28/07/2014 12:33 GMT+7

Tuổi 70

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Nhiều năm nay bà Trần Tố Nga đã không nghỉ ngơi với những hoạt động xã hội, từ thiện. Năm nay tuổi 72, mang trong mình hàng chục chứng bệnh có thể bộc phát bất kỳ lúc nào, lịch làm việc lại càng dày đặc vì các cuộc phỏng vấn, họp báo, ghi âm, ghi hình, gặp gỡ liên miên xung quanh vụ kiện, các chuyến bay Pháp - Việt liên tiếp.

mJr2ixNR.jpg
Bà Trần Tố Nga - Ảnh: Tự Trung

Không phải lần đầu tiên có một vụ kiện da cam, nhưng đây là lần đầu tiên hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam có được đại diện là một công dân quốc tế sáng giá như bà.

“Đại diện cho người Việt Nam”

Hiểu biết, thông minh, sắc sảo và đẹp, Trần Tố Nga gây ấn tượng ở bất cứ nơi nào bà xuất hiện. “Câu chuyện của tôi rất nhỏ, rất bình thường so với các nạn nhân khác...”, khi nào bà cũng bắt đầu như vậy. Và bà kể về những nạn nhân chất độc da cam mình đã đến thăm ở Hòa Bình, Nam Định, những thảm kịch “diệt gia tộc” cứ đeo đẳng từ đời này sang đời khác. Trong những hồ sơ bà chuẩn bị cho vụ kiện của mình, ngoài những kết quả giám định sức khỏe, phân tích khoa học, ngoài những chứng cứ về sự có mặt của mình ở vùng bị rải chất độc, còn có một tập ảnh của các nạn nhân, những tấm ảnh đã làm những người bạn Pháp của bà sửng sốt. Đó là nụ cười trên những gương mặt bị bóp méo, là những sản phẩm thủ công được làm ra bởi những bàn tay quặt quẹo, là những bước đường đi qua bởi những bàn chân cong queo... Lần nào giở cuốn album, bà cũng nhắc những người xem ảnh: “Không nên nhìn họ bằng cặp mắt thương cảm, thương hại. Hãy cảm thông và nhìn nhận đúng đắn lòng dũng cảm và nhân cách của họ. Họ đang vật lộn tranh đấu cho cuộc sống của mình, và rất cần được giúp đỡ đúng cách như là đào tạo những nghề nghiệp phù hợp. Lúc nào tôi cũng lo lắng khi những thế hệ nạn nhân chất độc da cam thứ nhất qua đời, thế hệ nạn nhân thứ hai, thứ ba liệu có còn được ai giúp đỡ?”.

Vì thế mà bà đấu tranh. Nộp đơn kiện, bà Nga bảo chỉ mong các công ty hóa chất từng sản xuất chất độc da cam chấp nhận nhìn lại việc mình đã làm, tìm hiểu hậu quả của sản phẩm ấy đã để lại trên con người, trên môi trường Việt Nam, và cùng chung tay với người Việt Nam để giải quyết: xoa dịu nỗi đau, tẩy độc môi trường. “Thực hiện những việc nhân đạo này trên tinh thần trách nhiệm chỉ làm tăng thêm uy tín của họ mà thôi” - bà lặp lại.

Những người bạn của bà như ông André Menras (Hồ Cương Quyết) đã từng tổ chức cuộc biểu tình lớn tại Pháp để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tố cáo các công ty hóa chất sản xuất chất “diệt người”, từ ngữ mà ông dùng. Các hội đoàn ủng hộ nạn nhân chất độc da cam như ADEP, Vietnamamitié cũng từng gửi thư phản đối việc Tập đoàn hóa chất Dow Chemical tài trợ và treo bảng quảng cáo tại Thế vận hội quốc tế Olympic London 2012. “Chừng nào Dow Chemical còn tỏ thái độ tiêu cực với các nạn nhân thì không có chỗ cho Dow Chemical ở sân chơi đầy sức sống, đầy hi vọng, tiến bộ và hòa bình như Olympic”, những lá thư đã được gửi đi khắp thế giới nhấn mạnh... “Các tập đoàn hóa chất Mỹ rất lớn và những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam rất nhỏ bé, tại sao họ lại không thể nhận trách nhiệm, tôn trọng luật lệ dù đã từng bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ? Vin vào lý do chiến tranh, họ phủ nhận đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam, vậy thì đã có tôi tiếp tục với tư cách là công dân Pháp. Là công dân Pháp nhưng tôi là đại diện của hàng triệu người Việt Nam. May mắn hơn nữa, tôi được rất nhiều người giúp đỡ” - bà Trần Tố Nga nhấn mạnh một lần nữa.

MekJo0ND.jpg
Nạn nhân chất độc da cam - Ảnh: Nguyễn Á

Cuộc chiến pháp lý

“Nước Mỹ đương nhiên không sẵn lòng để cho các công ty hóa chất bị buộc tội công khai là đã gây ra thiệt hại như là chiến tranh hóa học. Họ có thể phản đối, họ có thể sử dụng những khía cạnh khác nhau giữa luật pháp của Pháp và Mỹ. Vụ kiện này, vì thế đương nhiên sẽ rất khó khăn, rất phức tạp, rất lâu dài, có thể gọi là một cuộc chiến pháp lý nhưng chúng tôi cũng rất quyết tâm” - luật sư William Bourdon nói. Ông giải thích về quyết tâm của mình và các cộng sự: “Chất độc da cam rơi xuống con người, xuống các rừng cây, thấm vào lòng đất là cả một thảm họa. Thảm họa với con người, với môi trường, và còn kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy mà chúng tôi quyết tâm”. Tham gia Hội Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam từ nhiều năm, luật sư William Bourdon đã từng trở đi trở lại Việt Nam, từng gặp gỡ nhiều nạn nhân chất độc da cam ngay trên giường bệnh, trên xe lăn. “Chúng tôi sẽ đi tới cùng”, ông khẳng định bằng quyết tâm nghề nghiệp và tình cảm trong trái tim mình.

Các cộng sự trẻ của ông, luật sư Bertrand Repold và Amélie Lefebvre, chưa bao giờ biết thế nào là chiến tranh, sau khi đọc những hồ sơ, báo cáo cũng đã tự thân đến Việt Nam để hiểu thế nào là chất độc da cam. “Đến Việt Nam, tôi đã hiểu tại sao phải tiến hành và theo đuổi vụ kiện. Nạn nhân còn đó, con cháu họ cũng lại tiếp tục trở thành nạn nhân. Những vùng đất bị nhiễm độc vẫn còn đó. Chúng tôi có nhiệm vụ tìm cho ra người phải chịu trách nhiệm, không chỉ với bà Trần Tố Nga, thân chủ của chúng tôi, mà với tất cả những nạn nhân. Nếu chiến thắng, vinh quang ấy sẽ dành cho các nạn nhân chất độc da cam” - cô Amélie Lefebvre xúc động nói.

Và không chỉ có văn phòng luật sư William Bourdon. Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam của ông André Bouny cũng hết sức vận động để ủng hộ vụ kiện. “Vụ kiện này chưa có tiền lệ tại Pháp nên mọi thủ tục pháp lý đều phải thiết lập từ đầu. Kêu gọi công lý với các công ty Mỹ đã khó, các vấn đề kỹ thuật lại cũng rất khó khăn. Phải biên dịch toàn bộ tài liệu và phụ lục từ tiếng Pháp sang tiếng Anh, thừa phát lại Pháp phải trao cho 35 thừa phát lại tại Mỹ (tương đương số công ty hóa chất liên quan) thông qua thủ tục công tố ngoại giao. Chúng tôi có thể lường trước là một đội ngũ luật sư Mỹ thiện chiến sẽ được huy động, nếu bị tuyên bất lợi họ sẽ kháng án. Các phiên điều trần được tổ chức cách nhau nhiều tháng, những trao đổi qua lại đều sẽ phải thông qua thủ tục ngoại giao... Sẽ rất tốn kém và tất nhiên bà Nga không thể chi trả được” - ông André Bouny giải thích. Ông cùng tổ chức của mình đã kêu gọi sự hỗ trợ trên các diễn đàn quốc tế, gửi thư, tin tức đến các hội đoàn, cá nhân ủng hộ Việt Nam. “Quỹ thời gian của các nạn nhân chất độc da cam đang cạn dần với những chứng bệnh mà họ phải chịu đựng. Chúng tôi sốt ruột, và chúng tôi đang tiến hành mọi việc với tốc độ cao dù không thể biết khi nào vụ kiện sẽ có kết quả. Vẫn phải đi tới. Cũng như trong chiến tranh, chúng ta biết điểm bắt đầu mà không biết được điểm kết thúc”.

“Chúng tôi đi tới, chúng tôi không thoái lui” - thêm một lần nữa tôi nghe được câu khẳng định ấy trong câu chuyện về vụ kiện da cam, về truyền thống trong gia đình bà Trần Tố Nga. Truyền thống ấy đã khởi đi từ rất sâu, rất xa, từ trong tình yêu quê hương, con người thấm trong tiềm thức, ngập đầy con tim và thể hiện ra ngoài bằng cuộc sống, hành động của từng người, từng thế hệ trong gia đình bà. “Và tôi chỉ là một. Dù đứng đơn kiện một mình nhưng tôi không đơn độc, tôi được sự ủng hộ của rất nhiều người có trái tim nhân hậu ở khắp nơi trên thế giới. Tôi rất biết ơn họ” - bà Trần Tố Nga nói và tiếp tục đi trên con đường mới đầy chông gai ở tuổi 72.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên