19/08/2011 20:00 GMT+7

Tuổi 22 của người nổi tiếng - Kỳ 8: Nhà sản xuất âm nhạc Sean "Diddy" Combs

BRAD DUNN
BRAD DUNN

TTO - Sean “Diddy” Combs bước sang tuổi 22 vào ngày 4-11-1991. Khởi đầu đầy hứa hẹn của Sean Combs trong làng nhạc hip-hop đã gần như bị sụp đổ vì một thảm kịch.

OgXy5P8p.jpgPhóng to
TTO - Sean “Diddy” Combs bước sang tuổi 22 vào ngày 4-11-1991. Khởi đầu đầy hứa hẹn của Sean Combs trong làng nhạc hip-hop đã gần như bị sụp đổ vì một thảm kịch.

Vào năm 21 tuổi, ông là đứa con vàng ngọc của một hãng rap lớn. Nhưng ở tuổi 22, tất cả mọi người đều đổ tội cho ông sau khi chín người đã bị giẫm đạp đến chết tại một đêm nhạc rap. Ông bị mất việc, và theo lời bạn bè ông thì ông đã hoàn toàn tê liệt vì thảm kịch đó. Ngôi sao may mắn của ông dường như đã biến mất.

Sinh ra tại Harlem, New York, Combs đã trải qua một tấm thảm kịch rất sớm trong đời khi cha của ông bị bắn chết tại Central Park. Combs lúc đó mới 3 tuổi. Khi ông lên 12 tuổi, mẹ ông đã chuyển gia đình lên phía bắc thành phố ở Mount Vernon và ghi danh ông vào một trường học toàn bé trai. Ông đã học tập tốt và có đủ điểm để đến học tại đại học Howard, Washington, D.C., môi trường đã giúp nâng cao tinh thần kinh doanh của ông. Combs kiếm được nhiều tiền bằng việc bán quảng cáo cho các buổi tiệc và các buổi hòa nhạc tại gia.

Tuy nhiên, con đường tiến thân trong kinh doanh đó vẫn không đủ nhanh đối với Combs. Sau hai năm, ông đã bỏ học, trở về New York, và cố gắng tìm việc tại một hãng ghi âm hip-hop. Ông đã tìm được một công việc tập sự ở Uptown Records, nơi ông giúp sản xuất nhiều đĩa đơn trở thành bài hit, trong đó có Forever My Lady của Jodeci năm 1991. Người chủ hãng thu âm rất ấn tượng với tài năng của Combs nên đã thăng chức cho ông từ một tập sự viên lên thành phó chủ tịch bộ phận quảng cáo. Trong khi bạn bè của ông chuẩn bị tốt nghiệp trường Howard, Combs đã trở thành một người thừa kế chức vụ cao cấp của một hãng thu âm lớn.

Nhưng tất cả đã thay đổi vào ngày 28 tháng Mười Hai năm 1991.

Combs đã nghĩ ra ý tưởng về việc tổ chức một trò chơi bóng rổ diễn ra song song với đêm nhạc rap từ thiện ở Harlem, nên ông đã mời Mike Tyson và những người nổi tiếng khác tham gia. Ông rất tích cực quảng cáo cho sự kiện này trên đài phát thanh và báo chí. Ông đã thu hút được sự quan tâm rất lớn đến mức vào đêm diễn có hơn 5.000 người xếp hàng bên ngoài phòng tập thể dục có sức chứa chỉ 2.700 người. Khi người ta đóng cửa và lấy bàn chặn nó lại, hàng trăm người có vé trên tay lo sợ họ sẽ không vào được. Một đám đông người hâm mộ tức giận đã phá vỡ cửa và đổ vào một hành lang nhỏ nơi cửa vào phòng tập đã bị đóng lại. Khi đám đông ép vào, 9 người đã bị xô đẩy đến chết và 27 người khác bị thương.

Chính Combs cũng ở trong cuộc náo loạn và là một trong những người cuối cùng vào được phòng tập trước khi người ta bắt đầu giẫm đạp lên nhau. Sau này ông đã khai rằng khi ông quay lại, ông thấy khuôn mặt của nhiều người bị đè bẹp. “Bạn có thể thấy sự hoảng sợ trên khuôn mặt của tất cả mọi người”, ông kể. Nhưng có nhiều luồng thông tin khác nhau liên quan đến sự có mặt của Combs tại đêm diễn. Một số nhân chứng cho biết họ thấy ông giúp sơ cứu cho các nạn nhân. Nhưng những người khác lại nói rằng họ thấy ông vẫn thản nhiên đếm tiền với hai người phụ nữ trong khi người ta đang xô đẩy nhau đến chết.

Mặc dù cảnh sát không quy tội hình sự đối với Combs, các nhà điều tra cho biết ông là người phải nhận lỗi về việc bán vượt số lượng vé so với số ghế đủ cho đêm nhạc và không bảo đảm an ninh cho buổi diễn. Những người sống sót và gia đình của các nạn nhân đã khiếu kiện dân sự đối với ông... Cuối cùng thì mọi thứ đã được giải quyết ổn thỏa mà không phải đưa ra tòa, nhưng sau đó một thẩm phán đã chỉ trích Combs gay gắt về trách nhiệm của ông trong vụ thảm kịch: “Chúng ta không cần phải là Einstein mới biết được rằng những người trẻ tuổi đã trả đến 20$ cho một vé tham dự đêm nhạc rap được ngụy trang là ‘trò chơi bóng rổ của những người nổi tiếng’ sẽ rất bực mình và khó kiềm chế nếu họ không được vào tham gia sự kiện này chỉ với lý do là nó bị bán vượt số lượng”, thẩm phán đã viết.

Bảy năm sau sự cố này Combs mới đứng ra tự khai, và ông bắt đầu bằng việc gửi lời xin lỗi đến các gia đình: “Không có ngày nào trôi qua mà tôi không hối tiếc về sự thật rằng tôi là người tổ chức sự kiện bi kịch này... Tôi đã sống với nỗi kinh hãi về đêm đó trong suốt bảy năm qua. Nhưng nỗi đau của tôi chẳng thấm vào đâu so với những gì mà gia đình của các nạn nhân đã phải đối mặt. Tôi vẫn luôn cầu nguyện rằng Chúa sẽ trao cho những gia đình đó đủ sức mạnh để vượt qua nó”.

Ở tuổi 22, sự nghiệp hip-hop của Combs xem như kết thúc. Uptown Records đã sa thải ông. Nhưng sau một năm, ông bắt đầu chiến đấu để quay trở lại sự nghiệp của mình. Ông đã phát hành album của Mary Blige What’s the 411?. Với số tiền thu được, ông thành lập hãng thu âm riêng của mình, Bad Boy Records, và ký hợp đồng thu âm với rapper Biggie Smalls (thường được biết đến với tên Notorious BIG). Từ đó, ông tiến lên trở thành một đại gia có trong tay hàng triệu đôla qua hoạt động sản xuất những album đứng đầu bảng xếp hạng, và khởi đầu dòng quần áo thành thị mang tên Sean John sau này rất nổi tiếng trong giới thời trang.

BRAD DUNN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên