Tuổi 19 của Giêng

HẠ VŨ 31/12/2011 11:12 GMT+7

TTCT - “Bạn đã cõng ai chưa?” - câu hỏi của Câu chuyện cuộc sống khiến tôi muốn kể về Giêng, một cô bạn nhỏ mới quen...

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

1. Người Việt Nam tuy rất coi trọng tình cảm gia đình và gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho mỗi người nhưng với bản chất kín đáo của người phương Đông, hầu hết chúng ta ít thổ lộ tình cảm của mình với những người thân yêu. Giữa cha mẹ và con cái thường có một khoảng cách. Giữa vợ và chồng cũng còn có khoảng cách. Giữa anh em hay chị em cũng có khoảng cách.

Và rồi lâu dần, lâu dần, dù có muốn đi nữa chúng ta không biết cách để biểu hiện yêu thương với người thân ra sao, hoặc quên đi mình cần thổ lộ tình cảm ấy cho những người thân yêu của mình biết mình đã yêu thương họ nhiều đến thế nào. Với những ngại ngùng “thâm căn cố đế” ấy, chúng ta đã bỏ qua bao cơ hội. Để một ngày ta nhận ra thì đã muộn, người ta yêu thương không còn bên ta nữa.

2. Gia đình tôi có một quán ăn nhỏ bán cơm bình dân, thường thì chúng tôi thuê sinh viên phụ bán theo giờ. Đầu tháng 3 năm nay có một cô bé sinh viên tên Giêng đến xin việc. Cô bé nói mình học trung cấp kế toán năm 2. Giêng gầy gò nhỏ bé nhưng có đôi mắt đẹp, ướt và buồn. Tôi cho Giêng thử việc ba ngày thì nhận luôn. Giêng nhanh nhẹn, ngăn nắp, nói năng thật thà dễ thương. Những người cùng làm ai cũng mến Giêng. Riêng tôi không thích Giêng một điểm: em “keo” quá.

Quán tôi có thông lệ tháng lương đầu tiên thì người mới phải đãi đồng nghiệp một chầu kem tươi. Quán có bốn nhân viên thì chầu kem tính ra khoảng 80.000 đồng thế nhưng Giêng chỉ mua bốn cây kem, mỗi cây 7.000 đồng về đãi bạn mình. Rồi vào những dịp lễ lạt mỗi người được mẹ tôi sắm cho cái áo thun khoảng 100.000 đồng, Giêng bảo: “Bà đừng mua áo cho con, bà cho con số tiền đó là được rồi”. Những chuyện nhỏ nhỏ ấy khiến tôi không thích Giêng lắm.

Vào một tối mưa vắng khách, tôi thấy Giêng len lén ra sau lấy dầu nóng xức vào vai. Trong ánh đèn nhập nhoạng, tôi thoáng thấy vai Giêng tím bầm những vết răng. Tôi liền đưa Giêng vào phòng riêng gạn hỏi ai đã đánh đập, tôi lo Giêng đã rơi vào tay một gã đàn ông nào đó và bị bạo hành. Năn nỉ mãi Giêng mới òa khóc và bảo: “Mẹ em cắn đó cô”. Và Giêng lần lượt kể tôi nghe về quãng đời gian khó của mình.

Cha Giêng là người đàn ông trung niên đã có gia đình và ba con trai. Mẹ Giêng là cô gái quê mùa xin làm công nhân trong xưởng giày do ông làm chủ. Thấy mẹ Giêng trẻ trung xinh đẹp, má thắm môi xinh, ông thích lắm. Với nhiều thủ đoạn chiều chuộng ngọt ngào, quà cáp tư trang, cuối cùng ông khiến mẹ Giêng nhận lời làm vợ lẽ của ông. Khi Giêng được hai tháng tuổi, ông đuổi mẹ Giêng đi với những lời tàn nhẫn rằng ông đã có người khác. Mẹ Giêng khóc hết nước mắt, đem con về quê gửi ngoại, trở lại thành phố làm thuê làm mướn nuôi Giêng ăn học.

Năm Giêng được 10 tuổi, ngoại mất, vậy là mẹ đón Giêng lên thành phố ở cùng trong một căn chòi xóm “phế liệu”. Giêng vẫn được mẹ cho đi học mà không phải đi phân loại phế liệu như những bạn bè cùng xóm. Mẹ hết lòng lo cho Giêng. Những ngày hết việc, không còn nhiều tiền, mẹ chỉ húp chén cháo cầm hơi nhưng chén cơm Giêng ăn bao giờ cũng có miếng thịt, miếng cá. Áo mẹ quanh năm cũng chỉ có ba bộ thay đổi nhưng tết năm nào mẹ cũng mua cho Giêng bộ đồ mới, đôi giày mới để Giêng không tủi thân.

3. Những tưởng cuộc sống sẽ mãi ấm êm như thế và hai mẹ con sẽ bớt thiếu thốn đói khổ hơn. Nhưng khi Giêng chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông mẹ Giêng bỗng phát bệnh tâm thần. Bà không chịu ăn uống, cứ ngồi nhìn trừng trừng vào bóng đêm và bảo: “Mẹ không đem lại điều gì tốt đẹp cho con, mẹ phải chết. Bề trên đã báo mộng rồi... Nhưng trước khi mẹ chết, thằng già đó phải chết”.

Khi Giêng đút cơm cho mẹ, mẹ hất tay Giêng ra và bảo: “Mẹ bệnh nặng rồi, mẹ sắp chết rồi, không ăn đâu, tốn kém thêm làm gì...”. Giêng khóc hết nước mắt, gọi xe đưa mẹ đi chữa bệnh. Bác sĩ khám bệnh, cho thuốc, bảo về cho mẹ uống. Mẹ Giêng uống thuốc tỉnh táo lại đôi phần nhưng vẫn đờ đẫn, không biết làm việc gì ra hồn. Ăn cơm cũng đổ vãi ra áo, đi tắm thì quên khóa vòi nước, nấu cơm thì cháy đen như than... Giêng vẫn cố gắng vừa chăm mẹ bệnh vừa ôn thi tốt nghiệp.

Thật là những ngày tháng khó khăn, chật vật với Giêng. Giêng đủ sức tốt nghiệp phổ thông. Nhưng đến khi thi đại học, Giêng rớt. Biết sức mình có hạn, Giêng nộp hồ sơ vào hệ trung cấp ngành tài chính kế toán của trường X.

Hai buổi sáng chiều Giêng phải lên giảng đường, buổi tối Giêng đi làm thêm... Hàng trăm thứ tiền Giêng phải lo, nào các khoản tiền trường, tiền học phí, nào tiền gạo mắm, điện, nước, tiền thuốc thang khi mẹ ốm đau... Sự thiếu hụt tiền bạc nhiều lúc khiến Giêng gần như quẫn trí.

Nhưng lo nhất là mẹ Giêng thường xuyên phải ở nhà một mình. Bảo uống thuốc đúng giờ thì mẹ Giêng giấu thuốc đi và nói dối là uống rồi, hay bà ngậm thuốc đến khi Giêng sơ ý lại phun ra. Có khi bà không uống lại đòi chết cho Giêng rảnh nợ. Bà đổ lỗi cho mấy viên thuốc làm tay chân bà yếu đi, lúc nào cũng buồn ngủ...

Tối nào Giêng đi làm về cũng phải đi kiếm mẹ vì bà bận đi “làng trên xóm dưới” kể tội chồng mình, như một ám ảnh không nguôi về sự phản bội, tráo trở. Gặp ai bà cũng kể, cũng bắt người ta nghe... Mỗi lần kiếm được mẹ, Giêng năn nỉ mẹ về nhưng mẹ không về. Dọa đưa lại bệnh viện thì mẹ khóc òa. Không còn cách nào khác, Duyên đành dỗ ngọt, mẹ lên lưng cho con cõng về.

Mẹ Giêng thích được cõng lắm, chịu về cùng Giêng liền. Và vì yêu con nên thỉnh thoảng mẹ cắn vào vai Giêng để... thổ lộ tình thương yêu của mình. Giêng bảo mẹ làm con đau nhưng mẹ không hiểu, mẹ không có khái niệm làm người khác đau là thế nào.

Rất nhiều thứ trong đời thường bà đã quên hẳn. Bà như một đứa trẻ lên ba, thích vỗ về an ủi, thích ai đó khen mình đẹp, thích quà bánh, thích ăn ngon... Và trên hết thích được con gái cõng, nhong nhong nhong... Bà cười suốt trên quãng đường nằm trên vai con ấm áp. Hình như bà hiểu rằng bà đã được yêu thương nhiều lắm bởi người con gái ngoan hiền của bà.

Về tới nhà, Giêng đặt mẹ vào giường nhưng bà nhất quyết không buông Giêng ra. Bà ra sức than van: “Cõng mẹ một vòng nhà nữa đi, chỉ một vòng thôi mà, chân mẹ đau lắm...”. Vì thương mẹ, Giêng chiều mẹ, cõng mẹ thêm vài vòng nữa dù bản thân Giêng đã mệt rã rời.

4. Nghe Giêng kể chuyện của mình tôi thấy lòng rưng rưng muốn khóc. Tôi đã hiểu vì sao Giêng “keo kiệt” đến thế... Nhìn một sự việc làm sao ta có thể hiểu được một con người. Thẳm sâu trong sự “keo kiệt” ấy là bao lo toan và hiếu để. Tôi hỏi Giêng: “Con đau lắm phải không?”.

Giêng lau khô nước mắt, bảo: “Không, con không đau lắm. Con chỉ mong được cái hạnh phúc cõng mẹ suốt đời cho mẹ vui. Con không sao hiểu được nghị lực nào khiến mẹ đã đứng vững khi một đêm mưa gió bị người ta đuổi ra khỏi nhà với một đứa con đỏ hỏn trên tay mà không có một xu dính túi. Con mang ơn mẹ nhiều lắm vì mẹ cho con được làm người. Dù người ta có gọi mẹ là “bà già tâm thần” nhưng với con, mẹ vẫn là người con kính phục và yêu thương nhất”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận