Hai năm trước, Bryan Ritchie đang đào đất để làm con đường nhỏ quanh nhà ở Huiroa, New Zealand, thì đột nhiên ông cảm giác "chỉ muốn tiếp tục đào".

Công việc chính trong tuần của Ritchie, 58 tuổi, là chuyên gia phục hồi môi trường, còn giờ cứ tới chủ nhật ông lại dành thời gian với cuốc, xẻng để đắm mình với sở thích mới: đào hầm.

Miệng hầm của ông giờ đã sâu gần 5m và kéo dài 25m từ khu nhà kho tới tận mép khu vườn nhà. "Nếu có thể tôi sẵn sàng đào hầm hằng ngày", ông nói với Bloomberg.

Ritchie đào mà không có ý tưởng cụ thể gì. Ông chỉ thích niềm vui khi đào cùng cảm giác giống thiền trong quá trình đó.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 1.
Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 2.

Ritchie dần rơi vào thế giới của những người có sở thích đào hầm. Sở thích ngầm của những người đào hầm không chuyên này bắt đầu nổi lên gần đây một phần bởi một TikToker có tên Tunnel Girl (Cô gái đào hầm).

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 3.

Một phần đường hầm Sandland của Eric Sutterlin.

Cô gái ở vùng bắc Virginia (Mỹ) này có tên trên mạng là Kala bắt đầu đăng các video về quá trình đào con hầm sâu 6,5m dưới nhà.

Tuy nhiên dự án này bị khựng lại từ cuối tháng 12 khi quan chức thị trấn Herndon ra lệnh ngừng với Tunnel Girl và vụ việc trở nên ầm ĩ trên báo chí. Kala nói cô không ngờ vụ việc được chú ý vậy.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 4.

Một vụ việc khác diễn ra trong tháng 1, một đường hầm bí mật dài 18m bị phát hiện dưới một nhà thờ Do Thái ở Crown Heights tại Brooklyn (New York, Mỹ) làm hỏng kết cấu một số tòa nhà gần đó và khiến một số người bị bắt.

Các sự việc này diễn ra giữa làn sóng nhiều người tự đào hầm trên mạng: kể từ tháng 1-2022, thành viên của cộng đồng Reddit đam mê đào hầm đã tăng hơn 325% trong khi diễn đàn nhỏ về đào hầm trên Reddit cũng tăng quy mô hơn 4.800%.

Trên các diễn đàn này, các thành viên trao đổi thông tin các công cụ, kỹ thuật đào hầm, chia sẻ video đào đất cùng bình luận về "chiến tích" của các thành viên khác.

Trong số ngôi sao cộng đồng ngầm này có Colin Furze, một YouTuber người Anh, người đã ghi lại quá trình đào hầm ngầm trong nhiều năm nối căn phòng lớn ngầm dưới đất mà anh xây từ năm 2015 với khu nhà kho.

Khi Furze bắt đầu dự án năm 2018, anh cẩn thận để không bị hàng xóm để mắt khi dùng máy ép thủy lực loại êm để đào đất. Siêu phẩm video dài hơn 2 tiếng của anh (với tiêu đề "Tôi mất hơn 3 năm để đào…") được coi hơn 21 triệu lượt trên YouTube.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 5.

Hầm của Furze không phải là loại cho người amateur: anh hàn một bộ khung thép cầu kỳ để gia cố khung hầm và lắp một đường ray như thợ đào mỏ để đưa ra hàng tấn đất và đá.

Khi thanh tra lại công trình, chính quyền thành phố Stamford thậm chí hồi tố cấp phép cho công trình của anh. Dự án tiếp của Furze sẽ là xây dựng đường hầm tương tự nối nhà kho với nhà.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 6.

Nguồn gốc sở thích đào hầm có từ trước kỷ nguyên mạng xã hội rất lâu. Từ những năm 1880, công tước thứ 5 của Portland đã thuê 1.500 người để đào nhiều km hầm cùng với một phòng dạ hội ngầm dưới khu đất của ông ở gần Sheffield ở Anh.

Một thế kỷ sau, kỹ sư người Ireland Lyttle (biệt danh "The Mole Man" - "Người chuột chũi") đã dành gần 40 năm để xây dựng hệ thống đường hầm dưới nhà ở khu Hackney ở Đông London.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 7.

Báo chí cũng từng ầm ĩ năm 2015 khi một đường hầm dài 11m được phát hiện ở phía bắc Toronto cùng các công cụ, chai lọ và các thùng đồ ăn bên trong.

Cảnh sát điều tra đường hầm hơn một tháng nhưng không tìm được câu trả lời và kêu gọi công chúng hỗ trợ.

Đồn đoán khi đó có từ phòng lab thuốc phiện cho tới các âm mưu khủng bố nhưng sự thật thì không có gì đặc biệt.

Hơn một tuần sau khi cảnh sát kêu gọi, người đào hầm tự thú trong cuộc phỏng vấn với tờ Toronto Sun.

Elton McDonald, công nhân xây dựng 25 tuổi ở gần khu đó, thú nhận đã làm đường hầm: "Đó là điều tôi luôn muốn làm". Đường hầm sau đó bị lấp lại.

Tháng 9-1924, một xe tải bất ngờ lọt hố ở ngay gần nút giao Dupont Circle nổi tiếng ở Washington DC. Nhờ đó mới phát hiện một loạt hệ thống đường hầm do nhà côn trùng học Harrison G. Dyar đào. Tiến sĩ Dyar nói ông bắt đầu đào hầm từ năm 1905.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 8.

Leanne Wijnsma, nhà thiết kế kiêm nghệ sĩ sống ở Amsterdam, đã chạm đến đam mê đào hầm này trong tác phẩm của mình. Dự án có tên Escape hồi năm 2015 của cô gồm một loạt đường hầm đào bằng tay ở một loạt thành phố trên thế giới. Cô đào nhiều giờ ở những nơi mà công chúng có thể quan sát.

Tác phẩm của cô truyền tải thông điệp đào hầm có thể là cách thoát khỏi áp lực cuộc sống đô thị.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 9.

Những người quyết tâm đào hầm cũng đối mặt nhiều rào cản về luật, từ việc xin giấy phép xây dựng từ chính quyền địa phương.

Nhìn chung, theo ông Arnold Dix, chủ tịch Hiệp hội Đào đất và Không gian ngầm quốc tế, mọi người nên hiểu đào hầm giống như một thú vui lậu. "Có một số nước mà hoạt động này không bị coi phi pháp, nhưng đó chỉ là vì không ai nghĩ tới việc này", ông Dix nói.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 10.

Rủi ro của đào hầm không chỉ là án phạt, ông Dix cho biết. Vài tháng trước, ông là người chỉ huy việc cứu 41 công nhân xây dựng mắc kẹt dưới khu hầm sập ở Uttarkashi, Ấn Độ, trong suốt hai tuần.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 11.

Các rủi ro khác gồm cả chẳng may đào trúng đường ống nước và chết chìm hoặc gặp phải các khí độc như carbon monoxide hay bị đá rơi trúng đầu.

"Nếu sự cố xảy ra, hầu như chắc chắn bạn không bị thương - Dix nói - Bạn chết chắc".

Những điều này vẫn không cản được những người mê đào hầm như Eric Sutterlin, người đã đào mê cung ngầm dài 330m ở Tây Wisconsin (Mỹ).

Anh tự tin là tổ hợp làm bằng đá sa thạch này (anh gọi là Sandland) sẽ không dễ bị sụp.

"Đào các lớp đá gốc như này thì sẽ khác với đào đất, cát hay các loại kết cấu lỏng - Sutterlin nói - Đá sa thạch chúng tôi đang đào gồm cả cát và xi măng quyện với nhau đủ để giữ đường hầm ổn định".

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 12.

Sutterlin ước tính anh đã đào 428 mét khối cát để tạo ra Sandland Ảnh: Micah McMullin

Sutterlin ước tính ông đã múc ra khoảng 428m3 để tạo ra Sandland. Dự án này bắt đầu từ năm 2011 khi Sutterlin mua khu đất ngoại ô nhỏ chỉ để dành riêng cho việc đào hầm giải trí.

Những năm sau đó, những người thích đào hang, đào hầm từ nhiều nơi đã tình nguyện tới giúp mở rộng khu này, sử dụng búa điện và các thiết bị để mở rộng hệ thống hầm ngoằn ngoèo.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 13.

Dix thì phản đối mạnh mẽ việc đào hầm như sở thích, ông nói mọi người nên ít nhất coi quy định ở khu vực họ về đào mỏ thế nào vì có thể có những chỉ dẫn an toàn cơ bản như về cấu trúc hỗ trợ hầm, thông khí và sơ tán khẩn cấp.

Khi được hỏi hoạt động nào mà những người thích đào hầm có thể thử để thay thế, ông Dix chỉ biết so sánh với một điều: dùng heroin. "Đào hầm khiến bạn cảm thấy phấn khích, và rồi đột nhiên bạn chết", ông nói.

Tunnel Girl và làn sóng những người mê đào hầm - Ảnh 14.

Eric Sutterlin bên cạnh mê cung hầm ngầm của mình ở Wisconsin. Ảnh: Micah McMullin

QUÂN ANH
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0