát triển chọn một trong số công nhân lên quản lý thì người đó phải là mình.
Trẻ không xông pha, về già chữa lành cũng chẳng kịp
Tuổi trẻ đừng dễ hài lòng với những gì đang có, đừng nghĩ mình đã quá vất vả để mà tùy tiện nghỉ ngơi bất kỳ khi nào mình muốn, đừng tự cho mình bị tổn thương và cần chữa lành.
Tuổi trẻ là sức khỏe đỉnh cao của đời người, là lúc trí tuệ ở trạng thái tốt nhất để thu nạp kiến thức làm mình giỏi hơn mỗi ngày, là thời điểm con tim đầy nhiệt huyết, nên chẳng có lý do gì mà trì hoãn việc lao ra ngoài lao động và học tập với cường độ cao nhất.
Vì chỉ có như thế chúng ta mới trở nên bản lĩnh, mạnh mẽ và phấn đấu đạt được những gì chúng ta mong ước...
Đừng quên rằng khi ta đã trưởng thành và có thể tự ra đời kiếm sống là lúc cha mẹ sẽ không còn có trách nhiệm với cuộc đời của mình nữa. Mình sẽ thấy xấu hổ nếu vẫn còn ngửa tay xin tiền cha mẹ dù rằng họ giàu có đi chăng nữa.
Rồi thời gian trôi qua rất nhanh, bạn cũng trở thành những bậc cha mẹ.
Lúc đó mà bạn bè có điều kiện lo cho con học những trường tốt, không lăn tăn đầu tư cho con học những môn năng khiếu và ngoại ngữ, bạn lại đau đáu tiền chợ chưa đủ hôm nay, tiền xăng chưa có mỗi ngày thì lấy đâu ra mà cho con.
Bạn ở tuổi ấy cũng là lúc cha mẹ già yếu và ốm đau nằm viện, hai hàng nước mắt khóc thương sẽ trở nên vô nghĩa nếu như trong túi không còn đủ tiền mua một mũi thuốc giảm đau, một thang thuốc bổ cho họ... Lúc đó mới cần chữa lành và khả năng cao chẳng thể lành được.
Nên bây giờ khi còn trẻ, còn sức và dư nỗ lực, các bạn trẻ không cần phải chữa lành, không có thời gian để cho các bạn chữa lành, cứ xông pha nhào ra làm việc và học tập. Thất bại thì làm lại, làm đến khi nào được thì thôi.
Còn trẻ còn nhiều cơ hội, nhưng sẽ không có cơ hội nào thành công nếu bạn không chịu nắm bắt.
Tỉnh táo lên nào các bạn.
Thay vì chữa lành, chúng ta cần làm cho mình mạnh mẽ và bền bỉ hơn để mà vượt qua và về đích một cách kiên cường như những vận động viên marathon, vì cuối hành trình chúng ta sẽ được cuộc đời trao cho tấm huy chương mang tên "không hối tiếc".
Nói tóm lại, tuổi trẻ đâu nhất thiết hở chút phải chữa lành. Chữa lành dành cho những người yếu đuối và đang bị tổn thương mà thôi.
Bạn có khi nào có mong muốn được chữa lành? Theo bạn, những chia sẻ "muốn đi chữa lành" của bạn trẻ trên mạng xã hội chỉ để cho vui hay phản ánh mong muốn thật sự của họ? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm mail [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận