TTCT - Đề tài “Nhân vật chấn thương trong một số tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 1986-1995” đoạt giải nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường ĐH KHXH&NV, giải ba cuộc thi cấp bộ Tài năng khoa học trẻ năm 2012 và giải nhì Eureka 2012 TP.HCM. TTCT - Đề tài “Nhân vật chấn thương trong một số tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 1986-1995” đoạt giải nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường ĐH KHXH&NV, giải ba cuộc thi cấp bộ Tài năng khoa học trẻ năm 2012 và giải nhì Eureka 2012 TP.HCM. Tác giả nghiên cứu, Trần Phượng Linh, sinh viên năm 4 khoa văn học và ngôn ngữ, đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi. Phóng to Trần Phượng Linh hiện là thành viên nhóm Trung Kiên - một nhóm nhỏ dành cho đoàn viên ưu tú của khoa văn học và ngôn ngữ (ĐH KHXH&NV), thành viên câu lạc bộ văn học và nghệ thuật thuộc Đoàn khoa văn - Ảnh nhân vật cung cấp * Trước tiên là câu hỏi hơi "giáo khoa thư": Văn học chấn thương là gì? Tại sao bạn lại thích nghiên cứu văn học chấn thương? - "Văn học chấn thương" (traumatic literature) là khái niệm được lấy từ hai nguồn cơ bản. Một mặt, nó xuất hiện trong văn học Trung Quốc giai đoạn sau Cách mạng văn hóa dưới dạng một trào lưu văn học, phản ánh nỗi đau con người trong cuộc loạn ly, chia cắt và những va chạm, xung đột với lịch sử, thời đại. Mặt khác, quan niệm về văn học chấn thương cũng hiện diện trong hệ thống sáng tác và lý luận, phê bình văn học phương Tây vào thời điểm cuối thế kỷ 20, sau những đau thương, di chứng mà con người phải gánh chịu từ những cuộc chiến tranh thế giới, những xung đột về chính trị và văn hóa xã hội. Ở Việt Nam, khái niệm này còn được một số tài liệu dịch là "văn học vết thương". Gần đây, các tín hiệu thuộc nội hàm vấn đề này bắt đầu được nhìn nhận và tìm hiểu trong văn học Việt Nam, tiêu biểu qua một số tác phẩm nhấn mạnh vào bi kịch con người, sáng tác khoảng giai đoạn sau đổi mới - thời kỳ đột phá về tư duy, quan niệm và bút pháp sáng tác. Trước đó khi chưa biết khái niệm này, tôi đã đọc Nỗi buồn chiến tranh để khắc khoải tự hỏi người ta sẽ làm gì khi họ có trong tay cả cuộc đời và vận mệnh đất nước, mà chỉ được chọn một. Và sự lựa chọn đó, vừa là bước đi của thời đại vừa là một cuộc dấn thân để trưởng thành của mỗi cá nhân, dù họ chưa bao giờ xem đó là đánh đổi. Cái tôi muốn hiểu không chỉ là tiến trình lịch sử, những con số, mà là thân phận của những người sống chết cho những con số đó, những câu chuyện mang đầy đủ tâm hồn nhân văn của người Việt trong biến động. Tôi tìm đọc nhiều hơn mảng văn học sau năm 1986, và cô giáo đã gợi ý thực hiện đề tài khi thấy tiềm tàng trong đó một dòng chảy của cảm thức chấn thương, vốn cũng cần được nghiên cứu có hệ thống. * Nói về chấn thương thì người ta nghĩ ngay đến những vết thương cụ thể, hữu hình. Và chấn thương nhất thiết không phải chỉ đến từ chiến tranh mà còn có thể đến từ bạo lực, hoàn cảnh sống khắc nghiệt... Bạn có nghiên cứu những chấn thương đó hay không? - Những vấn đề đó đều xuất hiện trong bài nghiên cứu của tôi, dĩ nhiên là dưới những phương diện nằm trong dòng chảy thời đại. Trong văn học Việt Nam chấn thương tinh thần còn hiển hiện từ một số vấn đề như: định kiến về đẳng cấp xã hội, định kiến về giới, tình trạng cô đơn - lạc lối của thân phận, của tuổi trẻ, ranh giới giàu - nghèo và sự mất cân bằng của ưu thế xã hội, một số hủ tục của văn hóa vẫn ảnh hưởng lên đời sống con người... Đây cũng là những cảm thức chung, có sự gặp gỡ với văn học thế giới về những yếu tố gây nên bi kịch tinh thần cho con người. Vấn đề tôi muốn tìm hiểu là những biểu hiện và di chứng của những chấn thương tinh thần trong tâm hồn con người, dưới tác động qua lại với đời sống xã hội. Giai đoạn 1986-1995 là thời điểm đất nước bước vào đổi mới toàn diện, với trước là cuộc chiến tranh gian khổ và sau là nền hòa bình còn đầy vất vả bộn bề. Biến động mạnh mẽ của thời cuộc đã làm xuất hiện những dạng thức chấn thương tâm lý nhất định, ví dụ: người bị mất niềm tin, người chịu cảm giác bất an - sợ hãi, người luôn gặp "vận rủi", người bị tổn thương về tinh thần lẫn thể xác, người bị hoang tưởng... * Tôi vẫn còn thắc mắc: bạn sinh ra trong thời bình, rồi lớn lên trong một gia đình nhà giáo, có thể nói là trong một môi trường khá an lành giữa xô bồ hiện nay. Nên tại sao không phải là những dòng êm ả như văn học lãng mạn, tình yêu đôi lứa, thậm chí là văn học tuổi teen mà lại là văn học chấn thương? Chẳng phải quá "già", quá phức tạp so với tuổi của bạn sao? - Có lần đọc được một nhận xét của độc giả nước ngoài về Nỗi buồn chiến tranh, đại ý cuốn sách này giúp thế giới hiểu rằng trong những hi sinh đó chất chứa đầy đủ tâm hồn nhân bản của người Việt, vốn từng bị nhìn nhận như những con rôbốt vô cảm chỉ biết chiến đấu để chiến thắng, lúc đó tôi đã khóc. Hơn lúc nào hết tôi nhận ra nếu như bạn không lắng nghe và thấu hiểu những tiếng nói của cha ông, của cội nguồn dân tộc để lại thì bạn cũng không cách gì đủ vốn liếng mà gìn giữ hay truyền đạt nó một cách thân thương và sâu sắc đến những dân tộc khác. Thấy người ngoài hiểu lầm những mất mát của dân mình đã đau lòng rồi, huống gì nếu chính mình quên lãng nó. Tôi đã 20 tuổi, đã đến lúc nhận thức rõ ràng những câu chuyện tuy đau thương mà đầy tình yêu của dân tộc để qua quá khứ mà thấu hiểu chính mình. Với đất nước mình thì những câu chuyện ấy rất nhiều, cũng rất đậm đà tinh thần dấn thân của tuổi trẻ. * Chắc chắn để phục vụ đề tài này, bạn phải đọc những tác phẩm viết về chiến tranh của các tác giả Việt Nam. Nhưng một mảng không nhỏ đề tài chiến tranh Việt Nam là của nhiều tác giả nước ngoài, trong đó có không ít tác giả Mỹ. Bạn có so sánh những chấn thương ở hai trận tuyến khác nhau không? - Do chỉ giới hạn đề tài trong giai đoạn 1986-1995 nên việc tìm kiếm tư liệu cũng rất rõ ràng. Ngoài Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), tôi còn lựa chọn Thời xa vắng, Ăn mày dĩ vãng (Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), dưới sự tư vấn của giáo viên hướng dẫn. Đây đều là các tác phẩm giàu giá trị, tầm ảnh hưởng và xuất hiện nhiều biểu hiện của cảm thức chấn thương. Đối với văn học nước ngoài, tôi đọc các tác phẩm của E.Hemingway với cảm thức "the lost generation" (thế hệ mất mát) cũng thuộc dòng văn học chấn thương Mặt trời vẫn mọc (The sun also rises), Giã từ vũ khí (A farewell to arms), Chuông nguyện hồn ai (For whom the bell tolls). Ngoài ra, tôi tham khảo một số tác phẩm như The waste land (Đất hoang) của S.Eliot, The grapes of wrath (Chùm nho phẫn nộ) của John Steinbeck... Dĩ nhiên không thể bỏ qua một số tác phẩm của người nước ngoài viết về chiến tranh Việt Nam như Ở lưng chừng thời gian của David Bergen, Vòng tròn của Hạnh, một cuốn hồi ký có hoàn cảnh liên quan đến chiến tranh Việt Nam của Bruce Weigl... Trong nghiên cứu của tôi không có phần so sánh sự khác nhau giữa những chấn thương này. Tôi chỉ có một số cảm nhận riêng: Trước hết, cùng với nỗi đau của những mất mát, tổn thương, những đánh đổi và đổ vỡ thì bản thân các nhân vật người lính trong văn học nước ngoài (ví dụ văn học Mỹ) có tiềm tàng cảm thức sám hối của chủ thể đi xâm lược. Trong sang chấn tâm lý đó bao gồm cả sự khủng hoảng niềm tin về mục đích của việc hi sinh đời sống, tính mạng cho việc dấn thân vào một cuộc chiến (cuối cùng là) phi nhân tính. Vì sám hối nên nỗi đau càng giày vò, và một số người lính phải quay lại chiến trường xưa để "trả nợ tinh thần", để tự thú với mảnh đất mình từng cố gắng giành giật. Trong khi đó, cũng âm thầm hứng chịu những đau thương khủng khiếp thì hầu hết trong cảm thức những người lính, người dân Việt Nam, qua văn học, vẫn giữ niềm tin căn bản rằng mình không chiến đấu vì vinh quang, mà là cho những gì mình yêu thương thật sự (quê hương, Tổ quốc, gia đình...). Vì vậy, tình thương là ý nghĩa xoa dịu nỗi đau đó. Tuy nhiên, về sâu xa, đã là chấn thương tinh thần thì diện mạo của nó cũng có nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn: tình trạng mất niềm tin, nỗi lo âu đánh mất nhân tính, sự sợ hãi trước cái chết, ám ảnh về những mất mát, đổ vỡ, lạc lõng... Đó đều là những dạng tổn thương tâm lý khi bản ngã con người phải đối diện với bạo lực, chết chóc, biến động, khốn khổ, định kiến... nói chung là những xung lực trái ngược với tư tưởng nhân văn, nhân đạo. * Cuối cùng thì theo bạn, điều tâm đắc nhất bạn rút ra được từ nghiên cứu là gì? - Tôi ngẫm được rằng có sự tồn tại của cảm thức chấn thương trong văn học Việt Nam, cụ thể là giai đoạn 1986-1995. Và việc nhận thức, phân tích những dạng thức, biểu hiện của chấn thương đó không phải để xóa đi mà là để nhìn thẳng vào đó, thấu hiểu nó và thông qua đó thấu hiểu cái đẹp, cái bi thương, cái nhân văn trong tâm hồn dân tộc mình. Chấn thương chỉ có thể nguôi ngoai khi được lắng nghe, trân trọng và xác tín từ đó những bài học về lịch sử và thân phận con người. * Cảm ơn bạn và chúc bạn tiếp tục giữ ngôi vị sinh viên giỏi vào ngày tốt nghiệp. Phóng to Trần Phượng Linh nhận giải Eureka 2012 - Ảnh nhân vật cung cấp “Nhân vật chấn thương trong một số tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 1986-1995” tuy ban đầu là gợi ý của người hướng dẫn, nhưng ngay sau khi tiếp cận đề tài Phượng Linh đã biết giới hạn nghiên cứu một cách khôn ngoan, lĩnh hội rất sâu sắc những đề xuất của người hướng dẫn. Cách viết và cách xử lý đề tài của Linh thông minh, già dặn hơn rất nhiều so với tuổi đời và trình độ sinh viên năm 3. Theo dõi quá trình phấn đấu của Linh từ năm 15 tuổi đến bây giờ, qua các giải thưởng lớn như giải thi học sinh giỏi quốc gia, giải thành phố, giải Eureka, giải cấp bộ về nghiên cứu khoa học, giải sáng tác của câu lạc bộ văn học..., tôi nghĩ Trần Phượng Linh đã dám phiêu lưu và dám thành công - đó là điều tôi kỳ vọng nhất, trân trọng nhất ở Linh. Em đã tự làm mình phong phú, sâu sắc hơn bằng văn chương, và cũng mang lại vinh dự cho cộng đồng học thuật mà em thụ hưởng giáo dục và từ đó phát triển như Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM), khoa văn học và ngôn ngữ (ĐH KHXH&NV). Tiến sĩ LÊ THỊ THANH TÂM(ĐH KHXH&NV, giáo viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu của Phượng Linh) Tags: Tuổi 20Trần Phượng LinhThành lập ĐoànTài năng khoa học trẻVăn học chấn thươngVỸ ANH
Quốc hội chốt ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT là 200 triệu đồng/năm THÀNH CHUNG 26/11/2024 Luật mới được thông qua quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không phải chịu thuế VAT.
TP.HCM: 80 phường hoàn thành sáp nhập trong vòng 1 tháng THẢO LÊ 26/11/2024 Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương đồng loạt tổ chức hội nghị công bố quyết định sắp xếp các phường (sáp nhập) từ ngày 28 đến 30-12-2024. Đến 1-1-2025, các phường mới chính thức đi vào hoạt động.
Clip cận cảnh Đàm Vĩnh Hưng gặp nạn ở Mỹ, chồng ca sĩ Bích Tuyền kiện ngược lại HOÀI PHƯƠNG 26/11/2024 Ca sĩ Bích Tuyền chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng chồng cô là ông Gerard Williams sẽ kiện ngược lại Đàm Vĩnh Hưng. Phía ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn chưa có phản hồi về vụ việc này.
Ông Medvedev: Nga sẽ đáp trả hạt nhân nếu phương Tây chuyển giao vũ khí này cho Ukraine NGHI VŨ 26/11/2024 Theo ông Medvedev, một khi phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Matxcơva có thể xem đó là một cuộc tấn công vào Nga.